Xã hội
Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk: Hướng đến tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện sau cai
02:43 PM 02/04/2020
(LĐXH) - Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy (CSĐTCNMT) Đắk Lắk tiền thân là Trung tâm Giáo dục và giải quyết việc làm được thành lập từ năm 1992 trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2002 đổi tên thành Trung Giáo dục Lao động xã hội và đến năm 2018 thực hiện theo Đề án của UBND tỉnh Đắk Lắk đổi tên Trung tâm thành Cơ sở Điều trị, cai nghiện ma túy để phù hợp với tình hình thực tiển hiện nay. Đơn vị có chức năng, nhiệm vụ chính: Tiếp nhận, quản lý, chữa trị bệnh, phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy, tổ chức tư vấn, giáo dục – dạy nghề, dạy văn hóa, giáo dục hành vi, nhân cách và kết hợp với lao động trị liệu cho người nghiện ma túy, đưa đối tượng tái hóa nhập cộng đồng.

Ông  Trịnh Phúc Hòa, Phó Giám đốc Cơ sở  điều trị, cai  nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk kiểm tra học viên trong giờ học nghề đan ghế nhựa tại Cơ sở 

Tọa lạc trên diện tích rộng trên 80 héc ta tại xã Tân Tiến, huyện huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk,  là nơi có không khí thoáng mát trong lành bởi những rừng cà phê trải rộng một màu xanh thẳm. Cơ sở ĐTCNMT Đắk Lắk là một cơ sở chữa bệnh khá lý tưởng,  không chỉ thuận lợi về vị trí mà còn được đầu tư hệ thống trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị và phục hồi sức khỏe cùng với một đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tận tụy với công việc, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội và vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ.

Ông  Trịnh Phúc Hòa, Phó Giám đốc Cơ sở cho biết: Ngay từ ngày đầu mới đi vào hoạt động, đơn vị gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ thiếu về cả số lượng và chuyên môn, nhất là cán bộ y bác sĩ, mức thu nhập thấp, điều kiện đi lại khó khăn do xa thành phố nên không thu hút được cán bộ vào làm việc tại Cơ sở. Tuy khó khăn là vậy, song với nỗ lực quyết tâm của tập thể cán bộ viên chức cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội nên Cơ cơ đã từng bước khắc phục được những khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Cơ sở ĐTCNMT có 07 phòng chức năng với đội ngũ cán bộ, nhân viên trên 72 người, trình độ đại học chiếm 60% và số còn lại được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu trong công tác chữa trị và phục hồi sức khỏe cho đối tượng.

Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng được một phòng tập thể hình, bếp ăn tập thể đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, một phòng y tế đạt chuẩn theo quy định, thư viện, sân thể thao, khu hành chính, xưởng sản xuất, đào tạo nghề và xây dựng được các phương pháp chữa trị hiệu quả.  Ngoài các phương pháp và nội dung điều trị cho đối tượng được quy định của Bộ LĐTB&XH nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cai nghiện tại Cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Trong năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận và quản lý 1.111 lượt học viên, trong đó đối tượng xã hội chuyển qua bắt buộc 98 học viện, tăng 97 lượt học viên so với năm 2018; đã điều trị cắt cơn giải độc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế quy định - ATK, phục hồi sức khỏe cho 642 lượt học viên là người nghiện ma túy tại Cơ sở. Trong đó, đối tượng bị bệnh có 277 học viên, tệ nạn xã hội có 254 học viên và đối tượng xã hội là 111 người. Số học viên được điều trị thuốc kháng virút bằng ARV 13 học viên, điều tri lao phổi và lao hạch cho 5 học viên. Tổng số lượt khám bệnh, cấp thuốc thông thường hàng ngày 26.534 lượt học viên. Số lượt học viên được tư vấn, lấy máu xét nghiệm HIV/AIDS là 898 lượt học viên; số học viên đi khám, điều trị tuyến trên gồm 32 lượt học viên. Ngoài ra, hàng tháng Cơ sở đều tổ chức truyền thông giáo dục sức khoẻ cho học viên tại đơn vị. Công tác lâp dự trù, cung ứng, bảo quản và sử dụng thuốc, dụng cụ y tế , vệ sinh phòng bệnh bảo đảm,  không để xảy ra sai sót chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh.

