Xã hội
Cục Bảo trợ xã hội tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023
02:46 PM 06/01/2023
(LĐXH) - Sáng ngày 06/01/2023, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Tham dự có ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức của Cục.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Ngọc Toản cho biết: Triển khai nhiệm vụ trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn song với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội giai đoạn vừa qua đã đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Cục Bảo trợ xã hội đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao; bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ. Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng ban hành văn bản, kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện, bổ sung quy định chế độ chính sách, giải pháp đặc thù, vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và đầy đủ của hệ thống chính sách, vừa bảo đảm tính toàn diện trong tổ chức thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Nguyễn Ngọc Toản báo cáo kết quả tại Hội nghị
Thực hiện công tác trợ giúp đột xuất, Cục đã trình Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt, thiên tai. Trong năm 2022, Chính phủ đã hỗ trợ 24.763 tấn gạo cứu đói cho gần 1,652 triệu lượt nhân khẩu và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai. Các tỉnh, thành phố đã chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, ước tính kinh phí trợ giúp Tết của 63 tỉnh, thành khoảng 5.888 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, Cục đã trình Bộ ban hành Thông tư quy định chi tiết Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Bộ cũng như các địa phương đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện xã; thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhờ đó mà các chế độ chính sách đã được triển khai kịp thời. Thống kê, cả nước hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho gần 3,3 triệu đối tượng với tổng kinh phí thực hiện trên 28.000 tỷ đồng. Hiện có 29 tỉnh, thành phố quyết định mở rộng đối tượng hưởng chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội.
Đến nay, cả nước có gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, khoảng 10.000 người cao tuổi đang được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi có thẻ BHYT, hơn 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ hàng năm. Cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, thực hiện trợ cấp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật. Thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội, 63 tỉnh, thành phố đã hình thành, sắp xếp và tổ chức cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Trong đó có nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành hiệu quả và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng nghìn lượt đối tượng. Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội có khoảng 235.000 người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp. Thực hiện Nghị định số 103 và Quyết định số 565, cả nước đã thành lập và củng cố hoạt động của 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập) đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng.
Đại diện phòng chuyên môn của Cục chia sẻ tại Hội nghị
Trong giai đoạn 2021-2022, các Bộ, ngành liên quan và 63 các tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025. Đến nay, đã có 49 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 31 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 18 cơ sở tổng hợp.
Song song với đó, Bộ Lao động - TBXH đã đã bố trí kinh phí hỗ trợ một số địa phương triển khai thí điểm mô hình trợ giúp dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; Hỗ trợ 10 tỉnh thực hiện đề án đã chỉ đạo, phân công các Sở, ban, ngành liên quan theo dõi, xây dựng kế hoạch triển khai đề án, rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ. Triển khai xây dựng phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, hiện đã đăng tải hồ sơ và phê duyệt thủ tục chính thức trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đối với 9 thủ tục hành chính theo Nghị định 20.
Có thể nói, trong 2 năm vừa qua, các chỉ tiêu Chính phủ, Bộ giao về lĩnh vực bảo trợ xã hội đã được thực hiện thành công. Cụ thể: Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; Bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai; Bảo đảm 87% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; Bảo đảm 87% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2023, Cục Bảo trợ xã hội đặt ra mục tiêu phấn đấu: Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đề án theo chương trình công tác của Chính phủ, Bộ; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai. Bảo đảm 90% tỷ lệ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời. Bảo đảm 90% tỷ lệ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Tại Hội nghị, đại diện một số phòng chức năng của Cục đã chia sẻ những kết quả, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; một số hội, chuyên gia đã đóng góp ý kiến về việc nên cải thiện chính sách trợ gấp cho đối tượng bảo trợ, công tác đào tạo nghề công tác xã hội phù hợp với nhu cầu việc làm của thị trường lao động, có định hướng tích hợp các luật thành một Bộ luật chung.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia để hoàn thiện chương trình công tác năm 2023; trước mắt tập trung vào công tác chăm lo Tết Quý Mão cho đối tượng bảo trợ xã hội và người dân. Hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn phổ pháp lý về trợ giúp xã hội, phù hợp với nhu cầu thực tiễn; Rà soát công tác quy hoạch cán bộ, công tác quản lý tài chính tài sản, nâng cao hiệu quả hoạt động phù hợp với bối cảnh mới./.
Hồng Phượng - Dương Thìn