Lao động
Đà Nẵng chú trọng giải quyết việc làm và quản lý lao động nước ngoài
10:17 AM 20/08/2020
(LĐXH) - Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong những năm qua công tác giải quyết việc làm, quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn và phát triển thị trường lao động ở Đà Nẵng có những kết quả đáng ghi nhận. Và năm 2020, thành phố đã chủ động đề ra một số chỉ tiêu, trong đó, vị trí việc làm tăng thêm từ 4-5%; tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3%...
Chú trọng giải quyết việc làm
Thực hiện chương trình việc làm và công tác an toàn lao động năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tuy nhiên ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có những bước phát triển đáng kể góp phần vào việc giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn. Trong năm đã giải quyết việc làm cho 36.600 lao động (trong đó số lao động giải quyết từ vay vốn giải quyết việc làm là 15.636 người), số lao động có việc làm tăng thêm là 25.829 người (đạt 4,65%, chỉ tiêu từ 4-5%).
Nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp thông qua sàn giao dịch việc làm
Việc làm tăng thêm nhiều nhất là khu vực ngoài nhà nước và chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp và xây dựng (23.760 người, chiếm hơn 91%), đây là lĩnh vực giải quyết việc làm năng động nhất và có xu hướng ngày càng gia tăng; ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng ít (chỉ có 520 lao động) do một số doanh nghiệp ở khu vực này cắt giảm lao động với số lượng lớn bởi không có các đơn hàng như: Công ty TNHH điện tử Foster, Công ty Điện tử Việt Hoa, Công ty TNHH Mabuchi Motor…
Riêng chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, với tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện đang quản lý, điều hành là 1.282 tỷ đồng, trong đó cho vay trong năm 2019 là gần 660,33 tỷ đồng với 15.595 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho 15.636 lao động, bình quân mỗi lao động được vay trên 42,2 triệu đồng.
Về xuất khẩu lao động, theo báo cáo của các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố, trong năm 2019 đã đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 365 người (trong đó hộ khẩu tại Đà Nẵng là 78 người), chủ yếu là thị trường Nhật Bản (351 người), còn lại các thị trường khác; ngành nghề tập trung vào các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình đưa người lao động thuộc huyện Hòa Vang đi Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND thành phố đã ký bản ghi nhớ hợp tác trao đổi kỹ thuật và nhân lực nông nghiệp với quận Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, 2 bên thỏa thuận  phái cử 256 lao động của huyện Hòa Vang đi làm việc thời vụ ngắn hạn tại  tỉnh này.
Tiếp đó, trong năm 2019, Đà Nẵng đã tổ chức được 52 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 03 phiên giao dịch việc làm di động). Số lượt doanh nghiệp tham gia là 5.735 đơn vị, tổng số lượt vị trí cần tuyển tại các phiên giao dịch là 159.996 lượt người. Qua 52 phiên giao dịch đã tư vấn cho 105.448 lượt người, giải quyết kết nối và giới thiệu được  12.518 lao động.
Nhìn chung tình hình giải quyết việc làm trong năm 2019 đạt và vượt hơn so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, ở lĩnh vực xuất khẩu lao động tuy có tăng so với năm trước nhưng hoạt động hiệu quả vẫn chưa cao. Thực tế cho thấy, tuy các đơn vị hoạt động XKLĐ đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng hoạt động khắp các tỉnh miền Trung, vì thế người lao động đi XKLĐ trên địa bàn thành phố tập trung là lao động ngoại tỉnh, lao động của thành phố Đà Nẵng chỉ chiếm 21,4%/tổng số đi XKLĐ. Sở dĩ tỉ lệ XKLĐ  của lao động Đà Nẵng thấp là do người lao động thành phố chưa quan tâm đến việc đi XKLĐ; tư tưởng đa phần muốn công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập phải cao, nên rất kén chọn thị trường lao động ngoài nước; mặt khác, một bộ phận lao động có nhu cầu nhưng tay nghề không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài.
