Lao động
Đắk Lắk: Kết quả sau một thập niên triển khai Để án 1956 của Thủ tướng Chính phủ
03:16 PM 18/12/2020
(LĐXH) - Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người mỗi năm góp phẩn nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT), chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Căn cứ Đề án nêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, điều hành, nhiều cơ chế chính sách riêng của tỉnh đã được triển khai thực hiện Đề án, cụ thể như: Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27 – CT/TU, ngày 25/6/2010 về tăng cường sự lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 08 – CT/TU, ngày 24/5/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 81/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về Chương trình Việc làm và Dạy nghề tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012-2015; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 07/12/2011 về mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp nghề miễn phí cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 quy định về mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn, Ngoài ra, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có liên quan triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản được thuận lợi.
Song song đó, Tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh và Tổ thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh đến năm 2020; ở cấp huyện, 15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; ở cấp xã, 184/184 xã, phường, thị trấn triển khai và thành lập Tổ công tác thực hiện đề án 1956. Bộ máy chỉ đạo điều hành được thành lập từ tỉnh đến cấp xã đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án.
Dạy nghề mô hình trồng nâm bào ngư mang lại hiệu quả cao cho lao động nông thôn được tỉnh Đắk Lắk nhân rộng trên địa bàn
Kết quả sau một thập niên triển khai Để án 1956
Kết quả qua 10 năm (giai đoạn 2010 – 2020), triển thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận như: nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động trong tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT thay đổi rõ rệt. Từ chỗ học nghề theo phong trào, học chỉ để biết, người lao động đã chủ động lựa chọn nghề, tham gia học nghề nhằm tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều LĐNT học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác, từ đó tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sau 10 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã có 35.629 lượt LĐNT được hỗ trợ học 29 ngành nghề, với tổng kinh phí trên 105 tỷ đồng. Trong đó, số LĐNT được đào tạo nghề có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập tăng trên 82%. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần quan trọng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 46%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 37%. Năm 2015, tỷ lệ này là 50% và 40% và dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ 19,53%. Điểm nổi bất sau 10 năm triển khai đề án cho thấy đa phần LĐNT sau khi học nghề đã nhận thức được rằng để sản xuất đạt hiệu quả, cần phải có tay nghề vững, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên đã vận dụng các kiến thức được học vào thực tế cuộc sống; một số lao động đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh theo giá hiện hành đạt khoảng 49,1 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9,35%,  tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,5%.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề. Đồng thời, rà soát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề. Đặc biệt là triển khai thí điểm một số mô hình đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả cao như:  mô hình trồng và khai thác nấm, chăn nuôi heo, chăn nuôi gà, trồng và chăm sóc cây tiêu, trồng và chăm sóc cây cao su, xây dựng dân dụng, mây tre đan kỹ nghệ, trồng dưa lưới. Điển hình là mô hình trồng và khai thác nấm ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông Ana, huyện Krông Păk và trồng và chăm sóc cây tiêu ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Cư M’gar, mô hình triển khai đơn giản dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia học nghề, kinh phí đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, quản lý tại hộ gia đình. Mô hình trồng và khai thác nấm có số lượng người học là 200 người, tỷ lệ có việc làm đạt trên 95%, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng nấm bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu số lượng người học 95 người, tỷ lệ có việc làm trên 90%, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng tiêu bình quân 9 - 10 triệu đồng/tháng. Các mô hình trên đã góp phần cho lao động nông thôn định hướng được nghề nghiệp của họ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn và được nhân rộng áp dụng rộng rãi cho các huyện trên địa bàn tỉnh và được các tỉnh thành đến học hỏi kinh nghiệm.