Cán bộ Cơ sở Điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk tư vấn cho các học viên cai nghiện tại Cơ sở

Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ sở đang quản lý, điều trị và phục hồi cho  trên 470 học viên và người sau cai. Trong đó, có 388 đối tượng bị bệnh, 30 đối tượng xã hội và 55 đối tượng tự nguyện, tỷ lệ học viên bị nhiểm bệnh chiếm 50% trong tổng số. Chia sẽ về trước thực tế có nhiều cơ sở cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện khá cao, nên Cơ sở xác định mục tiêu cơ bản và cuối cùng của công tác cai nghiện, giáo dục dạy nghề, tạo việc làm là hướng tới đưa các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Để làm được điều đó, cùng với việc nâng cao chất lượng cai nghiện thông qua các biện pháp y khoa và giải pháp tâm lý, lao động sản xuất, trung tâm còn đầu tư mở rộng quy mô công tác tư vấn, dạy văn hóa, dạy nghề hướng nghiệp, lao động sản xuất, tạo việc làm để đối tượng sau cai khi hoàn thành giai đoạn cai nghiện có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng và trở về với cuộc sống lao động chân chính.

Trong năm 2019, Cơ sở đã chủ động liên hệ với các đối tác để triển khai mở một số nghề tạo việc làm tại chỗ cho học viên trong thời gian chấp hành quyết định tại Trung tâm. Cụ thể, như tổ chức mở 03 lớp dạy nghề và  cấp chứng chỉ cho 105 học viên;  mở 01 lớp đào tạo nghề May dân dụng cho 35 học viên, 02 lớp học nghề trồng và chăm sóc cây cà phê với 70 học viên tham gia; tổ chức gia công đan ghế nhựa  cho  450 học viên và thực hành may dân dụng thường xuyên cho trên 20 học viên nữ. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức cho các học viên trực tiếp chăm sóc thường xuyên ha cà phê, cây ăn trái, trồng cây hoa màu, rau xanh và chăn nuôi tại Cơ sở hiện có, với  hàng nghìn ngày công lao động và tổng số tiền thu lao được hưởng theo trị giá của sản phẩm làm ra được gần 150 triệu đồng,  góp phần cải thiện bữa ăn cho học viên và cán bộ nhân viên tại Cơ sở. 

Học viên trong giờ học ghề mộc tại Cơ sở Điều trị, cai nghiện tỉnh Đắk Lắk

Theo đánh giá của ông Phạm Công Phiên, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức hành chính Cơ sổ Điều trị, cai nghiện ma týt tỉnh Đắk Lắk:  Đa số học viên trước khi được chuyển về Cơ sở tiếp nhận đều có nhiều tiền an, tiền sự, nhiểm bệnh lao phổi, gan, HIV, nghiện ma túy nặng, đặc biệt là gần đây nhiều em trước khi tiếp nhận vào Cơ sở đã chơi ma túy hàng đá – một loại ma túy nặng khi người dùng sẽ làm cho đầu óc mất trí nhớ, dần dần sẽ hủy hoại não và gây tử vong sớm. Số học viên vào Cơ sơ cho thấy ngày càng trẻ hóa, có khoảng 60%  học viên ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, số còn lại chiếm 40%. Vì vậy, các em vào đây được Cơ sở phân loại ra từng đối tượng, loại bệnh, các tiền án, tiền sự để có kế hoạch giáo dục, trị liệu thông qua 3 bước cắt cơn, giải độc và trị liệu, sau đó giáo dục các em và dạy văn hóa, dạy nghề, phục hồi nhân cách để tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, việc tổ chức quản lý của Cơ sở cũng được tổ chức nghiêm ngặt và có những nội quy, quy định nhằm giúp cho công tác quản lý học viên đi vào khuôn khổ, nề nếp nên đa số học viên vào đây đã chấp hành tốt và có nhiều em đã được về trước thời hạn.

