Lao động
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng phấn đấu xây dựng Văn hóa An toàn lao động ngành điện lực
01:56 PM 25/06/2020
(LĐXH) Là một ngành có môi trường lao động tồn tại nhiều yếu tố nguy hiểm có khả năng gây chấn thương cao cho người lao động, vì thế Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng từ người lao động cho đến Ban giám đốc đều xác định rằng: nghề điện là một nghề nặng nhọc, mức độ nguy hiểm cao, nếu không chấp hành đúng và đủ các quy trình, quy phạm về an toàn, thì tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào cho bản thân và cho đồng nghiệp trong quá trình thực hiện công việc.
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng luôn xác định công tác an toàn trong sản xuất lao động là một nội dung cần được quan tâm, chỉ đạo sát sao, thực hiện một cách thường xuyên từ công tác tuyên truyền cho đến giáo dục và huấn luyện đối với toàn thể người lao động của Công ty. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề 03-NQ/ĐU ngày 04/11/2015 của Đảng ủy Công ty trong giai đoạn 2015-2020, trong những năm qua, lãnh đạo Công ty tập trung chỉ đạo về an toàn lao động. Đến nay, kết quả đạt được là minh chứng rõ nét của việc triển khai thành công việc thực hiện Nghị quyết: toàn Công ty trong 05 năm liền không có tai nạn lao động, không có vụ cháy nổ nào do chủ quan, không còn tồn tại vi phạm hành lang lưới điện cao áp.
Người lao động được khuyến khích thực hiện đúng trách nhiệm và chức năng công việc, đảm bảo an toàn khi làm việc
Các giải pháp, biện pháp đã được Công ty cụ thể hóa trong công tác quản lý lao động. Lãnh đạo các đơn vị quán triệt với người lao động tập trung thời gian để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm trong công việc được giao. Tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho các bộ phận, đơn vị cơ sở và người lao động tham gia các công việc ngoài nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động. Những cán bộ quản lý các cấp được Công ty ủy quyền giao nhiệm vụ quản lý người lao động phải thực hiện việc quản lý và theo dõi chặt chẽ sức khỏe người lao động, phân công lao động hàng ngày phải phù hợp với sức khỏe của người lao động; bố trí thời gian lao động hợp lý, tránh làm việc vào những giờ hoặc ngày cao điểm để giảm áp lực công việc và cường độ lao động cao cho người lao động.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo huấn luyện và sát hạch về ATLĐ, nâng bậc thợ, kèm cặp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thường xuyên được quan tâm, nâng cao trách nhiệm thực hiện việc đảm bảo an toàn lao động của bộ máy quản lý và người lao động trong Công ty, vì vậy các phòng chức năng Công ty như: phòng kỹ thuật, tổ chức nhân sự; kinh Doanh, trung tâm điều khiển xa… đều có trách nhiệm trong việc tham gia công tác huấn luyện ATVSLĐ, phối hợp nghiên cứu và đánh giá được các nguy cơ rủi ro trong lao động nhằm đưa ra được các giải pháp ngăn ngừa tai nạn lao động trong từng lĩnh vực thuộc đơn vị mình chịu trách nhiệm quản lý, tham mưu. Trong công tác huấn luyện và thi nâng bậc, Công ty đã căn cứ tiêu chuẩn quy định của bậc thợ và các chức danh công việc để biên soạn bộ tài liệu chuẩn phục vụ cho công tác huấn luyện, hướng dẫn, kèm cặp, thi tay nghề, thi nâng bậc cho người lao động, đặc biệt coi trọng huấn luyện kỹ năng thực hành như: kỹ thuật trèo cao, kỹ thuật treo tháo công tơ, quy trình vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện.
Người lao động được huấn luyện thường xuyên về các phương pháp sơ cứu, hỗ trợ phòng ngừa các tai nạn điện giật
Trong công tác huấn luyện ATVSLĐ thường xuyên tại đơn vị, công ty đã chú trọng huấn luyện thành thạo cho người lao động về các phương pháp cứu nạn, cứu hộ, cứu chữa người bị tai nạn điện giật. Thường xuyên huấn luyện cho người lao động tại đơn vị về sơ đồ lưới điện thuộc phạm vi quản lý, những vị trí có đường dây đi chung cột, vận hành song song, các vị trí có mạch vòng cũng như các thông số thiết bị để trong công tác quản lý mạch vòng tránh được sự nhầm lẫn do thay đổi phương thức vận hành hoặc thay đổi sơ đồ kết dây cơ bản.
Ngoài ra, các phòng ban đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy định trong việc tổ chức định kỳ kiểm tra công tác AT-VSLĐ trong năm, hàng quý do Nhà nước, Tổng Công ty và Công ty đã hướng dẫn. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra giám sát an toàn tại hiện trường công tác của các Đội, nhóm công tác đều được triển khai kịp thời, chấn chỉnh các sai sót, ngăn ngừa TNLĐ để người lao động luôn ý thức được rằng trong quá trình lao động của mình luôn có sự quan tâm giám sát của các cấp quản lý. Trong quá trình kiểm tra đã chỉ ra các tồn tại, bất cập thiếu hợp lý nếu có và đề ra ngay các biện pháp, cách thức khắc phục, thời hạn báo cáo khắc phục và tổ chức phúc tra kết quả báo cáo.
Các thiết bị, vật tư phục vụ công việc luôn đảm bảo chất lượng và hiệu quả
Đồng thời, Công ty cũng đã đầu tư mua sắm, nâng cao chất lượng các thiết bị an toàn, dụng cụ phục vụ sản xuất đảm bảo giải quyết nhanh sự cố, cung cấp điện an toàn, liên tục. Đối với các thiết bị hư hỏng đều có có sự bổ sung kịp thời, loại bỏ trang bị đã lạc hậu và hướng dẫn, tập huấn cho người lao động cách bảo quản, sử dụng các thiết bị an toàn lao động sao cho hiệu quả.
Với những kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, toàn Đảng bộ, CBCNV của Công ty đang mong muốn tiến tới một môi trường lao động theo tiêu chí văn hóa an toàn, tạo ra sự hạnh phúc trong lao động, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp, tạo ra thương hiệu và niềm tin của ngành điện trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Ngọc Trần