Lao động
Đắk Lắk nhiều kết quả đạt được trong công tác giải quyết việc làm gắn với đảm bảo an sinh xã hội
11:24 AM 18/04/2019
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Năm 2018, nhờ được sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, bằng nhiều giải pháp trọng tâm và thông qua nhiều kênh giải quyết việc làm, toàn tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết việc làm cho trên 29.100 người, hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,6%.
Người lao động phỏng vấn tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm tỉnh Đắk Lắk 2019

Ngoài ra, tỉnh cũng kết hợp các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như: tư vấn giới thiệu việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Ước tính năm 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 29.100 người (trong đó việc làm tăng thêm 15.900 người, lao động nữ 13.380 người, lao động dân tộc thiểu số 9.500 người), đạt 104,67% so với kế hoạch năm. Trong tổng số 29.100 người được giải quyết việc làm, số người làm việc trong các ngành nghề Công nghiệp và Xây dựng chiếm 7.620 người, Nông - lâm nghiệp 12.170 người và thương mại và dịch vụ 9.310 người. Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2018, tổng số doanh nghiệp của toàn tỉnh có 7.450 doanh nghiệp (Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước: 43, doanh nghiệp dân doanh: 7.400, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 07) và có 936 Chi nhánh, Văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với tổng số lao động đang làm việc khoảng 110.000 người.

Theo ông Lê Hạnh, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết:  Năm 2018, Đắc Lắk tiếp tục có nhiều yếu tố tích cực và thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi … thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới nhiều (tính đến ngày 30/11/2018 toàn tỉnh có 912 doanh nghiệp thành lập mới); nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng cao, đã tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội lựa chọn việc làm.

 Bên cạnh đó địa phương cũng có nhiều dự án, công trình xây dựng, giao thông đường bộ, giao thông nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh, các yếu tố này đã góp phần tạo ra nhiều chỗ làm việc, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Kết hợp giữa chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm, cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Năm 2018, Ngân hàng chính sách xã hội của tỉnh đã phát huy hiệu quả công tác giải quyết cho vay vốn tạo việc làm  và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thẩm định 2.243 dự án vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, số tiền cho vay 63 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 2.298 người lao động. Trong đó, lao động nữ là 1.364 người, lao động dân tộc thiểu số 267 người, lao động khuyết tật: 10 người và lao động là công an, bộ đội xuất ngũ 03 người. Tổng dư nợ đến cuối năm 2018 là 145 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của Trung ương 88 tỷ đồng, nguồn vốn của địa phương ủy thác 57 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu cho hộ gia đình vay để đầu tư trồng, chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi nhằm phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Việc cho vay vốn giải quyết việc làm của tỉnh đã khuyến khích phát triển sản xuất, đời sống của người lao động ổn định và từng bước được cải thiện.

Song song đó,  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã tạo điều kiện, giới thiệu cho 55 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động về các địa phương trong tỉnh để phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, các doanh nghiệp đã tư vấn cho 1.500 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và đã có  730 lao động xuất cảnh đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, … đạt 104% kế hoạch năm. Đồng thời, trong năm 2018 toàn tỉnh đã có 206 người tham dự kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 13, trong đó có 126 người đạt yêu cầu và nộp hồ sơ về Trung tâm Lao động ngoài nước và đã có 72 người xuất cảnh theo chương trình này.

Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Đắk Lắk

  Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong năm qua luôn được ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và cách làm sáng tạo. Công tác thông tin thị trường  lao động, kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp luôn được quan tâm. Toàn tỉnh có 04 doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ việc làm (có giấy phép) cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐTBXH) tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm … để “chắp nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị đầu mối đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Tỉnh đoàn Đắk Đắk, Hội liên hiệp Phụ nữ, chính quyền địa phương các cấp để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, nắm nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp …   

 Năm 2018, toàn tỉnh đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 30.700 lượt người (trong đó, tư vấn việc làm cho 24.200 lượt người); giới thiệu việc làm cho 12.600 lượt người, trong đó số có việc làm sau khi giới thiệu 5.450 người (có việc làm trong tỉnh là 5.100 người, ngoài tỉnh là 226 người và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 124 người; cung ứng lao động cho 105 người.  Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 27.210 lượt người (trong đó tư vấn việc làm 21.670 lượt người); giới thiệu việc làm cho 10.518 lượt người, có việc làm sau khi giới thiệu là 4.119 người, cung ứng lao động cho 105 người.

Sở LĐTBXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã hoàn thành cập nhật thông tin cung, cầu lao động năm 2018 và nhập thông tin vào phần mềm quản lý, cụ thể: Tổng số hộ gia đình đã rà soát thông tin: 436,335 ngàn hộ gia đình, trong đó có 97,184 ngàn hộ biến động thông tin (chiếm tỷ lệ 22,26% so với tổng số hộ), 339,151 ngàn hộ không biến động thông tin, nhưng ghi chép bổ sung thông tin về thành phần dân tộc. Tổ chức cập nhật, ghi chép thông tin về lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp tại 1.200 doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cấp 38 Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (trong đó: cấp mới 30, cấp lại 08 giấy phép) và  xác nhận cho 08 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2018 còn 112 người nước ngoài đang làm việc tại 27 đơn vị, doanh nghiệp, văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết cho 5.800 người nộp hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó, số người làm việc ở địa phương khác chuyển đến nộp hồ sơ: 2.700 người), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.800 người,  số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp: 75 tỷ đồng; hơn 6.000 người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề 165 người.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cả khách quan lẫn chủ quan, như: số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động nhiều, số doanh nghiệp thành lập mới ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhu cầu tuyển lao động ít; hoạt động xuất khẩu lao động còn chậm; Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm duy trì và mở rộng việc làm, xuất khẩu lao động của người lao động cao nhưng nguồn vốn cho vay còn ít và thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động tại địa phương.

 Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp được ưu tiên của tỉnh Đắk Lăk

nhằm góp phần đảo bảo an sinh xã hội tại địa phương

Công tác thu thập thông tin cung, cầu lao động trên địa bàn gặp nhiều khó do địa bàn rộng, tiếp cận doanh nghiệp để lấy thông tin khó, doanh nghiệp thiếu sự hợp tác và phần lớn doanh nghiệp thuê trụ sở làm việc nên thường xuyên thay đổi địa chỉ. Công tác nhập thông tin biến động về cung, cầu lao động năm 2018 vào phần mềm quản lý gửi về địa phương chậm so với kế hoạch. Các biểu mẫu, sổ sách ghi chép thay đổi so với trước đây, phải in lại mẫu mới nhưng nguồn kinh phí không được hỗ trợ.

 Công tác xuất khẩu lao động tuy có vượt kế hoạch đề ra, nhưng so với nguồn lao động của địa phương thì còn hạn chế. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn ít, chủ yếu lao động có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của người vay. Người lao động có xu hướng chuyển từ thị trường lao động có mức thu nhập thấp sang các thị trường có mức thu nhập cao.

Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, trong năm 2019, Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu giải quyết việc làm cho 29.000 lao động (trong đó việc làm trong nước 28.300 người, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 700 người. Tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 40.000 lượt người,  giới thiệu việc làm cho 15.700 lượt người; tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm DVVL và phiên giao dịch việc làm lưu động tại các đia phương. Hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 2.160 lao động với tổng vốn cho vay khoảng 65 tỷ đồng. Phấn đấu duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 2,5%, hạn chế tối đa tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn là 1,3%.

Hoàng Cảnh