Lao động
Cục Việc làm tổng kết công tác năm 2019 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2020
03:09 PM 09/01/2020
(LĐXH) - Chiều ngày 8/1, Cục Việc làm đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cùng Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình.
Tham dự Hội nghị còn có bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tập thể cán bộ, công nhân viên Cục Việc làm cùng các đại diện cục, vụ, viện, ban ngành có liên quan.
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2019, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm khẳng định trong năm qua, Cục đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra, trong đó ước thực hiện cả năm tạo việc làm khoảng 1.650 nghìn người, đạt 103,2% kế hoạch, bằng 100,1% so với thực hiện năm 2018; tạo việc làm trong nước khoảng 1.508 nghìn người, đạt 101,9% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ước 3,12%, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 61 - 62%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 24%, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra đầu năm.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH và ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm chủ trì Hội nghị
Bên cạnh đó, Cục Việc làm cũng đặc biệt tập trung vào các hoạt động nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường lao động; đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; theo dõi các chỉ tiêu về thị trường lao động. Cụ thể, Cục đã tổ chức hoạt động điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019 với số lượng 12.000 doanh nghiệp, 4.200 người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất của 32 tỉnh, thành phố nhằm thu thập thông tin và đánh giá về thực trạng sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lao động – việc làm.
Từ đó liên kết với các Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp để chia sẻ, kết nối thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động DVVL. Ước năm 2019, các trung tâm DVVL tổ chức được 1.223 phiên giao dịch việc làm, số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm là 2.988.030 lượt người, số lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu và cung ứng là 1.001.785 lượt người (chiếm 33,53% số người được tư vấn, giới thiệu việc làm).
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm báo cáo công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thông tin về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tới với người lao động cũng luôn được Cục chú trọng và thực hiện đồng bộ. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách mới và ngày càng đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao. Năm 2019 , tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước là 829.204 người, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018 (755.749 người); 812.866 người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018 (740.794 người). Số người được hỗ trợ học nghề là 41.856 người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2018 (36.938 người) và số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.605.361 tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2018 (1.344.000 lượt người). Cục cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị tại một số tỉnh, thành phố nhằm phát hiện, chấn chỉnh và hướng dẫn, kiến nghị các địa phương trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm tra, kết luận thanh tra để đảm bảo thiện hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh kết luận Hội nghị và đưa ra ý kiến chỉ đạo cho Cục Việc làm trong năm 2020
Nhìn chung, các nội dung công tác chủ yếu trong lĩnh vực việc làm đã được Cục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có tác động tích cực đẩy mạnh việc hoàn thành chỉ tiêu của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và đáp ứng yêu cầu về thời gian; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật lao động, quản lý điều hành lĩnh vực việc làm. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, Cục đã chú ý triển khai thực hiện, bám sát các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ bằng cách ban hành kịp thời, đúng quy trình các công văn hướng dẫn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua cũng tồn tại một số những hạn chế như: xây dựng hoàn thiện các thể chế còn chậm; chính sách phát triển thị trường lao động còn thiếu đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; chưa có giải pháp ứng phó với biến đổi thị trường lao động; quản lý lao động còn nhiều bất cập… Sau khi lắng nghe những tồn tại, khó khăn của Cục Việc làm, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Năm 2019 là một năm tình hình thế giới có nhiều biến động. trong đó có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bị ảnh hưởng dẫn đến xuất khẩu toàn cầu, nền kinh tế thế giới phát triển chậm, chính trị quốc tế có nhiều rối loạn, ảnh hưởng gián tiếp tới việc làm tại Việt Nam. Chính sách việc làm là chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và người sử dụng lao động. Còn thị trường lao động giữ vị trí hết sức quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Do đó, Cục Việc làm có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển đời sống xã hội”.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, năm 2020 sẽ là một năm có nhiều sự kiện lớn, trong đó Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai vị trí vô cùng quan trọng trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế hiện nay của nước ta. Trong đó, sự đóng góp của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là vô cùng quan trọng, bởi vậy nên khối lượng công việc phải đảm nhiệm sẽ rất lớn, nhiều thách thức cần tới sự nỗ lực, chung tay đồng lòng của các ngành, các cấp cùng toàn bộ cán bộ, công nhân viên để phát huy các thế mạnh đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, tập trung cải thiện thị trường lao động, đồng bộ và hiện đại hóa cách thức tương tác giữa người lao động với Nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao trình độ người lao động thông qua công tác giáo dục nghề nghiệp.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình tiếp thu ý kiến lãnh đạo của Thứ trưởng Lê Văn Thanh đối với công tác của Cục năm 2020
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cần thay đổi năng suất của người lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; tăng cường quản lý Nhà nước với Dịch vụ việc làm và Quản lý công; kết nối giữa các Trung tâm DVVL với người lao động và doanh nghiệp các địa phương một cách khẩn trương, gọn nhẹ. Đặc biệt, cần nghiên cứu chính sách tư vấn, thay đổi phương thức tuyên truyền về chính sách BHTN phù hợp với người lao động, đưa công nghệ thông tin vào việc tương tác với các đối tượng, giảm tải việc di chuyển, giấy tờ. Cần tăng cường hợp tác ASEAN trong vấn đề việc làm – lao động, quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tránh chậm trễ, bỏ sót thông tin ở các địa phương dẫn tới việc mù mờ, thiếu cập nhật tình hình khi thanh tra, kiểm tra,…
Tiếp thu những đánh giá và định hướng từ Thứ trưởng và các Vụ, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, Cục sẽ rà soát, đánh giá lại để xây dựng các hồ sơ và chính sách liên quan về lao động, việc làm. Đặc biệt là hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm cũng như văn bản pháp luật về lĩnh vực thị trường lao động…
Minh Ngọc