Hướng dẫn Mô hình trồng nấm rơm cho lao động nông thôn trong chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956 ở Đắk Lắk
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự lồng ghép tốt với các chương trình khác, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông…Công tác đào tạo nghề được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo tinh thần của Đề án 1956 và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, có những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức đối với chính quyền các cấp và nhận thức của người dân về đào tạo nghề và học nghề. Các cơ sở GDNN, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Cùng với đó, về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDNN, trong 10 năm qua số giáo viên, nghệ nhân, người có tay nghề giỏi tham gia đào tạo nghề được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đào tạo nghề là 172 người. Chất lượng giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm vừa qua nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Đội giáo viên, người đào tạo nghề phần lớn đều có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao đối với nghề tham gia giảng dạy đều có nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng đào tạo nghề, có kinh nghiệm trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Theo đánh giá, Công tác đào tạo nghề được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo tinh thần của Đề án 1956 và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự lồng ghép tốt với các chương trình khác, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hướng tới đào tạo theo nhu cầu của người học gắn với việc làm. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức đối với chính quyền các cấp và nhận thức của người dân về đào tạo nghề và học nghề; từ việc sản xuất theo thói quen, truyền thống, nay nhiều lao động nông thôn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Những vẫn đề đặt ra trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 còn một số tồn tại như: Chỉ tiêu đào tạo nghề chưa đạt kế hoạch đề ra, sự phối hợp giữa thành viên ban chỉ đạo các cấp chưa chặt chẽ. Việc chỉ đạo thực hiện Đề án chủ yếu do cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Một số địa phương chưa xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề, chưa quan tâm đến các yếu tố đặc thù về LĐNT, lao động dân tộc thiểu số. Chưa tạo điều kiện về vốn, đất sản xuất cho học viên phát huy nghề được học; cơ sở đào tạo nghề ở các địa phương chưa sử dụng hết công năng, trang thiết bị đầu tư thiếu đồng bộ. Nhiều trung tâm GDNN chưa được bố trí giáo viên cơ hữu, chủ yếu là hợp đồng thỉnh giảng nên đôi khi thiếu nhiệt huyết, gắn kết với cơ sở đào tạo, chất lượng giờ dạy khó được kiểm soát; Chưa gắn kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp. Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm chưa thật hiệu quả, chưa gắn công tác tuyển sinh, đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Một số địa phương khi xây dựng Đề án chưa quan tâm xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề. Những yếu tố trên dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Mô hình trồng nâm bào ngư của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chinh, ở huyện Krông Ana góp phần giải quyết việc làm bền vững và thu nhập ổn định
Để phát huy kết quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT 10 năm qua và chuẩn bị cho giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030 tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu đào tạo 160.000 lao động với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và một số nghề nghiệp khác. Trong đó, giai đoạn 2012 – 2025, đào tạo nghề cho 20.000 lao động nông thôn với 110 nghề ( nông nghiệp 12.000 người, phi nông nghiệp 8.00 người). Sau đào tạo, ít nhất có 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suốt, thu nhập cao hơn. Tổ chức đào tạo, dưỡng cho 1.500 cán bộ, công chức xã/phường. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn này khoảng 123 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 87 tỷ đồng và ngân sách địa phương 36 tỷ đồng.
 Để thực hiện thành công mục tiêu trong giai đoạn này, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề; huy động sự vào cuộc và tăng cường công tác phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội; lồng ghép hoạt động hỗ trợ dạy nghề LĐNT với các chương trình, đề án khác nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác dạy nghề cho LĐNT.  Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đào tạo và bồi dưỡng đối ngũ cán bộ, giáo viên GDNN đạt chuẩn và tiếp cận các thiết phị dạy nghề hiện đại. Tỉnh tạo điều kiện để các cơ sở cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào các chương trình đào tạo. Quan trọng hơn hết, việc đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu của người lao động, bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; phải gắn việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo. Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Trung ương  tiếp tục bố trí kinh phí đảm bảo triển khai đồng bộ các hoạt động của công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm đạt hiệu quả cao nhất theo tiêu chí nông thôn mới đề ra, cụ thể: bố trí kinh phí hàng năm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo; kinh phí khảo sát điều tra nhu cầu học nghề..
Trần Phú Hùng
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội