Giáo dục - Nghề nghiệp
Đắk Lắk: Điểm sáng trong công tác giáo dục nghề nghiệp
06:01 PM 07/04/2020
(LĐXH) - Trong những năm qua công tác Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các Bộ ngành, cùng với sự phối hợp các Sở ngành, địa phương nên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề tỉnh Đắk Lắk trong giờ học thực hành nghề cơ khí

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã có những chuyển biến mạnh  mẽ vể cả quy mô đảo tạo, chất lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo. Đội ngũ cán bộ giáo viên Giáo dục  nghề nghiệp và cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư  đáp ứng yêu cầu đào tạo. Công tác tuyển sinh đào tạo hàng năm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh sinh viên ra trường có việc là đạt trên 85%, góp phần nâng tỷ lệ đào tạo và đào tạo nghề đáp ứng mục tiêu đặt ra của địa phương.

Tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 06 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cán bộ quản lý nhà nước lĩnh vực GDNN từ tỉnh đến xã có 297 cán bộ, trong đó cấp tỉnh 07 cán bộ quản lý, cấp huyện 15 cán bộ quản lý, các cơ sở GDNN: 91 cán bộ quản lý, cấp xã 184 cán bộ quản lý. Điểm nổi bật trong công tác Giáo dục nghề nghiệp  của tỉnh trong năm 2019 là đã tuyển sinh, đào tạo được 35.1999 học viên, số học sinh sinh viên nghề nghiệp tăng 0,16% so với kế hoạch, tăng 3,78% so với năm 2018. Trong đó, trình độ Cao đẳng là 1.045 sinh viên, Trung cấp là 1.233 học sinh và Đào tạo thường xuyên cho 17.140 học viên. Chỉ tính riêng hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho lao động nông thôn năm 2019 là 4.431 người.  Trong đó, số người học nghề phi nông nghiệp là 2.821 học sinh, số người học nghề nông nghiệp 1.610 học viên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ 18.88%, tỷ lệ sau đào tạo, ít nhất 85% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Đồng thời, trong năm 2019, Sở còn  tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 24 người và bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp với sự tham gia của 18 người. Ngoài ra, tổ chức đặt hàng biên soạn 03 chương trình đào tạo trình độ sơ cấp các nghề: Hàn điện, Kỹ thuật Chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống. Hợp đồng xây dựng và thẩm định, nghiệm thu định mức kinh tế - kỹ thuật trình độ đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho 12 nghề trình UBND tỉnh ban hành.

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các Sở ngành tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp Tỉnh năm 2019, với 19 thiết bị của 48 tác giả và đồng tác giả tham giả. Kết quả Hội thi đã có   02 thiết bị đạt giải Nhất, 02 thiết bị đạt giải Nhì, 02 thiết bị đạt giải Ba và 03 thiết bị đạt giải Khuyến khích. Tổ chức Đoàn tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc tại Thừa Thiên - Huế với 11 thiết bị dự thi, kết quả đã có 01 thiết bị đạt giải Nhất của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, 10 giải khuyến khích.

Học viên trong giơ học thực hành nghề Điện điện tử

Ngoài ra, Sở còn hướng dẫn các trường được lựa chọn nghề trọng điểm thực hiện các chỉ tiêu giám sát, đánh giá của Dự án "Đổi mới và Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp". Kiểm tra công tác đào tạo lái xe ô tô tại 06 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại Công văn số 1487/TCGDNN-ĐTTX ngày 02/8/2019 và báo cáo thực trạng cho UBND tỉnh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Song song đó, hàng năm Sở LĐ – TB&XH  tỉnh còn chỉ đạo  và phối hợp với các cơ sở GDNN thường xuyên tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý về lĩnh vực GDNN, đồng thời cử cán bộ quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý do Trung ương tổ chức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; từng bước tiêu chuẩn hoá theo quy định của Nhà nước, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được đào tạo có nhận thức chính trị vững vàng, hiệu quả công tác được nâng cao rõ rệt. Cán bộ, công chức xã, sau khi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đã vận dụng vào thực tiễn địa phương, bước đầu đã đạt được hiệu quả thiết thực.

Theo đánh giá của ông Phan Trọng Tùng – Phó Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để có được những kết quả trên, trong năm qua  Sở đã chủ động triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động, do vậy lĩnh vực GDNN đã có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyển sinh trong năm 2019 đã tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước và đạt 0,16% so với kế hoạch năm đề ra. Ngoài ra, trong năm 2019, nhiều cơ sở GDNN đã chủ động, tích cực sáng tạo trong việc thực hiện công tác tuyển sinh, nhiều đơn vị đã làm tốt công tác đào tạo nghề gắn kết với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp. Một số địa phương đã chủ động tổ chức các hoạt động như ngày Hội việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp, cam kết có giải quyết việc làm sau đào tạo.

Hằng năm Trường Cao đẳng nghề tỉnh Đắk Lắk có trên 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS, THPT. Việc kiểm tra, giám sát, thống kê báo cáo theo quy định một số địa phương chưa được quan tâm; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trên địa bàn ở một số nơi còn chưa được chặt chẽ, còn có tình trạng liên kết đào tạo chưa đảm bảo quy định của pháp luật. Các chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp thực hiện còn thấp, do nhận thức của đại bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho con em vẫn còn tâm lý chuộng bằng cấp hơn là tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp với khả năng của mình. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được quy hoạch đồng bộ, nhiều ngành nghề đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phân luồng, định hướng giáo dục nghề nghiệp chưa được thực hiện tốt, nhận thức của nhiều người dân chưa đúng về giáo dục nghề nghiệp, đã tạo áp lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp.

Ngoài ra, một số địa phương khi xây dựng chương trình đào tạo chưa quan tâm xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề; chưa quan tâm đến các yếu tố đặc thù về lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số để  hỗ trợ các học viên các điều kiện để sử dụng, phát huy nghề được học vào thực tiễn cuộc sống (như vốn, đất sản xuất).  Công tác tuyên truyền về công tác đào tạo, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm chưa thật hiệu quả, chưa gắn công tác tuyển sinh, đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Các cơ sở GDNN thiếu chủ động sáng tạo trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, có tâm lý trông chờ vào chính quyền địa phương các cấp.

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục nghề nghiệp của địa phương, trong năm 2020, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục để ra các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm như: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tuyển sinh, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển mới 35.960 học sinh, sinh viên trong năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 19,53%. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2020. Tham gia Hội thao học sinh sinh viên toàn quốc năm 2020.

Nghề dệt thổ cấm là một trong những nghề truyền thống giúp lao động nông thôn có việc làm và mức thu nhập ổn định tại tỉnh Đắk Lắk

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Ngành đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo hoạt động của các cơ sở GDNN đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp với cơ quan có liên quan làm đầu mối, liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền về hiệu quả thiết thực của giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp đào tạo. Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Giám sát các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Tổ chức mạng lưới khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và kết nối học sinh sinh viên sau tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ ngành Trung ương  tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho địa phương  nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, thay đổi nhận thức người dân về giáo dục nghề nghiệp, tạo tiền đề phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.  Đối với Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”: Đề nghị Bộ LĐ – TB&XH và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và ban hành Đề án cho giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 theo định hướng đào tạo nhân lực cho nền nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đầu tư trang bị thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nhằm đảm bảo danh mục thiết bị tối thiểu theo quy định và chương trình đào tạo.

Hoàng Cảnh