Xã hội
Đà Nẵng: Quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng
11:59 AM 23/05/2020
(LĐXH) Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, bổ sung năm 2012 ban hành nhiều chính sách mới, đối tượng được mở rộng, mức trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh đã từng bước cải thiện và ổn định đời sống người có công với cách mạng. Từ năm 2012 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Pháp lệnh.
Thành phố đã ban hành Chỉ thị giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng và Nghị quyết quy định mức tiền tối thiểu để làm cơ sở vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Đề án nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ; Kế hoạch tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng… Song song, với việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thành phố Đà Nẵng đã ban hành một số chính sách đặc thù như: Trợ cấp hàng tháng 500.000đ/người/tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ cận nghèo; trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…
Tặng quà cho người có công trên địa bàn thành phố
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh – Liệt sĩ, thành phố tặng quà cho đối tượng, gia đình chính sách. Trung bình mỗi năm chi gần 30 tỷ đồng tặng quà cho gần 50.000 lượt người. Ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thành phố còn chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn. Thống kê hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng đang quản lý 20.542 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với kinh phí chi trả hàng năm trên 340 tỷ đồng.
Cùng với đó, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ được thực hiện lồng ghép trong các chính sách của thành phố như: Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù, đối tượng di dời giải tỏa bị mất đất sản xuất, chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Toàn thành phố đã có trên 500 lượt thân nhân người có công được miễn giảm học phí và được vay vốn giải quyết việc làm. Về chính sách ưu đãi trong giáo dục- đào tạo đã có 25.033 lượt học sinh, sinh viên được giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần, hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả hơn 55 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, thành phố đã xây dựng Đề án triển khai thực hiện, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ. Thành phố Đà Nẵng có 11.698 hộ người có công được hỗ trợ sửa chữa nhà ở (từ 20 đến 30 triệu đồng), xây mới (60 triệu đồng), với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Ngoài kinh phí của nhà nước hỗ trợ, bản thân người có công với cách mạng cũng huy động vay mượn thêm kinh phí để xây dựng được ngôi nhà khang trang hơn. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho 2.050 hộ chính sách, kinh phí hơn 86 tỷ đồng; bố trí 404 lô đất và 120 nhà chung cư cho gia đình chính sách có khó khăn về đất ở, nhà ở.
Trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định thông tin mộ liệt sĩ, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tìm kiếm và quy tập được 61 mộ liệt sĩ vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố, trong đó có 13 mộ xác định được thông tin về liệt sĩ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công như: Một số thân nhân Cán bộ Lão thành cách mạng, Cán bộ Tiền khởi nghĩa còn sống chưa được ưu đãi chế độ bảo hiểm y tế như thân nhân của một số nhóm các đối tượng khác; Vợ liệt sĩ tái giá chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng mà chưa được hưởng các chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí khi từ trần; Người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã được giải quyết trợ cấp 1 lần chuyển sang hưởng trợ cấp hàng tháng được nhận trợ cấp truy lĩnh từ ngày 01/9/2012, còn những trường hợp được giải quyết mới thì không được giải quyết trợ cấp truy lĩnh; Việc thực hiện hỗ trợ thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ theo Thông tư 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC còn bất cập. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân chủ yếu, chỉ còn thân nhân thứ yếu, đối tượng này khi đi thăm viếng, di dời hài cốt liệt sĩ không được hỗ trợ kinh phí.
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, thành phố Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Tổ chức thực hiện tốt pháp luật về người có công, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, hoàn thành công tác xác nhận người có công trong các thời kỳ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp cộng đồng tham gia chăm sóc và giám sát thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công; Phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng, góp phần chăm sóc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công; Xây dựng và thực hiện chương trình "có nhà ở" cho đối tượng người có công; Đề án chăm sóc người có công già yếu, khó khăn ở cộng đồng.
Hồng Phượng