Học viên trong giờ học lao động trị liệu  tại Cơ sở Điều trị, cai nghiện tỉnh Đắk Lắk

Bên cạnh đó, Cơ sở còn tổ chức các chương trình giao ban – sinh hoạt nhóm như: Tổ chức giao ban vào các buổi tối theo chương trình Daytop kết hợp với việc vận dụng các nội dung đã được tập huấn theo chương trình cộng đồng trị liệu tiêu chuẩn phù hợp với tình hình thực tế tại Cơ sở. Cùng với đó, tình nguyện viên giáo dục là điểm tựa cho tinh thần học viên có thể giải bày tâm sự, là người truyền đạt kiến nghị, đề xuất của học viên đến lãnh đạo đơn vị. Đồng thời, tổ chức thăm dò và tư vấn cho thân nhân gia đình học viên về chế độ, chính sách đối với học viên, người sau cai nghiện, những nguyên nhân tái nghiện từ phía gia đình học viên, tổ chức nói chuyện với gia đình học viên sắp hồi gia về các kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS cho học viên.

Song song đó, trong quá trình hoạt động của mình, Cơ sở ĐTCNMT Đắk Lắk  luôn kiên trì bám sát mục tiêu giúp người nghiện phục hồi nhanh chóng về cả thể chất và tinh thần, chủ động thay đổi hành vi và nhân cách, hướng tới thực hành lối sống lành mạnh, tích cực, xây dựng và thực hiện quyết tâm từ bỏ ma túy bằng những hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng, kết hợp nhuần nhuyễn và sáng tạo với các phương pháp trị liệu chuyên môn của ngành y tế, phương pháp giáo dục và tự giáo dục.

Học viên trong giờ học ghề Đan ghế nhựa tại Cơ sở

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, chữa trị và phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác tư vấn, giáo dục ban đầu cho học viên vẫn còn yếu vì thiếu cán bộ chuyên trách về công tác xã hội. Học viên cai nghiện tự nguyện phần lớn chưa thực sự yên tâm chữa bệnh, cai nghiện nên thường ép gia đình bảo lãnh về trước thời hạn theo hợp đồng cai nghiện đã ký kết. Một số học viên tạm gửi chờ quyết định của Tòa án, ý thức chấp hành không tốt gây mất trật tự. Ngoài ra, hiện nay số lượng viên chức định biên của Cơ sở còn quá mỏng so với số lượng học viên mà cơ sở đang quản lý nên nên cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất hiện chưa được đầu tư đồng bộ, một số hạng mục công trình của Cơ sở hiện nay đã xuống cấp nên cần được đầu tư, nâng cấp để nhằm phục vụ công tác cai nghiện cho học viên tại Cơ sở đáp ứng nhiệm vụ được giao. Hiên nay, đa số học viên khi được tiếp nhận vào cơ sở đều sử dụng ma túy tổng hợp chiếm trên 70%, chưa có phác đồ điều trị.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nếu trên và phát huy những thành quả đạt được, trong năm 2020, Cơ sở CNMT Đắk Lắk đề ra mục tiêu và các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục kiện toàn bộ máy, sắp xếp cán bộ hợp lý để nâng cao hiệu suất công tác. Tăng cường hơn nữa việc tổ chức cho học viên được học tâp nội quy, quy chế; Tập trung đẩy mạnh công tác chữa trị thông qua giải pháp  lao động sản xuất và học nghề cho học viên cai nghiện. Chủ động làm việc với các đối tác để tạo việc làm tại chỗ cho học viên không bị gián đoạn.  Duy trì tốt hoạt động của các tổ chức đoàn thể, nâng cao năng lực cho cán bộ trong quản lý, cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho học viên. Phấn đấu không để tình trạng học viên trốn trại và hạn chế đến mức thấp nhất việc học viên vi phạm nội quy, quy chế trong sinh hoạt./.

Hoàng Cảnh