Văn hóa - Thể thao
Công bố, giới thiệu phim tư liệu sưu tầm ở nước ngoài về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh
12:30 PM 19/04/2017
(LĐXH) Sáng 19/4/2017, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Chương trình Công bố, giới thiệu phim tư liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” và “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin” nhằm góp phần giới thiệu, phát huy giá trị của 2 bộ phim tư liệu sưu tầm được.
Hình ảnh trong phim “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin”.
Nhằm sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm để bổ sung vào các phông lưu trữ đang bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; bảo quản an toàn và phát huy hiệu quả giá trị của các tài liệu lưu trữ quý, hiếm sưu tầm được; trợ giúp các cá nhân, gia đình, dòng họ… trong việc bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ quý, hiếm - một bộ phận di sản quý giá của dân tộc trước nguy cơ ngày càng bị xuống cấp do không được bảo quản đúng chế độ, ngày 31 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số Quyết định số 644/QĐ-TTg phê duyệt nội dung Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”.
Từ năm 2012 đến nay, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã thực hiện nhiều hoạt động khảo sát, sưu tầm tài liệu lưu trữ về Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trong quá trình khảo sát tài liệu tại Viện Phim Quốc gia Pháp và Viện Lưu trữ Tài liệu Phim ảnh Quốc gia Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã được tiếp cận với nhiều bộ phim tư liệu quý, trong đó có phim tư liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” và “Hồ Chí Minh trên đất nước Lê-nin”. Nhận thấy giá trị và ý nghĩa lịch sử của những phim tư liệu này, năm 2015, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã mua bản sao và bản quyền sử dụng của 02 bộ phim nói trên.
Phim tư liệu “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” (Phim màu, hiện đang bảo quản tại Viện Phim Quốc gia Pháp) do Jean-Pierre Moscardo đạo diễn, sản xuất năm 1975 với thời lượng 60 phút 44 giây. Bộ phim miêu tả những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam (Cuộc chiến ngày 27 - 28/4/1975; sự chuyển hướng của quân đội miền Nam Việt Nam; hình ảnh người dân di cư trốn chạy…); Khung cảnh Sài Gòn những ngày đầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (diễu hành chào mừng chiến thắng; học sinh quét dọn và canh gác đường phố Sài Gòn…).
Phim tư liệu “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin” (Phim đen trắng, hiện đang bảo quản tại Viện Lưu trữ Tài liệu Phim ảnh Quốc gia Nga) do Xưởng phim Thời sự tài liệu trung ương Nga sản xuất năm 1976 với thời lượng 30 phút 20 giây. Bộ phim nói về các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình thành lập nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Liên Xô; Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi, công nông, chiến sĩ Liên Xô...
Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng 02 bộ phim nhân các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước.
Hy vọng rằng, những thước phim tư liệu này sẽ góp phần giúp đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam - Liên bang Nga và những năm tháng đấu tranh hào hùng chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản văn hoá quý giá của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tài liệu lưu trữ là bản gốc, bản chính, là bằng chứng xác thực về quá trình hình thành và phát triển của các cơ quan, tổ chức; của quốc gia, dân tộc nên được bảo quản, giữ gìn cho thế hệ sau. Ngày 03 tháng 01 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Thông đạt số 1C-VP gửi các ông Bộ trưởng, khẳng định “tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”.
Công tác lưu trữ Việt Nam có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, cùng với các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Từ thời Nguyễn, các văn bản hình thành trong hoạt động của bộ máy nhà nước đã được bảo quản chu đáo và lưu giữ lâu dài. Tàng Thư Lâu và cơ quan chuyên trách về lưu trữ được thành lập.
Những năm 1950, yêu cầu quản lý thống nhất về công tác lưu trữ để phục vụ cho hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bức thiết hơn bao giờ hết. Ngày 04 tháng 9 năm 1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 102-CP thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng (tiền thân của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước ngày nay) để quản lý tập trung và thống nhất việc lưu trữ hồ sơ của Nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, 55 năm qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong sự phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam.
Bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục đang bảo quản gần 30 km giá tài liệu lưu trữ, được viết bằng các ngôn ngữ Hán - Nôm, Pháp, Việt… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim ảnh, ghi âm… Trong đó, có rất nhiều khối tài liệu có giá trị: Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới, Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 (từ 30/8/1945-28/2/1946) - Bảo vật quốc gia… Trong những năm qua, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để thu thập, bổ sung tài liệu lưu trữ và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để bảo quản an toàn, kéo dài tuổi thọ tài liệu lưu trữ.  
   Thảo Lan