Lao động
Đắk Lắk: Số vụ tai nạn lao động trên toàn địa bàn tỉnh năm sau giảm hơn năm trước
07:45 PM 27/07/2022
(LĐXH) - Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 7.063 doanh nghiệp, cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh. Để đảm bảo An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp đến người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ) và nhân dân về việc đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp trong các đơn vị, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh.

Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác An toàn vệ sinh lao động cho các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong công tác ATVSLĐ, phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trên địa bàn. Cụ thể: Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NSDLĐ và NLĐ, nhất là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, TNLĐ,…

Sở Xây dựng: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đối với công tác quản lý ATVSLĐ trong thi công xây dựng các công trình thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; tăng cường công tác quản lý an toàn trong lắp đặt, sử dụng cần trục tháp và máy vận thăng cũng như các loại máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; nhắc nhở và yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan trong quá trình thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt lưu ý đối với biện pháp lắp dựng giàn giáo chống đỡ ván khuôn, giàn giáo bao che công trình và giàn giáo phục vụ thi công,

Các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022

Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn rà soát nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ, rủi ro cao về TNLĐ, chú ý các công trình xây dựng tiếp giáp với các khu đông dân cư, các đường giao thông đông người đi lại, các mỏ khai thác đá, chế biến gỗ, cơ khí; tăng cường công tác kiểm tra chấp hành quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương… Qua đó, tình  hình TNLĐ trên địa bàn đã được kéo giảm, năm sau đã giảm hơn năm trước. Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNLĐ, làm chết và bị thương 9 người (6 người chết, 3 người bị thương nhẹ), giảm 6 người so với năm 2020. Còn từ đầu năm 2022 đến hết tháng 6, số vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ xảy ra 3 vụ TNLĐ làm chết 3 người (không có người bị thương). Nguyên nhân TNLĐ chết người chủ yếu là do tai nạn giao thông trên đường đi đến nơi làm việc hoặc ngược lại.

Đắk Lắk: Số vụ tai nạn lao động trên toàn địa bàn tỉnh năm sau giảm hơn năm trước

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay phần lớn NSDLĐ trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ, chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp, thành lập hội đồng bảo hộ lao động; các phòng, ban, cử cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ; khám phát hiện bệnh nghề ng hiệp cho NLĐ được NSDLĐ quan tâm hơn. Về phía NLĐ từng bước nhận thức những quy định của pháp luật và nội quy của doanh nghiệp về ATVSLĐ khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ hay xây dựng dân dụng vẫn chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn về ATVSLĐ nhằm nâng cao năng lực của cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ tại các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ và các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NSDLĐ và NLĐ về công tác ATVSLĐ, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Trương Đăng