Nghiên cứu - trao đổi
Công tác cai nghiện phục hồi và giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng: Thực trạng và một số định hướng
09:17 AM 01/06/2016
(LĐXH) - Theo thống kê của Bộ Công an đến cuối năm 2014, cả nước có 204.377 người nghiện, tăng 54.477 người so với năm 2010 (149.900/204.377), bình quân mỗi năm tăng trên 7%.

Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện, khoảng 70% số xã, phường, thị trấnrnvà đã xuất hiện ở mọi thành phần xã hội song chủ yếu ởrnlớp trẻ (76% số người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi).

Ngoài thuốc phiện, Heroin, ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích thần kinh dạng Amphetamine (ATS), Methamphetamine (ma túy đá) Cocaine, cần sa, và các chất hướng thần khác đã và đang có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan chức năng. Phần lớn người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhiều trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm,  đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo các cấp ở địa phương, công tác cai nghiện phục hồi và quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện hòa nhập cộng đã đạt được những hiệu quả và có sự chuyển biến tích cực.  

Công tác cai nghiện tại Trung tâm, cộng đồng và quản lý sau cai

Hiện trên địa bàn cả nước có 142 Trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai, trong đó có 123 Trung tâm do Nhà nước quản lý và 19 Trung tâm do các tổ chức và cá nhân thành lập. Trong số Trung tâm do Nhà nước quản lý có 49 Trung tâm chỉ thực hiện cai nghiện; 58 Trung tâm vừa có chức năng cai nghiện vừa quản lý sau cai; 16 Trung tâm chỉ thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy. Từ năm 2011 đến 2014, các Trung tâm đã tiếp nhận cai nghiện cho 90.474 lượt người, trung bình mỗi năm tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 người.

Từ năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chặt chẽ hơn việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cai bắt buộc, do vậy, đối tượng vào cơ sở cai nghiện giảm so với các năm trước, cả năm chỉ đưa được 336 người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Sau khi Quốc hội có Nghị quyết 77/2014/QH13, Chính phủ có Nghị quyết 98/NQ-CP thì năm 2015 việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã bước đầu được tháo gỡ. Tính đến tháng 10/2015, các Trung tâm đã tiếp nhận 8.314 học viên, trong đó 4.597 người cai bắt buộc theo quyết định của Tòa án (số không có nơi cư trú ổn định là 4.143 người, số có nơi cư trú ổn định là 454 người) và 3.717 học viên cai tự nguyện. Giai đoạn 2011-2014, các Trung tâm cai nghiện tư nhân cũng đã thực hiện cai nghiện cho 16.480 lượt người (chủ yếu là cắt cơn, giải độc trong thời gian 10-30 ngày) và hiện đang cai nghiện cho 4.620 người. 

 Cả nước hiện có 142 Trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai, trung bình mỗi năm tiếp nhận cai nghiện cho khoảng 40.000 người. 

Thực hiện Nghị định số 94/2010/NĐ-CP về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, đến nay, cả nước có 9/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện và đã tổ chức cai nghiện cho 4.757 người, trong đó 2.710 người cai tại gia đình và 1.720 người cai nghiện tại cộng đồng.

Trong 4 năm, các địa phương đã quản lý sau cai nghiện  58.873 lượt người, trong đó, tại Trung tâm là 15.615 lượt người (26,5%), tại nơi cư trú 43.528 (73,5%). Đồng thời đã tổ chức dạy văn hóa cho 22.989 người có nhu cầu, dạy nghề  cho 42.570 người (32,8%) và hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 15.292 người (11,5%). Hiện nay, các địa phương đang quản lý sau cai đối với 23.569 người, trong đó tại cộng đồng là 19.327 và tại các Trung tâm là 4.242.

Về điều trị nghiện bằng Methadone

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có 54/63 tỉnh, thành phố đã triển khai phương pháp này với 200 cơ sở điều trị cho 37.063 người, tăng 11.840 người so với cuối năm 2014. Riêng ngành Lao động - TBXH đã triển khai 7 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa và có 1.434 người đang tham gia điều trị (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh). Trong đó, có 3 cơ sở chuyên điều trị Methadone, 4 cơ sở điều trị Methadone đặt trong cơ sở cai nghiện tự nguyện. Hiện còn 11 cơ sở cai nghiện tự nguyện có chức năng điều trị Methadone đã được UBND các tỉnh, thành phố thành lập, xong chưa tiếp nhận đối tượng (đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định).

Về quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định theo Nghị quyết số 77/2014/QH13.

