Lao động
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn Hoàng Su Phì
09:18 AM 01/10/2019
(LĐXH)- Nhờ những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã đạt những kết quả tích cực, giúp người dân tạo việc làm, tăng thu nhập từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoàng Su Phì hiện có lực lượng lao động chiếm khoảng 64% dân số; ước tính giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện sẽ phải giải quyết việc làm cho khoảng 7.200 LĐNT, trong đó gần 90% làm tại địa phương và chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Những năm qua, để công tác đào tạo nghề đi vào thực chất và phát huy hiệu quả, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - TBXH và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực; từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động. Trong đó, đặc biệt quan tâm và ưu tiên các đối tượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề thuộc các xã, thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng mở các lớp dạy kỹ thuật trồng trọt; chăn nuôi và phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; sửa chữa máy nông nghiệp...

Giờ thực hành cơ khí của học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hoàng Su Phì

Anh Lù Văn Tiến, trú tại xã Nam Sơn chia sẻ: Vài năm trước, gia đình tôi mua máy cày về làm đất phục vụ gia đình và làm thuê cho các hộ trong thôn khi vào mùa vụ. Mỗi lần máy hỏng, tôi phải đem ra trung tâm huyện để sửa chữa, rất mất thời gian đi lại và chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Sau khi tham gia học lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện vào năm ngoái, tôi đã có thể tự sửa chữa. Nhiều hộ dân trong xã và khu vực lân cận khi có máy cày, máy tuốt lúa mini bị hỏng cũng thường gọi tôi đến sửa. Với mức giá sửa chữa từ 300 – 500 nghìn đồng/1 máy nông nghiệp, đã tạo thêm việc làm và thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề nông nghiệp nói riêng được các cấp, các ngành và các xã, thị trấn quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân khu vực nông thôn về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Cùng với việc dạy các nghề nông nghiệp, trước nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề của các công ty, doanh nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tiếp cận thị trường, nắm bắt thông tin, từng bước điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề mới như cơ khí, sửa chữa xe máy, xây dựng, may công nghiệp... Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp tiếp nhận, có mức thu nhập ổn định.

Nhờ được học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, người dân Hoàng Su Phì đã biết cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hải Thức, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội. Qua các khóa học nghề, học viên đã áp dụng những kiến thức vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.
Trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì sẽ tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho la động nông thôn. Theo đó, chuyển mạnh từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường, đào tạo nghề gắn với thực hành tạo “đầu ra” cho người học; đào tạo những nghề thiết thực với lao động nông thôn. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

P.V