Xã hội
Công bố Báo cáo Quốc gia về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam
04:15 PM 15/09/2022
(LĐXH)- Sáng ngày 15/9/2022, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) - Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra Tọa đàm Công bố Báo cáo Quốc gia về Việt Nam: Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Đây là số thứ tư trong chuỗi Báo cáo Quốc gia về Việt Nam được thực hiện với sự hợp tác rất thành công giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH) - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Justus Liebig, Giessen, CHLB Đức và Quỹ Hanns Seidel, CHLB Đức.
Báo cáo này được thực hiện sự hợp tác của một đối tác mới - Viện Nghiên cứu Hòa bình Hà Nội (HANPRI). Với ấn phẩm đặc biệt này, các tác giả tập trung vào một vấn đề chưa được quan tâm một cách thấu đáo từ góc độ học thuật - vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh ở một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến trong gần 50 năm như Việt Nam.
Trong quá trình biên soạn Báo cáo, các tác giả nhận thấy đối phó với hậu quả của chiến tranh là một chủ đề dường như bị lãng quên, ngay cả trên bình diện quốc tế - ít nhất là nếu người ta so sánh chủ đề này với một số lượng lớn các luận thuyết học thuật hoặc mô tả phổ biến trong các tiểu thuyết, hồi ký, phim ảnh... Vì vậy, trọng tâm của Báo cáo số này là tiếp cận vấn đề khắc phục hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam từ góc độ chính trị-xã hội:
  • Việt Nam được tái thiết như thế nào sau sự tàn phá của chiến tranh?
  • Và Việt Nam đã cố gắng giải quyết những hậu quả xã hội của chiến tranh như thế nào?
Có quá nhiều vấn đề chính trị - xã hội cần giải quyết ở Việt Nam sau chiến tranh khi nhiều khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Việt Nam đã bị tàn phá khủng khiếp, hàng trăm nghìn sinh mạng mất đi, và hàng trăm nghìn người khác sống sót sau chiến tranh rơi vào cảnh góa bụa, mồ côi hoặc bị tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần.
Những hậu quả lâu dài của chiến tranh vẫn còn hiện rõ cho đến ngày nay, nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, cụ thể là vô số vật liệu nổ còn sót lại vẫn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Và khủng khiếp hơn nữa là những hậu quả lâu dài đối với con người và môi trường gây ra bởi các chất độc hóa học, chất khai quang, đặc biệt là chất độc da cam/ dioxin mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Tọa đàm Công bố Báo cáo Quốc gia về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam
Nhóm tác giả đã truyền tải những kết quả kết quả nghiên cứu sâu sắc trong ấn phẩm này, qua những bài viết cụ thể sau:
  1. 1.   Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam
Detlef Briesen và Phạm Quang Minh
Bài viết giới thiệu khái quát lịch sử chiến tranh ở Việt Nam từ 1940 đến 1990 và quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
  1. 2.   Chính sách ưu đãi người có công ở Việt Nam
Tác giả Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra một cách thuyết phục những đường lối cơ bản của chính sách xã hội mà Việt Nam theo đuổi đối với những người có công với cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc. Những thành tựu trong quá trình thực thi chính sách của nhà nước đối với nhóm này được phân tích cụ thể, và các đặc điểm cơ bản của chính sách xã hội tập dành ưu đãi cho những người tham gia chiến tranh so với các nhóm khác trở nên rõ ràng.
  1. 3.   Chăm sóc sức khỏe – Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sức khỏe của hàng triệu người Việt Nam đã bị hủy hoại. Một mặt, tác giả Nguyễn Bá Đạt cho thấy những nỗ lực to lớn của Việt Nam, một phần với sự hỗ trợ của quốc tế, nhằm khắc phục hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại do chiến tranh gây ra. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, tác giả cũng chỉ ra một cách đúng đắn rằng vẫn còn một khoảng cách đáng kể cần được thu hẹp, đặc biệt là trong điều trị chấn thương tâm lý ở Việt Nam. Người ta hy vọng rằng trong những năm tới, các dịch vụ trị liệu tâm lý sẽ được mở rộng tương đương với các chương trình toàn diện khắc phục các tổn thương về thể chất.
  1. 4.   Chính sách xây dựng vùng kinh tế mới sau năm 1975: Mục tiêu và thành tựu
Một lĩnh vực quan trọng khác của công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là sau năm 1975, là vấn đề phân bố lại dân cư. Dưới ảnh hưởng của cuộc chiến, hàng triệu người đã chạy trốn đến các thành phố (đặc biệt là ở phía Nam của đất nước) hoặc đã được định cư ở các vùng nông thôn (ở phía Bắc). Tuy nhiên, trong điều kiện tái thiết lúc bấy giờ, cần phải phân bố dân cư trên toàn quốc sao cho có thể đạt được sản lượng nông nghiệp cao hơn. Đây là nhiệm vụ của các Vùng Kinh tế Mới, đặc biệt được hình thành ở các vùng sâu vùng xa của miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Tác giả Phạm Quang Minh và Trần Bách Hiếu đề cập đến chủ đề này trong bài viết của mình và chỉ ra những thành công và cả những vấn đề tồn tại của việc phân bố lại dân cư của Việt Nam.
