Lao động
Công nghệ thông tin đã thực sự là nghề phù hợp với người khuyết tật?
02:30 PM 21/12/2017
(LĐXH)- CNTT là lĩnh vực phù hợp với NKT, cho nên họ rất cần những chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cũng như cơ hội việc làm từ phía doanh nghiệp.
Có nhận định cho rằng, công nghệ thông tin (CNTT) là cái tay của NKT vận động, cái tai của người khiếm thính, con mắt của người khiếm thị. Một nghề không cần đi lại nhiều chính là lợi thế để NKT tiếp cận và làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này.
Là học viên đang theo học hệ 1 năm ngành Tin học tại trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội, Lê Trọng Dũng (Tĩnh Gia, Thanh Hoá), 20 tuổi, bị khuyết tật vận động. Do gia đình nghèo, đông con nên mặc dù tay trái bị teo và rất khó cử động, song từ bé Dũng đã là lao động chính trong gia đình để nuôi các em. 
Dũng tâm sự, tương lai của NKT sẽ rất mù mịt nếu họ không tự mình vươn lên, cũng như được trang bị một nghề ổn định để kiếm sống, giúp khẳng định được mình và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. CNTT chính là một cầu nối giúp NKT nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, đặc biệt là tìm kiếm cơ hội việc làm. Dũng hy vọng, sau khi tốt nghiệp sẽ trở về quê và tìm một công việc liên quan đến tin học tại Khu kinh tế Nghi Sơn, bởi không có điều kiện để mở công ty riêng.
UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) mở lớp đào tạo CNTT cho người khuyết tật
Nguyễn Thị Duyên ở Thái Bình, cũng bị khuyết tật vận động với căn bệnh xương thuỷ tinh, sau khi được đào tạo ngành CNTT tại trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội cho biết: “CNTT mở ra cho bọn em rất nhiều cơ hội để hoà nhập với cộng đồng. Sự hiểu biết từ CNTT sẽ giúp NKT tìm được công việc ổn định và phù hợp. Cho dù không đi lại được nhiều, song CNTT giúp bọn em “di chuyển” tới khắp nơi trên thế giới”.
Tuy nhiên, điều cả Dũng và Duyên đều băn khoăn là liệu các doanh nghiệp có sẵn sàn đón nhận hồ sơ tuyển dụng của NKT hay không. Và khi trúng tuyển vào làm việc rồi, lao động là NKT có được đối xử công bằng như các thành viên khác.
Bắt đầu từ năm 2007, trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội phối hợp với Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (CRS) xây dựng chương trình đào tạo CNTT dành cho NKT, với nhiều chính sách ưu đãi. Đến nay, đã có hơn 90 học viên hoàn thành các khoá đào tạo và hơn 2/3 trong số học viên tốt nghiệp đã tìm được công việc và có thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc đào tạo nghề CNTT cho NKT là vô cùng cần thiết, bởi đây là một lĩnh vực phù hợp với đa số NKT, trong khi NKT là đối tượng lao động luôn có nghị lực phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc. Song nếu chỉ có nhà trường và nhà tài trợ vẫn chưa đủ, bên cạnh đó, rất cần các doanh nghiệp, tổ chức… vào cuộc để giúp NKT tiếp cận cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Khi doanh nghiệp đặt niềm tin vào NKT     
Thực tế cho thấy, việc sử dụng lao động là NKT tại các cơ quan, doanh nghiệp thời gian qua chưa nhiều. Hầu hết khi tuyển dụng, các đơn vị này đều dựa trên tinh thần nhân đạo của người quản lý, hay theo chương trình hợp tác với các tổ chức nhân đạo nước ngoài, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng của chính mình. 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tuyển dụng lao động là NKT không chỉ mở rộng cảnh cửa vào đời cho NKT, mà còn là cơ hội với các công ty, doanh nghiệp, bởi nhiều nghiên cứu mới đây trên thế giới đã công nhận lao động là NKT có đức tính chăm chỉ và lòng nhiệt huyết cao trong công việc.
Những lao động khuyết tật cũng có xu hướng làm việc lâu dài, góp phần giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí  đào tạo việc làm cho nhân viên mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp có số lao động là NKT làm việc sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế đất phục vụ sản xuất kinh doanh, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.
Anh Trần Mạnh Huy, một người khuyết tật vận động, Giám đốc Công ty phần mềm VBPO đóng tại Đà Nẵng cho biết, hiện VBPO có tới 30% số lượng nhân viên là NKT. Theo anh Huy, CNTT giúp “hàn gắn” những khiếm khuyết của NKT như vấn đề đi lại, di chuyển; đặc biệt về học vấn và bằng cấp, bởi khi tham gia CNTT, khoảng cách giữa NKT và người bình thường sẽ được thu hẹp.
Trong một công ty, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, các lao động khuyết tật có thể đảm trách nhiều vị trí công việc liên quan đến CNTT. Lao động khiếm thị có thể làm công việc chăm sóc khách hàng; những người bị khuyết tật ở chân, ngồi xe lăn, có thể làm công việc xử lý số liệu, làm website hay những công việc không yêu cầu đi lại vận động nhiều.
Kinh nghiệm tại Chi cục Thuế quận 1, TP HCM cho thấy, nhiều cử nhân CNTT sau khi được tuyển dụng đã lần bỏ việc, tìm đến doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó, Chi cục được tư vấn tuyển dụng lao động là NKT đã qua đào tạo CNTT vào làm việc. Đến nay, đã có 27 thanh niên khuyết tật làm về CNTT tại Chi cục, trong đó 18 người đã trúng tuyển công chức ngành thuế.
Anh Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Viettotal chuyên về CNTT cho rằng, bất cứ ai có thể đáp ứng được công việc về CNTT thì anh sẵn sàng tiếp nhận, và chính NKT đã khẳng định được khả năng của mình trong công việc. Hiện Công ty anh có 1 nhân viên là NKT làm việc chính thức và đông đảo cộng tác viên cũng là NKT. Anh Hoàng quan niệm: “Doanh nghiệp không nhất thiết phải đi cho tiền NKT mà hãy trao cho họ khả năng và cơ hội việc làm. Khi doanh nghiệp đặt niềm tin vào NKT, chắc chắn họ không bao giờ phụ lòng tin vào doanh nghiệp”./.
Hồng Minh