Lao động
Đắk Lắk: Nhiều kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm
08:58 AM 01/07/2019
(LĐXH) – Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, năm 2018 tỉnh tiếp tục có nhiều yếu tố tích cực và thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm giúp người lao động và doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi và tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn

Số doanh nghiệp thành lập mới 912 doanh nghiệp (tính đến ngày 30/11/2018); nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng cao, đã tạo điều kiện cho người lao động trong tỉnh có cơ hội lựa chọn việc làm. Ước tính năm 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 29.100 người (trong đó việc làm tăng thêm 15.900 người), đạt 104,67% so với kế hoạch năm. Trong tổng số  29.100 người  lao động được giải quyết việc làm chia theo nhóm ngành, nghề như: Công nghiệp và Xây dựng 7.620 người; Nông, lâm nghiệp 12.170 người; Thương mại và Dịch vụ: 9.310 người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,6%, giảm 0,1% so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm cũng đạt được nhiếu kết quả đáng ghi nhận. Ước tính năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định 2.243 dự án vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, số tiền cho vay 63 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 2.298 người lao động. Trong đó lao động nữ: 1.364 người, lao động dân tộc thiểu số 267 người, lao động khuyết tật 10 người, lao động là công an, bộ đội xuất ngũ 03 người. Tổng dư nợ đến cuối năm 2018 là 145 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung ương 88 tỷ đồng, nguồn vốn của địa phương ủy thác 57 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2018,  toàn tỉnh đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 30.700 lượt người (trong đó, tư vấn việc làm 24.200 lượt người); giới thiệu việc làm cho 12.600 lượt người, trong đó số có việc làm sau khi giới thiệu 5.450 người (có việc làm trong tỉnh là 5.100 người, ngoài tỉnh là 226 người và nước ngoài 124 người; cung ứng lao động cho 105 người.  Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 27.210 lượt người (trong đó tư vấn việc làm 21.670 lượt người); giới thiệu việc làm cho 10.518 lượt người, có việc làm sau khi giới thiệu là 4.119 người, cung ứng lao động cho 105 người.

Tư vấn việc làm cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng trở lại thị trường lao động tại sàn Giao dịch việc làm tỉnh Đắk Lắk năm 2019

Cùng với đó, công tác xuất khẩu lao động được tỉnh quan tâm và đạt được những kết quả khả quan. Tính đến cuối năm 2018, có 55 doanh nghiệp ngoài tỉnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đến các địa phương trong tỉnh để phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, các doanh nghiệp đã tư vấn cho gần 1.500 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và đã có 730 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, … đạt 104% kế hoạch năm; trong đó Kỳ thi tiếng Hàn năm 2018 (ngành sản xuất chế tạo) toàn tỉnh có 206 người lao động đăng ký dự thi, 126 người đạt yêu cầu và nộp hồ sơ về Trung tâm Lao động ngoài nước, đã có 72 người xuất cảnh theo chương trình này.

Toàn tỉnh cũng đã giải quyết hồ sơ  trợ cấp thất nghiệp  cho 6.000 người (trong đó: số người làm việc ở địa phương khác nộp hồ sơ  2.700 người,  số người chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp đi địa phương khác 95 người). Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 5.800 người với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 75 tỷ đồng. Số người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm: 6.000 người. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề: 165 người.

Năm 2018, toàn tỉnh đã cấp 38 Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (trong đó: cấp mới 30, cấp lại 08 giấy phép) và  xác nhận cho 08 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2018 còn 112 người nước ngoài đang làm việc tại 27 đơn vị, doanh nghiệp, văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, xuất khẩu lao động của người lao động cao nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng, cho vay xuất khẩu lao động còn ít, mức cho vay thấp.

Phần mềm nhập tin, vẫn còn nhiều lỗi xảy ra, dữ liệu Phần cung xuất về cho địa phương chưa đầy đủ, nên gặp khó khăn trong việc nhập tin dẫn đến tiến độ nhập tin hoàn thành chậm so với kế hoạch đề ra. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động, về số lượng có vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; tuy nhiên, về mặt chất lượng vẫn còn hạn chế. Công tác xuất khẩu lao động tuy vượt kế hoạch đề ra, nhưng so với nguồn lực lao động của tỉnh thì số người tham gia còn ít…

Hoàng Cảnh