Xã hội
Đắk Lắk: Mở nhiều lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ em
02:34 PM 02/04/2020
(LĐXH) - Đắk Lắk là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở khu vực trung tâm vùng Tây Nguyên , dân số gần 1,9 triệu người (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số) với hơn 492.830 trẻ em, trong đó có 5.726 em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đắk Lắk thường xuyên mở các lớp kỹ năng bơi lội cho trẻ em chống đuối nước trên đạ bàn

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lắk đã có chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, UBND các cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, mở lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm là thực sự cần thiết cho trẻ ở các giai đoạn tuổi khác nhau đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Bà Lại Thị Loan - Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đăk Lắk cho biết, trong năm Sở LĐ-TB và XH tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2664/UBND-KGVX, ngày 08/04/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, vào tháng 5/2019 Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND huyện Ea Kar tổ chức Lễ phát động phòng, chống đuối nước cho trẻ tại trên địa bàn huyện Ea Kar. Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện cùng lãnh đạo các xã, thị trấn thuộc huyệ Ea Kar và hơn 600 em học sinh, phụ huynh của xã Cư Ni. Dịp này, với sự hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thí điểm Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em ở huyện Ea Kar. Đến nay, Dự án đã thành lập được Ban điều phối từ cấp tỉnh đến cấp huyện và ở 8 xã: Cư Bông, Cư Huê, Cư Ni, Cư Prông, Ea Păl, Ea Đar, Ea Sô, Ea K'mut thuộc huyện Ea Kar; Xây dựng và lắp đặt 02 Pa nô truyền thông về phòng chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ em, 01 đặt ở thị trấn Ea Kar và 01 đặt tại trung tâm xã Cư Ni. Dự án cũng chọn 10 giáo viên dạy thể dục thuộc các trường tiểu học, trung học cơ sở, cán bộ thể dục, thể thao của huyện Ea Kar cử tham gia lớp tập huấn về phòng chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ em tại tỉnh Sóc Trăng do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Song song với những hoạt động trên, dự án còn tổ chức Hội nghị tập huấn cho 20 giáo viên, hướng dẫn viên trên địa bàn huyện Ea Kar về phòng, chống đuối nước trẻ em. Sau Hội nghị tập huấn này, 100% học viên đều đạt kết quả tốt được Giám Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cấp giấy chứng nhận. Sau khóa tập huấn các học viên đã cùng với các chuyên gia của dự án tiếp tục mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho 45 giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Ea Kar về kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em; Tổ chức 40 lớp dạy bơi an toàn cho 800 trẻ em và 24 lớp tuyên truyền nâng cao kiến thức an toàn phòng, chống đuối nước cho hơn 1.200 trẻ em, từ 6 đến 15 tuổi ở các xã Cư Bông, Cư Huê, Cư Ni, Cư Prông, Ea Păl, Ea Đar, Ea Sô, Ea K'mut.

Bên cạnh những hoạt động trên, trong năm 2019 Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đăk Lắk đã tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho 1.520 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho các cán bộ, người làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã và đội ngũ cộng tác viên trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố; Phối hợp tổ chức Lễ phát động điểm Tháng hành động vì trẻ em tại huyện Buôn Đôn với sự tham gia của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo UBND và hơn 1.500 em học sinh, cha mẹ, thầy cô giáo huyện Buôn Đôn tham dự. Bên cạnh đó, trong năm Sở còn thường xuyên phối hợp lồng ghép các biện pháp tuyên tuyền về công tác trẻ em thông qua Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đường dây nóng 02623.951567 (có chuyên viên cấp huyện hỗ trợ bằng tiếng Ê đê), bà Lại Thị Loan cho biết.

