Xã hội
Cựu chiến binh huyện Châu Thành (Trà Vinh): Giúp nhau phát triển kinh tế
05:37 PM 18/10/2017
(LĐXH) - Những năm qua trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) đã xuất hiện nhiều tấm gương Cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi với những mô hình hay, sáng tạo, giúp tăng thu nhập kinh tế gia đình, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
Tiêu biểu như mô hình góp vốn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình của chi hội CCB ấp Phú Thọ, xã Thanh Mỹ. Chi hội có 62 hội viên, trong đó có 09 hội viên được miễn sinh hoạt, còn lại 53 hội viên tham gia góp vốn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm kinh tế gia đình, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Ông Huỳnh Xuân Minh, Chi hội trưởng Chi hội ấp Phú Thọ cho biết: chi hội phát động phong trào Hội CCB đoàn kết, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và CCB gương mẫu nhằm góp phần xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Những năm qua, Chi hội CCB ấp Phú Thọ chủ động phối hợp với Ban Mặt trận ấp thực hiện nhiều phong trào phát triển cả chiều sâu và chiều rộng có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, đối với lĩnh vực đời sống kinh tế của hội viên, phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã trở thành tâm điểm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nhiều mô hình thúc đẩy sản xuất, thu hút nhiều hội viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghỉ, cách làm vươn lên làm giàu, như: Hội viên Nguyễn Văn Hoành với mô hình trại mộc, chăn nuôi bò, sản xuất lúa; hội viên Trần Văn Bé với mô hình vườn, ao, chuồng; hội viên Lê Thành Liêm với mô hình sản xuất lúa, chăn nuôi heo, nuôi cá; hội viên Võ Văn Rỡ với mô hình trồng màu, chăn nuôi bò, heo… và giúp đỡ, hỗ trợ hội viên thoát nghèo, như: Hội viên Huỳnh Thị Nguyệt thoát nghèo từ mô hình vườn, ruộng, kết hợp chăn nuôi bò; hội viên Phan Văn Tài với mô hình ruộng, vườn, mua bán nhỏ… Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai, lao động và vốn đầu tư phát triển sản xuất. Với vai trò trung tâm, nồng cốt trong phong trào, chi hội có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại lợi nhuận kinh tế cao trên cùng diện tích sản xuất. Phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, tham quan học tập kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, hội thảo các mô hình sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành hữu quan đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn.

Ngôi nhà rộng rãi, khang trang của gia đình hội viên CCB

nhờ được hỗ trợ từ nguồn quỹ của Chi hội CCB ấp Phú Thọ.