  1. 5. Vấn đề bom mìn và vật liệu nổ từ góc độ kinh tế-xã hội sau năm 1975 - Tác giả Thân Thành Công và Lê Tuyết Minh.
Trong bài viết này, một lần nữa chúng ta thấy rõ di sản của Chiến tranh ở Việt Nam về vật liệu chưa nổ vẫn còn và những nguy hiểm do bom, mìn, lựu đạn, pháo chưa nổ và bất kỳ loại đạn nào vẫn còn xảy ra trên các vùng đất và vùng biển Việt Nam ngày nay. Việc rà phá bom mìn không chỉ nhằm bảo vệ con người và thiên nhiên Việt Nam khỏi nguy hiểm, mà cho đến ngày nay, việc loại bỏ các thiết bị nổ là điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc phát triển kinh tế của các khu vực. Điều này đòi hỏi một nỗ lực quốc tế chuyên sâu hơn nhiều so với những gì đã được thực hiện.
  1. 6.  Giải quyết hậu quả của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam - Tác giả Thân Thành Công và Bùi Chí Trung
Bài báo thứ hai của các tác giả từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Hà Nội (HANPRI), một lần nữa làm rõ tầm quan trọng của việc đưa quá trình giảm thiểu những hậu quả khủng khiếp của chiến tranh trở thành lĩnh vực cốt lõi của chính sách xã hội ở Việt Nam.
  1. 7. Nghiên cứu đặc biệt: Điều kiện sống của nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ ở Việt Nam – Dựa trên khảo sát thực địa tại tỉnh Thanh Hóa- Tác giả Hajime Kitamura, Akira Nozaki, Kanji Ishino, Norifumi Namatame và Mayumi Kuwahara
Sự đóng góp của nhóm nghiên cứu của Giáo sư Norifumi Namatame là một trong số ít các báo cáo thực nghiệm về tình hình thực tế của các nạn nhân chất độc da cam hơn 50 năm sau khi loại vũ khí này được sử dụng. Hoàn cảnh của các nạn nhân thật đau lòng, và bài báo cho thấy nhu cầu hành động vẫn còn lớn lao như thế nào.
  1. 8. Các chính sách khắc phục hậu quả của chiến tranh trong thế kỷ 20 – Nghiên cứu trường hợp Việt Nam
  2. Hai tác giả Detlef Briesen và Đào Đức Thuận cố gắng phân loại các chính sách giải quyết hậu quả của các cuộc chiến sau năm 1954 và năm 1975 ở Việt Nam. Để đạt được điều này, trước hết, điều quan trọng là phải chỉ ra các xu hướng phát triển quốc tế và tình hình nghiên cứu về vấn đề này. Tình hình nghiên cứu hay kiến thức thu được cho đến nay về các cách thức giải quyết hậu quả của chiến tranh sau năm 1945 và từ những năm 1990, còn khá hạn chế.
  3. 9. Thể chế và sáng kiến ở Việt Nam
Báo cáo này một lần nữa được hoàn thiện bằng một bài tổng quan được chọn lọc kỹ lưỡng và xuất sắc bởi tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang. Bất cứ ai đang tìm kiếm thông tin quan trọng nhất về khuôn khổ pháp lý và xã hội để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam sẽ nhanh chóng tìm thấy được thông tin mong muốn trong bài viết này.
Có thể rút ra một số nhận định ngắn gọn như sau: Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Việt Nam không chỉ lo khắc phục hậu quả chiến tranh trước mắt mà còn quan tâm đến công cuộc tái thiết đất nước nói chung, vượt qua hậu quả của thời kỳ thuộc địa và xây dựng một đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Theo PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Đằng sau mỗi cuộc chiến tranh là những nỗi đau thể xác, những vết hằn trong tâm trí của nhiều thế hệ về những mất mát, đau thương, những di chứng của chiến tranh. Sự ly tán, mất tích người thân trong nhiều gia đình, những thảm thực vật, di tích lịch sử bị phá hủy hoặc biến dạng. Những vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là những vấn đề hiện hữu ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Chiến tranh nay đã lùi xa vào quá khứ, nhưng việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn những vết thương chiến tranh tại Việt Nam vẫn là một trong những vấn đề được xã hội và được thế giới rất quan tâm.
“Tôi muốn chúng ta ghi nhận những nỗ lực và sự tâm huyết của nhóm nghiên cứu và các đồng nghiệp quốc tế trong việc lựa chọn một chủ đề hết sức đặc biệt, hết sức ý nghĩa và cũng mang tinh thần rất nhân văn để công bố trong ấn phẩm Báo cáo Quốc gia này. Tôi rất tin tưởng những kết quả nghiên cứu được giới thiệu trong ấn phẩm này sẽ là cầu nối giữa tri thức và cuộc sống, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, cung cấp các luận cứ cần thiết cho quá trình hoạch định các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam trong thời gian tới” - PGS. TS. Đào Thanh Trường nhấn mạnh./.
 Thảo Lan