Xã hội
Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp đối với trẻ vị thành niên
01:46 PM 01/12/2022
(LĐXH) - Đối với nhân sự CTXH làm việc về các vấn đề liên quan đến trẻ em nói chung và lĩnh vực tư pháp trẻ em nói riêng, nhân viên CTXH là người tạo điều kiện tiếp cận và cung cấp dịch vụ xã hội nhằm nâng cao phúc lợi cho trẻ em và gia đình trong các vấn đề xã hội...

Nghề CTXH là những hoạt động chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân” và người làm CTXH bao gồm công chức, viên chức, người lao động và cộng tác viên CTXH làm việc trong các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và tại cộng đồng, có làm việc trực tiếp với đối tượng trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức khác. Chính vì vậy, đòi hỏi nghề CTXH phải được đào tạo chuyên nghiệp để trợ giúp các cá nhân, các gia đình và trẻ vị thành niên giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Đóng vai trò quan trọng trong xã hội công nghiệp hiện đại nên yêu cầu đặt ra đối với nhân viên CTXH là phải được đào tạo chính quy để có được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết… Đối với nhân sự CTXH làm việc về các vấn đề liên quan đến trẻ em nói chung và lĩnh vực tư pháp trẻ em nói riêng, nhân viên CTXH là người tạo điều kiện tiếp cận và cung cấp dịch vụ xã hội nhằm nâng cao phúc lợi cho trẻ em và gia đình trong các vấn đề xã hội, bao gồm ngăn ngừa và ứng phó có hiệu quả với các hành vi xâm hại và bóc lột tình dục, xác định các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp cho trẻ vị thành niên cần được chăm sóc thay thế hoặc nhận nuôi, thực hiện công tác giám sát và cải tạo trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng trẻ vị thành niên là nạn nhận của bạo lực gia đình...

Trẻ em với rất nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống và cả quá trình phát triển cần được hỗ trợ, giải quyết bởi các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp

Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số văn bản dưới luật về nhân viên CTXH, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản luật nào công nhận CTXH là một nghề cũng như quy định về các tiêu chuẩn hành nghề, bằng cấp chuyên môn cần có của nhân viên CTXH, và cơ chế cấp phép/đăng ký hành nghề cho nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Do đó, rất khó để công nhận về mặt pháp lý cũng như xác định vai trò và chức năng của nhân viên CTXH trong các văn bản luật khác, ví dụ: Luật Trẻ em, Luật Nuôi con nuôi, các văn bản luật về lĩnh vực y tế, giáo dục, và tư pháp. Chất lượng dịch vụ CTXH và tính chuyên nghiệp của nghề CTXH cũng không được bảo đảm. Luật Nghề CTXH sẽ công nhận CTXH là một nghề, quy định trình độ chuyên môn của nhân viên CTXH, thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn hành nghề dành cho nhân viên CTXH nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Hơn nữa, trong thực tế nghề CTXH là nghề phải dựa trên thực hành là chủ yếu, bên cạnh những vấn đề về lý thuyết thì việc tổ chức các hoạt động CTXH tại các trường học, tại các đơn vị y tế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khi khảo sát Chương trình đào tạo ngành CTXH của một số cơ sở đào tạo cho thấy công tác đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở/đơn vị sử dụng nguồn nhân lực CTXH được đào tạo; các chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu, nhiều bất cập. Số lượng, chất lượng, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên CTXH còn hạn chế. Hệ thống cơ sở dạy nghề CTXH còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH tại cộng đồng. Riêng đối với hoạt động CTXH với trẻ em, nội dung tư pháp đối với trẻ vị thành niên còn bỏ ngỏ, ví dụ các đặc thù về tâm lý trẻ vị thành niên nói chung, tâm lý tội phạm – tội phạm vị thành niên chưa được đề cập…

Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và cải thiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đang gặp rủi ro, trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật
(Ảnh minh hoạ)

Theo TS. Lương Văn Tuấn Học viện Tư pháp: CTXH trong lĩnh vực Tư pháp đối với trẻ vị thành niên có vai trò đặc biệt quan trọng, mặc dù nó là một phần của hoạt động CTXH, tuy nhiên lại mang tính chất chuyên sâu và đặc thù, rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các vấn đề xã hội là mặt trái của nền kinh tế thị trường đương đại cần được quan tâm giải quyết thấu đáo với sự tham gia chuyên nghiệp của đội ngũ làm CTXH để góp phần đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình và bình yên cho xã hội. Vì vậy, nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đối với đội ngũ làm CTXH trong lĩnh vực Tư pháp và tư pháp với trẻ vị thành niên cần được quan tâm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo các quyền của trẻ vị thành niên, và nhu cầu phát triển đất nước.

“Việt Nam cần có các giải pháp và kế hoạch để tăng cường vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là tư pháp với người chưa thành niên trong Kế hoạch thực hiện Đề án Quốc gia về Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về tăng cường hệ thống tư pháp với người chưa thành niên. Cần tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và cải thiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đang gặp rủi ro, trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật” – Đây là nhận định của bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam

Theo đó, đại diện UNICEF đề xuất cần chính thức công nhận vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp, có qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân việc CTXH trong các luật liện quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự vv.. và xây dựng hướng dẫn chi tiết về vai trò của nhân viên CTXH trong lĩnh vực tư pháp. Cùng với đó, nghiên cứu tính khả thi về mô hình cơ cấu và tổ chức cho nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp và chỉ định một bộ/cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp. Thí điểm mô hình nhân viên CTXH trong lĩnh vực tư pháp cho người chưa thành niên ở một số địa phương. Dựa trên kết quả thí điểm, xây dựng một kế hoạch từng bước mở rộng sự tham gia của nhân viên CTXH vào hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên trên cả nước./.

 Trần Huyền