Lao động
Công ty Điện lực Bắc Giang: Nói không với tai nạn lao động
03:29 PM 26/04/2022
(LĐXH) – Những năm qua, Công ty Điện lực Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), ngăn chặn tai nạn lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trong các năm gần đây lưới điện tỉnh Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng rất cao, điện thương phẩm tăng bình quân hằng năm là 18%. Năm 2016 tỉnh Bắc Giang có 10TBA 110kV với 72 xuất tuyến trung áp, đến năm 2021 tăng lên 16TBA 110kV với 174 xuất tuyến trung áp. Khối lượng quản lý vận hành lưới điện tăng, yêu cầu về dịch vụ khách hàng ngày càng cao và trong điều kiện thiếu hụt lao động, do vậy đã gây áp lực rất lớn cho người lao động. Qua theo dõi, tổng hợp trong năm 2021 có 49.828 phiên làm việc trên lưới điện, trong đó nhiều công việc thực hiện không cắt điện, hoặc có ngày cắt điện diện rộng phải kết hợp gần 230 đầu công việc với số lượng khoảng 300 người tham gia. Do đó áp lực đảm bảo an toàn lao động là rất lớn.
Thường xuyên kiểm tra các thông số vận hành tại trạm biến áp
Theo đó, các giải pháp thay đổi để ngăn chặn tai nạn lao động trong công tác tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo như: Ngay từ đầu năm 2022, Giám đốc, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty cùng các phòng chức năng đã đến từng Điện lực, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế để bồi huấn, tuyên truyền, quán triệt, đối thoại và giải đáp trực tiếp những vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác an toàn lao động; Chỉ đạo tổ chức huấn luyện và kiểm tra định kỳ công tác an toàn tập trung vào công việc cụ thể như: kỹ năng tổ chức, chỉ huy, giám sát an toàn lao động tại hiện trường; kỹ năng nhận diện mối nguy và biện pháp phòng tránh; kỹ năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn. Đối với công tác Hotline: Tập trung đào tạo cho người công nhân về công tác khảo sát nhận diện mối nguy, lập trình tự thi công cụ thể sát với thực tế; Tạo nhóm Zalo HƯỚNG DẪN AN TOÀN để người lao động và phòng An toàn kịp thời trao đổi thảo luận về công tác an toàn; Công đoàn các cấp phối hợp cùng chuyên môn tham dự các cuộc họp giao ban tại các Tổ/Đội, đến trực tiếp hiện trường công tác để tuyên truyền vận động người lao động hiểu nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội và cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó tăng cường trong công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động như: Tập trung chỉ đạo kiểm tra lưới điện, lập phương án khắc phục những vị trí nguy cơ gây mất an toàn; chỉnh trang lưới điện theo tiêu chuẩn 5S, tạo môi trường làm việc an toàn; Thay đổi cơ chế chỉ huy, giám sát với công việc Hotline: thực hiện lập trình tự thi công Hotline tương tự như chế độ PTT. Ngoài việc chụp ảnh gửi lên ECP còn phải quay video online (livestream) để lãnh đạo đội hotline cũng có thể kiểm soát được kịp thời quá trình làm việc. Tổ chức xét duyệt chặt chẽ các phương án tổ chức thi công, đối với những vị trí thi công hotline phức tạp phải đưa ra trình chiếu và thảo luận trước khi đưa vào phương án tổ chức thi công. Mọi phát sinh tại hiện trường đều phải thảo luận thống nhất và xin ý kiến lãnh đạo đội hotline, tạo tư duy làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, tránh hiện tượng làm việc theo tư duy cá nhân, ngẫu hứng; Hạn chế công tác bổ sung, đột xuất, vì công việc đột xuất thời gian chuẩn bị ngắn, dễ xảy ra làm tắt, làm vội vàng dẫn tới nguy cơ mất an toàn cao. Nâng cao chất lượng, trách nhiệm kiểm soát hình ảnh các phiên làm việc trên ECP, kịp thời phát hiện các tồn tại. Lãnh đạo các đơn vị tham gia họp an toàn đầu giờ hàng ngày tại Tổ, Đội, nhắc nhở kiểm soát đầy đủ Phiếu công tác/Lệnh công tác, dụng cụ an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân. Yêu cầu Lãnh đạo các cấp phải thực hiện kiểm tra, kiểm soát an toàn an toàn tại hiện trường khi công việc biện pháp an toàn phức tạp, làm việc gần nơi có điện, khi có nhiều đội công tác và khi xử lý sự cố lưới điện. Kiểm soát chặt chẽ người lao động, công cụ, dụng cụ sản xuất, dụng cụ 3 an toàn hàng ngày theo nhiệm vụ được phân công. Thực hiện nghiêm túc công tác đối thoại định kỳ, đặc biệt đối thoại về công tác an toàn lao động; tổ chức kiểm điểm nghiêm túc khi có vi phạm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Việc xử lý người lao động vi phạm quy trình ngoài việc thực hiện theo quy định của Tổng công ty sẽ xem xét điều chuyển đi đơn vị khác xa hơn.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 1175/CTLT-EVNNPC-CĐ ngày 17/3/2022 của Tổng Giám đốc và BTV Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc về việc phát động phong trào thi đua “Ngăn chặn tai nạn-nói không với tai nạn lao động”, ngày 25/3/2022 tại trụ sở Công ty Điện lực Bắc Giang đã tổ chức Lễ phát động đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động năm 2022. Với các nội dung chính cần triển khai như: Yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị đơn vị vào cuộc trong công tác đảm bảo an toàn lao động, tạo thêm nhiều kênh giám sát về an toàn lao động. Kiên quyết phản đối và đấu tranh với những ý thức, thái độ và hành vi vi phạm các quy định về ATVSLĐ. Xử lý nghiêm khắc với các hành vi vi phạm; Lãnh đạo đơn vị/đơn vị cơ sở phối hợp Công đoàn các cấp tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người lao động, kịp thời động viên, giải quyết kịp thời các kiến nghị, giải tỏa tâm lý, áp lực trong công việc/cuộc sống cho người lao động; Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra kiểm soát an toàn lao động qua phần mềm quản lý an toàn lao động.
Cán bộ, nhân viên Công ty đọc lời thề văn hóa An toàn lao động
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra đột xuất an toàn lao động tại hiện trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác an toàn, lấy đây là giải pháp quan trọng phải làm ngay để thiết lập lại ý thức kỷ luật của người lao động và cán bộ quản lý; Thực hiện nghiêm túc công tác giao ban an toàn tuần, KTKS ATLĐ đầu ngày, KTKS ATLĐ trước khi ra hiện trường; Hiệu chỉnh lại nội dung huấn luyện, đặc biệt huấn luyện người lao động theo hướng giảm các nội dung lý thuyết, tập trung các quy trình an toàn và biện pháp an toàn cho từng công việc liên quan tới nhiệm vụ hàng ngày nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường phổ biến cho CBCNV biết cách nhận dạng các mối nguy hiểm và tổ chức các biện pháp phòng tránh rủi ro, tạo thói quen tự bảo vệ mình, luôn nghĩ về an toàn trước khi làm việc và kiên quyết từ chối làm việc khi thấy hiện trường không đảm bảo an toàn.
Tại Lễ phát động, cán bộ công nhân viên đã tuyên thệ 5 lời thề về thực hiện văn hóa an toàn lao động của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. 
Với tinh thần thực hiện quyết liệt các giải pháp nêu trên, Công ty Điện lực Bắc Giang cam kết sẽ tạo một môi trường làm việc đảm bảo an toàn nhằm ngăn chặn tai nạn lao động trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.
Minh Hưng