Trẻ em được tham gia nhiều hoạt động

Trẻ em Đắk Lắk tại các trường Tiểu học được tham gia thao luận nhóm về kiến thức phòng ngừa xâm hại tình dục và biện pháp bảo vệ

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2019 các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các trẻ em như: Ngày hội cho thiếu nhi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6; chương trình học kỳ trong quân đội, học làm chiến sỹ công an hay tổ chức chương trình trải nghiệm làm chiến sỹ,… Trong đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn và UBND huyện M’Đrắk tổ chức vui Tết Trung thu và Đêm hội Trăng rằm cho trẻ em huyện M’Đrắk với nhiều hoạt động như: khám mắt miễn phí và tặng quà cho 200 trẻ em hoàn cảnh khó khăn trị giá 10 triệu đồng; tặng 30 xe đạp (mỗi xe 1.500.000đ) và 50 suất học bổng (mỗi suất 1.000.000đ) và 100 suất quà (mỗi suất 150.000đ) cho thiếu nhi nghèo vượt khó, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tặng 1.000 suất quà cho trẻ em tham dự (mỗi suất 45.000đ) cho trẻ em tham dự. Tại chương trình, Ban  tổ chức đã trao tặng 01 giếng khoan cho 01 trường mẫu giáo trên địa bàn huyện M’Đrắk với trị giá 50 triệu đồng.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, dịp Tết Trung thu 2019, Cấp ủy, chính quyền các sở, ban, các đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh cũng tổ chức tốt các hoạt động vui Tết Trung thu cho các em là cong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị mình và đơn vị  kết nghĩa. Đặc biệt, 100% xã, phường, thị trấn; hơn 93% thôn, buôn, tổ dân phố, 100% cơ sở trợ giúp xã hội có nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trên toàn tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu, tặng quà cho 4.572 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí 890.630.000 đồng; có 14 điểm cấp huyện, 563 điểm cấp xã, 2.311 điểm ở thôn, buôn, tổ dân phố tổ chức vui Tết Trung thu với tổng số 428.716 lượt trẻ em được tham gia vui chơi, nhận quà, học bổng, tổng số kinh phí ước khoảng 12.503.255.500 đồng (trong đó, kinh phí vận động là 11.023.316.500 đồng; kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.479.939.000 đồng).

Bà Lại Thị Loan Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện quyền tham gia của trẻ em, trong năm 2019 Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2019 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”. Diễn đàn được tổ chức trong 2 ngày, 4 và 5 tháng 7 tại Thành phố Buôn Ma Thuột với nhiều nội dung phong phú. Ngày thứ nhất, các em tham dự được thực hành Chương trình “Một ngày làm đại biểu Quốc Hội” và thảo luận. Các em được đóng vai Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y Tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, LĐ-TB&XH,... Đây là hoạt động giả định 01 phiên làm việc của Quốc hội với Đoàn Chủ tịch điều hành cuộc họp, đại biểu tham gia chất vấn các vấn đề liên quan đến từng bộ, ngành và các bộ trưởng trả lời các vấn đề. Đây là một sân chơi bổ ích để trẻ em tự nhìn nhận và đưa ra cách giải quyết các vấn đề nóng của xã hội. Ngày thứ hai các em tham dự được gặp mặt, đối thoại vơi lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, trao đổi ý kiến với chủ đề: “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”, đưa ra thực trạng, khó khăn thách thức và mong muốn của các em đối với lãnh đạo sở, ban, ngành. Đồng thời, trẻ em được nghe đại diện các sở, ban, ngành có liên quan giải đáp thắc mắc và các ý kiến đề xuất của các em,… Năm qua, thông qua các phong trào thanh thiếu niên trong trường học, các em học sinh đã tự thành lập hơn  4.180 câu lạc bộ, đội, nhóm với 83.880 em tham gia như: Câu lạc bộ tuyên truyền về phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích trẻ em, câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ sở thích, đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non,… Qua những họat động này, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được bày tỏ những suy nghĩ, nhận thức của mình từ đó định hướng phát triển nhận thức và hành động.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trẻ em, tăng cường việc phối hợp liên ngành, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình Hành động vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 các cấp; phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó, duy trì tỷ lệ % số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, trợ giúp. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, hoạt động trọng tâm và các mô hình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là những kế hoạch về phòng, chống đuối nước; phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Đăng Hải