Pháp luật
Đại gia bảo hiểm BIC bị kiện vì chây ì thanh toán
08:33 AM 17/12/2019
BIC - một trong những đơn vị thống lĩnh thị phần bảo hiểm tài sản tại Việt Nam hiện nay vừa bị doanh nghiệp khởi kiện vì chây ì thanh toán bảo hiểm.

Thời gian vừa qua, báo chí đã nhiều lần phản ánh về các vụ việc tranh chấp bảo hiểm với nghịch lý là việc mua bảo hiểm dễ nhưng đòi khó.

Theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp, ngay cả khi mua bảo hiểm của các đơn vị bảo hiểm có thương hiệu lớn nhưng chưa chắc chất lượng dịch vụ đã tốt, đặc biệt là việc giải quyết bồi thường vô cùng phức tạp, công ty bảo hiểm luôn có lý do để từ chối thanh toán khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”.

Nếu ai rơi vào hoàn cảnh đi đòi quyền lợi bảo hiểm sẽ hiểu thấu nỗi khổ của người trong cuộc.

Điển hình, mới đây, một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xử lý rác thải và môi trường tại miền Trung - Công ty Phú Hà đã khởi kiện Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) ra tòa án để yêu cầu thanh toán bảo hiểm.

Đại diện Công ty Phú Hà cho biết, năm 2016 doanh nghiệp có mua gói bảo hiểm cháy, nổ và rủi ro đặc biệt của BIC đối với các tài sản thuộc Nhà máy của Công ty tại tỉnh Hà Tĩnh.

Cuối năm 2017, xảy ra cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh khiến cho phần lớn tài sản tại Nhà máy bị hư hỏng. Ngay khi xảy ra sự cố, các bên đã tiến hành làm việc theo quy trình bảo hiểm để xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, đến khâu xác định số bồi thường thì các bên lại không thống nhất.

Báo chí đã nhiều lần phản ánh về các vụ việc tranh chấp bảo hiểm với nghịch lý

là việc mua bảo hiểm dễ nhưng đòi khó. Ảnh minh họa


Cụ thể, Phú Hà đề xuất số tiền bồi thường hơn 9 tỷ đồng để sửa chữa lò đốt rác công suất 1 tấn/h, lò đốt công suất 5 tấn/h và nhà xưởng được bảo hiểm. Nhưng sau khi giảm trừ đầu đuôi, phía BIC chỉ chấp nhận bồi thường hơn 3 tỷ đồng. Sau đó, Phú Hà đã xem xét, điều chỉnh giảm số tiền yêu cầu bồi thường xuống mức thấp hơn, nhưng đến nay các bên không tìm được tiếng nói chung.

Sau hai năm xảy ra sự cố, Công ty Phú Hà vẫn chưa được giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Một cán bộ quản lý kỹ thuật thuộc Nhà máy tại Hà Tĩnh của Công ty Phú Hà rất bức xúc: “Chỉ riêng hệ thống dây chuyền đốt rác công suất 5 tấn/h, chúng tôi đã đầu tư mới toàn bộ, với giá trị hơn 33 tỷ đồng. Sau thời gian chạy được hơn 1 năm thì xảy ra cơn bão, nên lò đốt 5 tấn/h phải dừng hoạt động. Đến nay đã hơn hai năm, lò đốt vẫn bị “treo”, hầu hết các phần cấu kiện máy không bị ảnh hưởng bởi cơn bão cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, một số bộ phận không thể sử dụng. Chưa kể đến các hợp đồng của chúng tôi với khách hàng bị hủy, cơ hội kinh doanh mất đi gây gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp ...”

Đại diện Phú Hà cho biết thêm: “Mục đích của người mua khi tham gia bảo hiểm tài sản là khôi phục một cách nhanh chóng tình trạng tài chính của mình khi tài sản bảo hiểm bị tổn thất, đây là ý định chính đáng được pháp luật thừa nhận. Như vậy, xét về mặt đạo đức cũng như nguyên tắc kinh doanh bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm phải có nghĩa vụ bồi thường kịp thời cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Điều này có ý nghĩa tích cực, góp phần giúp đỡ doanh nghiệp khi xảy ra khó khăn và tái tạo sản xuất, kinh doanh, hạn chế tổn thất nối tiếp tổn thất.

Tuy nhiên, trong tình huống này, Công ty Phú Hà đã cố gắng đáp ứng các điều kiện của BIC đưa ra. Cụ thể, đối với lò 1 tấn/h và nhà xưởng, BIC đồng ý cho Phú Hà tiến hành sửa chữa, vì vậy Phú Hà đã tiến hành sửa chữa và gửi toàn bộ hồ sơ dự toán, hồ sơ thi công, chứng từ, hóa đơn để có cơ sở chi trả bồi thường. Đối với lò 5 tấn/h, Phú Hà đã lập dự toán sửa chữa theo yêu cầu của đơn vị định giá do BIC thuê và trình BIC, tuy nhiên BIC đưa ra mức bồi thường rất thấp. Số tiền phía bảo hiểm đưa ra vô cùng thấp nhưng lại áp đặt doanh nghiệp tự sửa chữa là điều không khả thi, chúng tôi không làm được ... Vì vậy, cách giải quyết công bằng là nhờ đến cơ quan có thẩm quyền phán xử.”

Qua câu chuyện trên, phần nào cho thấy cái khó và phức tạp khi triển khai các vụ thanh toán bảo hiểm thực tế.

Theo ý kiến các chuyên gia, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động dịch vụ tạo ra sản phẩm vô hình. Mục đích của bảo hiểm là đem lại sự an tâm, an toàn về mặt tài chính cho người tham gia bảo hiểm trước những rủi ro có thể xảy ra.

Đối với sản phẩm bảo hiểm tài sản nói riêng, đó là lời hứa, sự cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm: Sẽ bồi thường cho khách hàng khi tổn thất xảy ra đối với tài sản bảo hiểm. Khi xảy ra tranh chấp bảo hiểm, bên mua trong hợp đồng bị “tổn thương” hơn hết. Vì vậy, chưa nói đến yếu tố lỗi, chỉ xét đến quy trình cung cấp dịch vụ chậm trễ, việc trì hoãn thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm đã cho thấy mục đích các bên giao kết hợp đồng chưa được đảm bảo, phần nào tác động đến niềm tin, tâm lý khách hàng.

Do đó, nếu các doanh nghiệp không cải thiện chất lượng dịch vụ và quy cách thanh toán bảo hiểm thì trong trương lai sẽ tác động xấu đến quá trình xây dựng, phát triển thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm tài sản nói riêng. Đối với doanh nghiệp, thiệt hại chính là thời gian và tiền bạc.

Thục Quyên