Thời sự
Cựu chiến binh Cao Xuân Tới: Nhớ mãi ký ức thời chiến tranh
03:07 PM 20/04/2017
LĐXH - Vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trò chuyện với những cựu chiến binh huyện Mường La (Sơn La) về những năm tháng chiến đấu năm xưa. Những ký ức hào hùng như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và trân trọng những giá trị của nền hòa bình, độc lập.
Ông Cao Xuân Tới (người phía trong, bên phải) trong buổi gặp mặt với các cựu chiến binh
Trong những câu chuyện kể, chúng tôi ấn tượng nhất về cựu chiến binh Cao Xuân Tới (Tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong). Năm nay, ông Tới đã bước sang tuổi 78, hiện là Chủ tịch Ban đại diện Hội Người cao tuổi của huyện. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng với ông, ký ức về những tháng năm giải phóng miền Nam vẫn còn vẹn nguyên.
Theo lời kể, năm 1969, khi đang học năm thứ 3 Trường Trung cấp cơ khí nông nghiệp, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên Cao Xuân Tới tạm gác lại đèn sách, lên đường tòng quân. Sau khóa huấn luyện, ông hành quân dọc dãy Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng 5/1970, ông được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V, đóng quân tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông được giao nhiệm vụ là pháo thủ số 1 trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Nguyên đánh trận Ngọc Tang, Ngọc Hồi thuộc Đắc Tô - Tân Cảnh (nay thuộc tỉnh Kon Tum). Sau chiến dịch, ông được cử đi học y tá . Đến tháng 6 năm 1971, ông trở về đơn vị cũ làm nhiệm vụ cứu thương và tham gia chiến đấu tại các huyện của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông Tới cho biết, kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có lẽ, một kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên là thời gian tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. “Vào rạng sáng 10/3/1975, đơn vị tôi được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa, các khẩu đội được lệnh vào vị trí đào hầm pháo chuẩn bị chờ lệnh. Khoảng 9 giờ sáng, Trung đoàn pháo binh 368 kéo 12 khẩu pháo yểm hộ cho Trung đoàn 31 tấn công hai cứ điểm 211và quận lỵ Tiên Phước... Hơn 1 tiếng đồng hồ, quân ta đã chiếm lĩnh toàn bộ các cao điểm quanh quận lỵ Tiên Phước. Sau đó, pháo chuyển hướng đánh chặn phản công của địch theo kế hoạch. Đại đội cối chúng tôi bắn chặn từ huyện lỵ Tiên Phước đến Đèo Le (giáp ranh giữa quận Tiên Phước và quận Quế Sơn), pháo của Trung đoàn 368 bắn vào quận lỵ Quế Sơn và trận địa pháo Núi Quế - Tam Kỳ.
Sau hai cuộc phản kích, 13 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, quận lỵ Tiên Phước được giải phóng hoàn toàn. Đến 16 giờ cùng ngày, quận Quế Sơn tiếp tục được giải phóng... Ngày 24/3, Trung đoàn được lệnh đánh chiếm thị xã Tam Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn, thị xã Tam Kỳ cũng được giải phóng hoàn toàn. Tiếp đó, đơn vị tiến về thành phố Đà Nẵng. Trung đoàn chia làm 3 cánh quân, cánh thứ nhất theo hướng Đông Nam cùng với bộ đội địa phương đánh xuống Hội An, tấn công căn cứ hải quân, và chiếm sân bay Nước Mặn; cánh quân thứ hai tiến thẳng theo quốc lộ I đánh chốt điểm tại cầu Công Lý tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng; cánh quân còn lại vòng theo hướng Tây Bắc phối hợp với cánh quân từ Huế vào đánh địch ở Đồng Lâm, Phú Hương, truy kích theo hướng thị trấn Ái Nghĩa, đánh chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm và Hòa Châu, sân bay Đà Nẵng... Sau 6 ngày, quân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và các vùng lân cận...”, ông hào hùng kể lại.
Những cựu chiến binh có mặt hôm đó nhiều người từng tham gia đoàn quân giải phóng cách đây hơn 40 năm. Được biết, trong tổng số hơn 3.000 cựu chiến binh của huyện Mường La thì có tới 1/3  trong số họ đã từng sống và chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu trong mọi hoạt động, nhưng ký ức về chiến tranh luôn được những người lính già trân trọng, nâng niu./.
 
N.Yến