Lao động
Còn nhiều sai phạm về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp điện tử
04:21 PM 05/01/2018
(LĐXH) - Thực hiện Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017, với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp điện tử”, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tiến hành thanh tra 216 doanh nghiệp, phát 153 phiếu tự kiểm tra tại các doanh nghiệp điện tử. Qua đó, phát hiện phát hiện 1.794 sai phạm, xử phạt hành chính hơn 1,4 tỷ đồng.
Qua thanh tra 216 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 sai phạm, xử phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng
Cụ thể, trong năm 2017, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN, VCCI, Sở LĐTBXH và LĐLĐ các tỉnh, thành phố triển khai 67 cuộc thanh tra tại 67 doanh nghiệp điện tử trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố. Tại các địa phương, Sở LĐTBXH cũng phối hợp với LĐLĐ và Ban quản lý các khu công nghiệp tiến hành thanh tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến hết tháng 10/2017, có 22/25 địa phương thực hiện hoạt động thanh tra, 03 địa phương chưa triển khai thực hiện là Gia Lai (có 05 doanh nghiệp điện tử), Tây Ninh (có 03 doanh nghiệp điện tử) và Bà Rịa Vũng Tàu (có 01 doanh nghiệp diện tử). Tổng số doanh nghiệp được thanh tra là 216 doanh nghiệp (tính cả các đơn vị phối hợp thực hiện với Thanh tra Bộ). Ngoài ra, các tỉnh đã phát 153 phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tới các doanh nghiệp.
Các địa phương triển khai tốt hoạt động thanh tra và phát phiếu tự kiểm tra là: Bình Dương (thanh tra 33 doanh nghiệp, phát 29 phiếu), Thành phố Hồ Chí Minh (thanh tra 24 doanh nghiệp, phát 20 phiếu), Vĩnh Phúc (thanh tra 17 doanh nghiệp, phát 51 phiếu), Hà Nội (thanh tra 26 doanh nghiệp). Tuy nhiên, có một số địa phương có nhiều doanh nghiệp điện tử nhưng số lượng doanh nghiệp được thanh tra còn ít, như: Hải Dương (thanh tra 01 doanh nghiệp và phối hợp với Thanh tra Bộ thanh tra 05 doanh nghiệp), Hưng Yên (không thanh tra doanh nghiệp, chỉ phối hợp với Thanh tra Bộ thanh tra 06 doanh nghiệp).
Qua thanh tra tại 216 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phát hiện 1.794 sai phạm, bình quân 8,3 sai phạm/doanh nghiệp. Trong đó, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 27 doanh nghiệp có hành vi vi phạm nghiêm trọng và báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt hành chính, tổng số tiền xử phạt hành chính là hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó Trung ương xử phạt hơn 400 triệu đồng, các địa phương xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Sai phạm thường gặp tại các doanh nghiệp (DN) gồm: Nội dung hợp đồng không đảm bảo quy định, chưa thể hiện được đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động (132 DN); Không thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 03 tháng/lần (92 DN); Huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định (130 DN); Không thống kê số lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (54 DN); Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ (74 DN); Không lập kế hoạch ATVSLĐ hoặc xây dựng không đầy đủ nội dung (56 DN); Không quan trắc môi trường lao động (50 DN); Không xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm ATVSLĐ phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc (49 DN); Không khám sức khỏe cho người lao động (44 DN); Không đặt bảng chỉ dẫn về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị, nơi làm việc (47 DN); Không xây dựng thang lương, bảng lương (31 DN). Ngoài hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, người lao động làm việc tại 26 doanh nghiệp trong tổng số 216 doanh nghiệp được thanh tra (chiếm 12%) chưa sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát khi thực hiện công việc.
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết: Nguyên nhân của những sai phạm trên có thể kể đến là do người sử dụng lao động, người lao động chưa nhận thức hết được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật lao động, công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; Trình độ chuyên môn của cán bộ nhân sự, cán bộ ATVSLĐ còn hạn chế, nhiều cán bộ ATVSLĐ cho rằng môi trường làm việc trong lĩnh vực điện tử là sạch, không có nguy cơ nào gây mất ATVSLĐ; Người sử dụng lao động không thực hiện công tác ATVSLĐ để giảm chi phí sản xuất; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động lớn, nhiều quy định có nội dung không cụ thể, văn bản được thay đổi liên tục nên các doanh nghiệp không nắm bắt được kịp thời để thực hiện theo đúng quy định; Chế tài xử lý vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ sức răn đe; Lực lượng thanh tra lao động quá mỏng để kịp thời phát hiện những sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về lao động, về ATVSLĐ để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định; Đặc thù của ngành sản xuất, lắp ráp điện tử là làm việc theo đơn đặt hàng, tại thời điểm cao điểm sản xuất, đơn hàng nhiều, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nên huy động người lao động làm thêm giờ quá thời gian quy định./.
Nguyễn Hiền