Thời sự
Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội năm 2018 đã có nhiều khởi sắc
03:59 PM 15/01/2019
(LĐXH) Sáng ngày 15/1, tại Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Vụ Hợp tác quốc tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại biểu đến từ Vụ Pháp chế, Cục Trẻ em, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, … cùng các vụ, viện, đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại năm 2018, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Cường khẳng định năm 2018, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế đã tạo cơ hội cho các cơ quan chuyên môn trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là về bảo hiểm xã hội, chính sách tiền lương, quan hệ lao động, giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án, khoản viện trợ ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài cũng tạo nguồn lực quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của ngành trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động và an sinh xã hội.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường

báo cáo kết quả công tác đối ngoại của Bộ năm 2018 và phương hướng, mục tiêu năm 2019

Để đạt được những kết quả đó, Vụ Hợp tác quốc tế đã nỗ lực duy trì công tác hợp tác và hội nhập quốc tế đều trên cả 3 kênh là đa phương, trong đó có hợp tác ASEAN, kênh song phương và kênh các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO). Về hợp tác đa phương, Bộ tiếp tục quan hệ hợp tác với hầu hết các tổ chức Liên hợp quốc và các định chế tài chính thông qua các hoạt động hợp tác trong các chương trình, dự án, hoạt động nghiên cứu, hội nghị, hội thảo. Trong đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tiếp tục là các đối tác quan trọng, có nhiều dự án, chương trình và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho Bộ để thực hiện các lĩnh vực lao động, việc làm, trẻ em. Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục tham gia tích cực trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, OECD,…., đặc biệt việc hợp tác và hội nhập khu vực ASEAN vẫn là trọng tâm trong hợp tác quốc tế của Bộ.
Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại Hội nghị
Về hợp tác song phương, một mặt, Bộ tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Đức về phúc lợi xã hội, lao động, giáo dục nghề nghiệp, thông qua hoạt động của các Ủy ban liên Chính phủ/ Ủy ban hỗn hợp/Ủy ban hợp tác song phương (20 Ủy ban), cơ chế đối thoại thường niên và các thỏa thuận hợp tác. Ngoài ra, Bộ cũng chủ động mở rộng các thị trường lao động mới bằng việc kí kết các Văn kiện hợp tác song phương với Cu Ba, Đan Mạch, Úc về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ký với Maroc, Bungary và Rumani về hợp tác lao động và an sinh xã hội, với Campuchia về phòng chống, cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội với các đối tác có quan hệ hữu nghị với Việt Nam như Lào, Cam-pu-chia, Mông Cổ, Chi-lê, Nam Phi.
Về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Bộ tiếp tục duy trì và thúc đẩy hợp tác với khoảng 50 tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Hoa Kỳ, Úc, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh,… trong các lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, công tác xã hội, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bộ đã ký 2 văn bản ghi nhớ về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đang đàm phán để tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với 2 tổ chức. Thêm vào đó, Bộ cũng đã phối với với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong an sinh xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị

Song song với công tác hợp tác và hội nhập quốc tế với các đối tác trong và ngoài khu vực ASEAN, công tác nghiên cứu và xây dựng chính sách, pháp luật cũng luôn được Vụ Hợp tác quốc tế xem xét. Trong đó có việc thực hiện dự án Bộ Luật lao động sửa đổi và nghiên cứu trình Chính phủ phương án phê chuẩn các Công ước của ILO, phục vụ quá trình Việt Nam gia nhập CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục thực hiện 2 dự án là: Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững ở Việt Nam do chính phủ Đức tài trợ và dự án thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế ILO.
Năm 2019, với 9 nhiệm vụ trọng tâm, công tác đối ngoại của Bộ sẽ tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII và chỉ đạo của Chính phủ về công tác đối ngoại, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và công tác đối ngoại chung của nhà nước.
Minh Ngọc