Ngoài ra, ở  lĩnh vực kinh tế phi chính thức đã góp phần tạo ra rất nhiều việc làm, nhưng không được thống kê báo cáo đầy đủ như thợ uốn tóc, nghề may đo tại nhà, thợ xây dựng tự do và những người tự nguyện làm việc nhưng không được ký hợp đồng lao động... ngày càng tăng và khu vực này đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Hoạt động sàn giao dịch việc làm ở các phiên giao dịch di động ở các địa phương và các Trường Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chú ý hơn. Tuy nhiên số lao động phổ thông đến với các phiên giao dịch để tìm kiểm việc làm còn hạn chế. Trong khi đó doanh nghiệp đến với phiên giao dịch để tuyển lao động phổ thông và tuyển lao động có một ít kinh nghiệm để tiếp tục đào tạo vào làm việc tại doanh nghiệp trong các ngành may mặc, lắp máy và điện tử có nhu cầu tuyển dụng tuyển dụng nhưng tuyển được rất ít và chủ yếu tuyển dụng vào để thay thế.
          Về việc thực hiện Đề án Phát triển thông tin thị trường lao động, Đà Nẵng đã  tổ chức tập huấn cho cán bộ quận, huyện, phường, xã và hơn 3.150 điều tra viên của 119 thôn, 2.784 tổ dân phố. Triển khai thu thập và cập nhật thông tin biến động và bổ sung về lao động tại các hộ gia đình của các 119 thôn và 2.784 tổ dân phố, thu thập thông tin lao động và nhu cầu sử dụng lao động tại hơn 7.500 doanh nghiệp trên địa bàn.
Quản lý hiệu quả lao động nước ngoài
          Trong công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Đà Nẵng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài về trình tự, thủ tục đăng ký nhu cầu sử dụng, cấp phép, miễn cấp giấy phép… qua hệ thống dịch vụ công của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và cổng thông tin điện tử của thành phố. Đặc biệt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý lao động nước ngoài làm việc  tại Đà Nẵng (Theo Quyết định số 8752/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND TP). Trên cơ sở quy chế, hằng tháng, quý, năm các sở, ngành, các địa phương đã phối hợp trao đổi thông tin với nhau về danh sách cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, danh sách lao động người nước ngoài để có cơ sở theo dõi kiểm tra, quản lý.
Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp cụ thể trong quản lý người nước ngoài làm việc tại thành phố
Đối với việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài, năm 2019 có 638 đơn vị, doanh nghiệp được chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài với tổng nhu cầu cần tuyển là 1.425 người và phân theo vị trí làm việc gồm Nhà quản lý  (315 người), Giám đốc điều hành (402 người), Chuyên gia (356 người), Lao động kỹ thuật (352 người)… Trong năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp mới 837 giấy phép; Cấp lại 378 giấy phép và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho 576 trường hợp. Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 835 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài với 2.614 lao động là người nước ngoài (Nam: 1.956, Nữ: 658) đến từ 75 quốc gia…
Với số lượng lớn lao động nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực du lịch (nhất là đội ngũ các HDV) khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Để quản lý, giám sát lao động là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố, từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã có nhiều công văn yêu cầu các sở, ngành, Công an thành phố, các địa phương tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, quản lý. Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đóng vai trò chủ trì. Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: “Đơn vị đã phối hợp cùng các cấp, ngành liên quan tổ chức triển khai tập huấn và hướng dẫn thủ tục về cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu. Hằng tháng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp trao đổi thông tin với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh về danh sách cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cung cấp danh sách lao động người nước ngoài để theo dõi kiểm tra, quản lý. Sở Giao thông vận tải cũng tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động vận chuyển du lịch, nhất là các xe mang biển số nước ngoài hoạt động trái quy định…"
Năm 2020, Đà Nẵng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Có việc làm” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, tổ chức Tổng kết thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 và triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025.  Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức Ngày hội việc làm và tuyển sinh học nghề cho quân nhân xuất ngũ tại thành phố Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế tổ chức Ngày hội việc làm sinh viên năm 2020. Triển khai công tác thu thập, cập nhật thông tin biến động, bổ sung về thông tin thị trường lao động (phần cung và phần cầu lao động), trên cơ sở đó tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động của thành phố. Phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (Công an thành phố) tổ chức tập huấn công tác quản lý và sử dụng lao động người nước ngoài cho các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó cùng với các ngành liên quan, đặc biệt là các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố trong việc phát hiện và xử lý kịp thời số lao động nước ngoài vào làm việc không có giấy phép lao động (xử lý với cá nhân lao động nước ngoài và đơn vị sử dụng lao động nước ngoài).  Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố./.
Nguyễn Hữu Bắc