Pháp luật
Cuộc chiến chống lại nạn mua bán người: Lắng nghe nạn nhân – Dẫn lối hành động
10:51 AM 30/07/2021
LĐXH - Hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7", Bộ Công an và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng chủ trì sự kiện trực tuyến “Chung tay phòng chống mua bán người”. Thông điệp chính "Lắng nghe nạn nhân – Dẫn lối hành động" của chiến dịch năm nay, mong muốn khắc họa nạn nhân là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người và tập trung vào vai trò thiết yếu của họ để đưa ra những biện pháp hiệu quả nhằm phòng ngừa tội ác này cũng như để xác định, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tái hòa nhập.

Hoạt động trực tuyến nhằm thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của các cấp, các ngành đối với công tác phòng, chống mua bán người; truyền đi thông điệp công tác phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân; đồng thời là dịp tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo và phát động sự kiện “Chung tay phòng chống mua bán người”

Không chỉ tại Việt Nam mà còn ở cả nhiều quốc gia khác trên thế giới, tình trạng mua bán người vẫn đang tiếp diễn trong thời điểm đại dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường. Và những nạn nhân của mua bán người đang phải đối mặt với nhiều loại thiệt thòi và khó khăn khác nhau. Theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện được 29 vụ với 43 đối tượng lừa bán 56 nạn nhân. Tuy số vụ việc có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, xu hướng mua bán người đưa qua nước ngoài qua các tỉnh có biên giới với Việt Nam.

Nguyên nhân gia tăng tội phạm buôn người là do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến phân hoá giàu nghèo, điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Một số phụ nữ có hoàn cảnh éo le, trẻ em nghèo, trẻ em thất học đã bị bọn tội phạm lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán cho các nhà hàng, quán trọ, khách sạn, các dịch vụ kinh doanh mại dâm trá hình, làm vợ bất hợp pháp, buộc bị lao động trong điều kiện tồi tệ hoặc bị sử dụng vào mục đích thương mại vô nhân đạo… Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội còn chưa được thực hiện quyết liệt, công tác quản lý nhà nước về công tác này còn bất cập khiến bọn tội phạm có đất để hoành hành. Đại diện tổ chức IOM đã nhấn mạnh rằng bối cảnh đại dịch covid-19 như hiện nay, suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ mua bán bán người.

Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh đội biên phòng)cho biết, quá trình giải cứu nạn nhân cho thấy nạn nhân thường bị bất ổn tâm lý, không có tiền bạc tài sản, không có giấy tờ tùy thân. Đặc biệt vấn đề nhận dạng tội phạm rất khó khăn đối với nạn nhân. Trong bối cảnh hiện nay các đối tượng được giải cứu có nguy cơ cao mang dịch bệnh. Những người được giải cứu luôn có mong muốn được chia sẻ, đối xử như mọi người khác

Trên thực tế, thông tin từ Tổng đài 111, nhiều nạn nhân bị mua bán đã bị bỏ qua, bị hiểu lầm mỗi khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong quá trình xác minh, xác định, phỏng vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý, họ phải chịu đựng sang chấn tâm lý sau khi được giải cứu. Nhiều người lại trở thành nạn nhân hoặc nhận hình phạt cho hành vi phạm tội mà họ bị những kẻ mua bán người ép làm. Một số người bị kỳ thị hoặc không được hỗ trợ đầy đủ, phù hợp và kịp thời.

Đại tá Tô Cao Lanh chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến loại hình tội phạm mua bán người

Ngay tại sự kiện, nhiều ý kiến đồng thuận cuộc đấu tranh phòng chống mua bán người cần sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trung ương, địa phương; cơ chế pháp lý được bổ sung, hoàn thiện, và công tác tái hoà nhập cho các nạn nhân được quan tâm thực hiện, hoạt động hợp tác quốc tế chống tội phạm buôn bán người được đẩy mạnh thì nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em chắc chắn được đẩy lùi. Bên cạnh đó, cũng hết sức cần thiết đó là những biện pháp cơ bản để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này là các giải pháp nhằm thiện đời sống cho người dân vùng khó khăn, tạo công ăn việc làm cho các nạn nhân và xử lý kiên quyết với đối tượng “buôn người”. Đơn cử là ý kiến của khuyến nghị của  bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển về xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành theo hướng một cửa để những nạn nhân ở một trung tâm có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ như hỗ trợ pháp lý, dạy nghề, xác minh nhân thân…

Mỗi nạn nhân mua bán người có thể trở về cuộc sống đó là cả một hành trình chông gai, vượt qua nỗi đau cả thể xác và tinh thần, để tạo động lực cho họ có thể viết tiếp những chương dài trong tương lai của họ, mỗi người hãy cùng thấu hiểu, chia sẻ và dang rộng vòng tay, đồng hành cùng họ, như chính thông điệp nhân văn của chiến dịch: "Lắng nghe nạn nhân – Dẫn lối hành động"./.

Sự kiện trực tuyến có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế livestream trực tuyến cùng thời gian trên Fanpage, kênh Youtube và Website chính thức của Truyền hình Công an nhân dân, Báo CAND và một số trang báo điện tử

Đăng Doanh