Lao động
Đà Nẵng: Phát huy ý nghĩa thiết thực của bảo hiểm thất nghiệp
10:32 AM 25/08/2020
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến đầu tháng 4/2020, hàng chục nghìn lao động thuộc nhiều ngành nghề tại Đà Nẵng bị mất việc làm hoặc nghỉ việc không lương khi các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô sản xuất để duy trì hoạt động. Đây là thời điểm Bảo hiểm thất nghiệp thực sự phát huy vai trò thiết thực của mình trong việc góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Do ảnh hưởng nặng nề kéo dài của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 1.000 doanh nghiệp tại Đà Nẵng lâm vào đình trệ, trực tiếp tác động đến sinh kế của người lao động. Tính tới đầu tháng 4, Đà Nẵng có gần 58.000 lao động thuộc các ngành nghề điện tử, du lịch, dệt may… bị mất việc làm hoặc nghỉ việc không lương khi các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô sản xuất để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh. Đây là thời điểm bảo hiểm thất nghiệp thực sự phát huy vai trò thiết thực của mình trong việc góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới
Theo quy định của Luật Việc làm, người tham gia Bảo hiểm xã hội trong thời gian mất việc được hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa). Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nhưng không quá 12 tháng. Bên cạnh đó, người lao động còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng trong vòng 6 tháng.
Nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định trên của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi mất việc đột ngột, cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu chiếm dụng và chậm nộp tiền đóng các loại bảo hiểm của người lao động tới quỹ Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, với những trường hợp doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng không tuân thủ khoản 3, Điều 98 của Luật Lao động về việc trả lương cho người lao động (theo thoả thuận giữa hai bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng), người lao động có thể liên hệ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố để được hướng dẫn cụ thể thủ tục khiếu nại doanh nghiệp, đòi lại quyền lợi chính đáng.
Bên cạnh đó, nhờ trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, cuộc sống của hàng nghìn lao động Đà Nẵng bị mất việc làm đã phần nào vơi bớt khó khăn, vất vả. Từ đầu năm 2020 đến nay, số trường hợp tới Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng làm thủ tục đề nghị hưởng Bảo hiểm thất nghiệp gia tăng đột biến, chỉ riêng tháng 3/2020, con số này đã cao hơn 1,5 lần so với bình quân các tháng của những năm trước, và theo dự báo, số liệu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã và đang nỗ lực hoàn thiện quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo hướng tinh giản nhưng vẫn đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định nhằm nhanh chóng hỗ trợ những lao động phải nghỉ việc dài hạn. Tính đến tháng 3/2020, trên 2.400 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Ngoài ra, hơn 18.700 đối tượng đã được tư vấn, giới thiệu việc làm mới để sớm quay trở lại thị trường lao động.
Có thể thấy, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào đời sống và góp phần giải quyết khó khăn của người lao động Đà Nẵng khi rơi vào tình trạng mất việc làm. Trợ cấp hàng tháng và những ưu đãi, hỗ trợ dành cho người lao động trong quá trình học nghề, tìm việc mới không chỉ giúp họ và gia đình trang trải, ổn định đời sống mà còn đóng góp thiết thực vào sự vững mạnh của hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
PV