Lao động
Đắk Lắk: Nhân rộng nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn
03:48 PM 25/12/2020
(LĐXH) - Thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định 3276/QĐ-UBND, ngày 22/12/2011, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề và tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình trồng nấm rơm có hiệu quả kinh tế  cao ở huyện Krông Ana, Đắk Lắk được nhân rộng 

Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2020, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu triển khai thí điểm một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: Mô hình trồng và khai thác nấm, mô hình trồng nấm dược liệu, mô hình đào tạo nghề chăm sóc da, làm đẹp, mô hình May công nghiệp, mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu, trồng và chăm sóc cây cao su … Trong đó, Mô hình trồng và khai thác nấm số lượng người được học 200 người tỷ lệ có việc làm trên 95%, mô hình này ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia, hiện nay số lượng và chất lượng mô hình ngày càng tăng lên, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng nấm bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu số lượng người được học 95 người, tỷ lệ có việc làm trên 90%. Mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng tiêu bình quân 9-10 triệu đồng/tháng, mô hình đào tạo nghề May công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện Krông năng, Krông Ana (các học viên sau khi được đào tạo, được Trung tâm giới thiệu việc làm tại gia đình thông qua mô hình gia công các bộ phận, các chi tiết của ngành may mặc theo từng công đoạn sau đó gửi xuống công ty tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết những mô hình triển khai đơn giản dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia học nghề, đặc biệt là lao động nữ, kinh phí đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, quản lý tại hộ gia đình, những mô hình này đã và đang phát huy được hiệu quả, người lao động học xong có việc làm thu nhập bình quân từ 4-6 triệu/tháng. Các mô hình trên đã góp phần cho lao động nông thôn định hướng được nghề nghiệp của họ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn và được nhân rộng áp dụng rộng rãi cho các huyện trên địa bàn tỉnh, cũng như các tỉnh bạn đến học hỏi kinh nghiệm để triển khai như tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Vĩnh Long.

Mô hình trồng nấm bào ngư ở huyện Krông Ana  mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần giả nghèo bền vững tại địa phương

Được biết, để triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn  đến năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quan tâm chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị đào tạo nghề trong việc tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đúng quy trình, quy định; nội dung chương trình, giáo trình dựa trên cơ sở chương trình, giáo trình của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Giai đoạn 2010 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp cùng với các đơn vị như: trường Cao đẳng Du lịch Huế và trường Cao đẳng Quốc tế VABIS, Trường Cao đẳng Cơ điện Nông lâm Trung bộ biên soạn 14 chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp và nghề Nông triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay có 10/14 chương trình đang được áp dụng rộng rãi.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tổ chức biên soạn, thẩm định xây dựng và ban hành được 122 bộ chương trình, giáo trình cơ bản đảm bảo theo quy định, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp. Việc biên soạn chương trình, giáo trình của các đơn vị được thực hiện theo Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động – TBXH, Quy định về đào tạo trình độ sơ cấp.

Kết quả, giai đoạn 2010 – 2020 toàn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức được 1.022 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo 35.629 lao động với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng. Năm 2020 đã hỗ trợ đào tạo 9.000 lao động nông thôn, kinh phí dự kiến 11 tỷ đồng. Hiệu quả từ số lao động nông thôn được đào tạo có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên tính đến tháng 9/2020 đạt trên 82%.

Thảo Nhi