Để có vốn hỗ trợ cho hội viên đầu tư mô hình phát triển kinh tế, từ năm 2005 đến nay, chi hội huy động hội viên góp vốn hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất. Ban đầu với tinh thần “lá lành đùm lá rách” có người góp vài chục ngàn đồng gom lại giúp đỡ hội viên khó khăn mua cây, con giống, mua phân bón cho cây trồng, mua tol lợp nhà… Sau 04 tháng mượn vốn hội viên được đầu tư hoàn vốn lại cho chi hội. Để có được số vốn lớn dần đầu tư cho nhiều hội viên, nhận vốn được nhiều hơn, chi hội đưa ra phương pháp: Sau 04 tháng hoàn vốn, hội viên được hỗ trợ góp thêm 10% so số vốn được mượn. Qua đó, quỹ góp vốn của chi hội cứ tăng dần theo thời gian. Đến nay, Chi hội CCB ấp Phú Thọ đã có được đồng vốn đầu tư cho hội viên sản xuất phát triển kinh tế là 569,8 triệu đồng. Hiện số vốn đang được 24 hội viên sử dụng, đến tháng 4/2017 hoàn lại vốn thì đồng vốn sẽ tăng thêm 10% so đồng vốn cũ. Trong những năm qua, có hội viên mượn cao nhất là 70 triệu đồng và hội viên mượn ít nhất là 10 triệu đồng.
Hay như mô hình hùn vốn, phát huy nội lực giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của Hội CCB xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Hội CCB xã Nguyện Hóa có 6 chi hội với tổng số trên 150 hội viên. Để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, nhiều năm qua, Hội CCB xã đã triển khai nhiều chương trình cụ thể, trọng tâm là giúp đỡ các hội viên về vốn và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cũng như tinh thần để giúp đỡ hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Hội còn xây dựng mô hình hùn vốn xoay vòng không tính lãi, giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Mô hình được Hội phát động vào năm 2006 đến các tổ, chi hội và toàn thể hội viên. Tùy vào điều kiện của từng hội viên mà có mức hùn vốn khác nhau, không giới hạn số tiền góp vốn. Thời gian đầu, số vốn ít do còn ít hội viên tham gia, sau một thời gian thấy mô hình hoạt động hiệu quả, mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa đồng chí, đồng đội nên phong trào ngày càng được nhiều hội viên hưởng ứng. Nhờ vậy, nhiều hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Điều đáng quý là mặc dù góp vốn xoay vòng nhưng nhiều hội viên có điều kiện chỉ góp vốn nhưng không mượn, nhường lại cho hội viên thật sự khó khăn cần nguồn vốn để sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Sa, cựu chiến binh ấp Sóc Thát cho biết: từ mô hình hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, đã giúp nhiều hội viên trong ấp thoát được nghèo. Hiện nay, trong tổng số 55 hội viên của ấp, chỉ còn 3 hộ nghèo và hội đang tạo điều kiện giúp các hộ này vươn lên thoát nghèo. Để đạt kết quả trên, chi hội đã tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia mô hình. Với vai trò Chi hội phó CCB, đảng viên của chi bộ, ông Huỳnh Văn Sa đã gương mẫu đi đầu trong việc góp nguồn vốn. Ngoài ra, Ông còn là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình với nguồn thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi gà thả vườn. Với kinh nghiệm trong sản xuất của mình, ông Sa luôn tận tình hướng dẫn cách thức chăn nuôi cho hội viên trong ấp. Mặc dù tích cực tham gia góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế, nhưng Ông Sa chỉ nhường lại cho những hội viên còn khó khăn mượn vốn. Nói về việc làm đầy ý nghĩa này, ông Huỳnh Văn Sa chia sẻ: Tôi nhận thấy mô hình hùn vốn rất có ý nghĩa, người có kinh tế khá giả nhường lại cho anh em còn khó khăn hơn, từ đó thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn, trong thời chiến cũng vậy mà trong thời bình cũng vậy, CCB luôn phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, phát huy nội lực, góp phần xây dựng cuộc sống mới, chung tay xây dựng quê hương. Riêng bản thân tôi, cũng từng trong hoàn cảnh khó khăn, qua nhiều năm chí thú làm ăn mới có được kinh tế ổn định, vì vậy tôi rất vui mừng khi được góp chút vốn, cùng chi hội giúp anh em còn khó khăn...” 
Hiện nay, Hội Cựu chiến binh xã Nguyệt Hóa đã vận động thành lập được 6 tổ hùn vốn ở 6/6 chi hội, với số tiền trên 70 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp cho nhiều gia đình hội viên hội CCB tháo gỡ khó khăn ổn định cuộc sống vươn lên làm ăn khấm khá. Bên cạnh việc giúp đỡ về vốn, Hội cựu chiến binh xã còn vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng triển khai các mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Nhờ vậy đời sống tinh thần của hội viên cựu chiến binh Nguyệt Hóa từng bước được nâng lên, tỷ lệ hội viên CCB thoát nghèo hàng năm đều vượt chỉ tiêu nghị quyết.
Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành thời gian qua hàng ngàn hội viên CCB huyện Châu Thành đã được tạo điều kiện để phát huy sức sáng tạo, linh hoạt trong phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và điều kiện địa phương. Các hội viên CCB không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, đóng góp đáng kể trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Cảnh Minh