Đến nay, đã có 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phê duyệt Đề án, Kế hoạch hình thành cơ sở xã hội theo Nghị quyết 77/2014/QH13 để tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó 20/24 địa phương bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định cho Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, 01/24 địa phương giao nhiệm vụ quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định cho Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý (Kon Tum), 03/24 địa phương chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở xã hội và điều trị nghiện tự nguyện (TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, An Giang). Đến nay, đã có 05/24 tỉnh, thành phố đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào Cơ sở xã hội với 6.832 người,  trong đó có: 4.143 người đã được Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, 1.490 người được đưa về địa phương quản lý (1.218 người sau khi vào cơ sở xã hội đã xác định được nơi cư trú ổn định, 272 người không xác định được tình trạng nghiện), hiện Cơ sở xã hội đang quản lý 1.199 người.

Hiện tổng số người đang trong chương trình cai nghiện, quản lý sau cai, điều trị bằng Methadone và quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội là: 91.612 người. Việc quản lý đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương có nhiều người nghiện lang thang không có nơi cư trú ổn định như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác phòng chống ma túy, cai nghiện phục hồi được cũng được các địa phương triển khai gắn với việc xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Đến nay, cả nước duy trì và xây dựng được 3.539/11.157 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có cả tệ nạn ma túy, mại dâm. Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã được thành lập tại 39 tỉnh, thành phố, gồm 2.852 đội với hơn 19.450 tình nguyện viên đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa bàn.   

Một số hạn chế

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song trên thực tế vẫn có những địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, dẫn tới tình trạng tái nghiện hoặc đối tượng bỏ địa bàn đi nơi khác không quản lý được. Hoạt động cai nghiện ở đa số địa phương nặng về giao chỉ tiêu kế hoạch, chỉ tập trung vào giai đoạn cắt cơn - giải độc, thực hiện các biện pháp hành chính như lập hồ sơ, kiểm tra, theo dõi chứ chưa đánh giá nhu cầu và xây dựng kế hoạch cai nghiện cho từng người. Nhiều nơi công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện như một thủ tục, điều kiện để đưa người đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm. Việc cung cấp các dịch vụ tư vấn điều trị nghiện và dự phòng tái nghiện còn hạn chế. Thiếu phương pháp và cách tiếp cận tạo sự tham gia của người nghiện trong các hoạt động phục hồi. Chưa có các hướng dẫn cụ thể về kỹ năng dự phòng tái nghiện hay sinh hoạt nhóm tự lực sau cai. Mới có 31/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, trong đó chỉ có 9/31 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện.

Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương mới chỉ chú ý tới hoạt động dạy nghề trong Trung tâm cai nghiện và dạy các nghề đơn giản nên nhiều người sau khi ở Trung tâm về không tìm được việc làm từ nghề đã học. Tại cộng đồng, công tác quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện chủ yếu là giao cho gia đình và các đoàn thể quản lý, giáo dục chứ chính quyền chưa thực sự vào cuộc.. Do sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nghiện., hầu hết người nghiện và gia đình người nghiện chưa được tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn vay ưu đãi khác để tạo công ăn việc làm do . Kinh phí hỗ trợ cho người nghiện khi tái hòa nhập cộng đồng tìm việc làm theo Thông tư 27 chưa đáp ứng được nhu cầu tìm việc hiện nay.

Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng còn thiếu và yếu về chuyên môn, hầu như chưa được tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là những kỹ năng  tư vấn dự phòng tái nghiện, kỹ năng kết nối chuyển gửi người sau cai tới các dịch vụ y tế, xã hội… Vì vậy, tỷ lệ tái hòa nhập cộng đồng thành công chưa cao.

Định hướng thời gian tới

Để công tác cai nghiện phục hồi và giúp đỡ người nghiện hòa nhập cộng đồng ngày một hiệu quả,  trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện nội dung của Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là chú trọng, tập trung vào công tác cai nghiện tự nguyện bằng các giải pháp, chính sách, mô hình và thực hiện công tác xã hội hóa để nhiều thành phần xã hội như các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện có thể tham gia;  Khẩn trương sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Nghị định 221/CP  nhằm đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Sửa đổi, bổ sung một số chính sách theo hướng tăng chế độ kinh phí đầu tư thiết bị, thời gian và kinh phí dạy nghề để người sau cai có đủ trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu lao động của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; Bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương cải tạo, nâng cấp các Trung tâm chuyển đổi, các Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng theo Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy; hướng dẫn cụ thể về đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho công tác cai nghiện cộng đồng; Tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ địa phương về kỹ năng tư vấn điều trị nghiện ma tuý, hỗ trợ người cai nghiện ma tuý; Sửa đổi. bổ sung chế độ kinh phí hỗ trợ cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng do kinh phí hiện nay còn thấp, không đủ chi phí đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm./.

            Lê Đức Hiền,

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH

Từ khóa: