Xã hội
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh – Nơi quản lý, điều trị hiệu quả cho người nghiện ma túy
10:18 AM 08/12/2022
(LĐXH)-Trải qua chặng đường 30 năm hoạt động và trưởng thành với nhiều gian nan, vất vả. Đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh đã trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất đến chuyên môn nghiệp vụ và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Được biết, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30 tháng 10 năm 1992, tiền thân là Trung tâm Phục hồi sức khỏe, sau đó chuyển ra đảo Vạn Cảnh và đổi tên là Trung tâm cai nghiện ma túy Vạn Cảnh. Tháng 8 năm 2006 Trung tâm được chuyển từ đảo Vạn Cảnh, thuộc huyện Vân Đồn về xã Vũ Oai, thuộc huyện Hoành Bồ (nay thuộc thành phố Hạ Long) có tên là Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội Vũ Oai. Đến năm 2012, được đổi tên thành Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày 04/7/2017 đến nay, được tổ chức lại và đổi tên thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 2602/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh. 
Trong chặng đường 30 năm, từ một đơn vị với quy mô nhỏ, với những người chưa một ngày làm công tác tư vấn, giáo dục, chữa trị, cai nghiện cho những người đã một thời lầm lỡ nghiện ma túy thì đến nay Trung tâm đã trưởng thành và khẳng định được vị thế của mình với đội ngũ cán bộ, nhân viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Lấy mẫu xét nghiệm HIV cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh
Trong năm 2022, Cơ sở đã chủ động tiếp nhận và tổ chức cắt cơn cho người cai nghiện mới đảm bảo đúng thủ tục, quy trình. An ninh trật tự của Cơ sở cơ bản được kiểm soát tốt, không có các vụ trốn, đánh nhau, gây rối quy mô lớn, có tổ chức. Công tác Y tế - Phục hồi sức khoẻ đảm bảo mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho CBVC-LĐ và người cai nghiện. Tổ chức các hoạt động thường xuyên, chú trọng và nâng cao chăm sóc sức khỏe, lao động trị liệu, học tập, học nghề… cho người cai nghiện tại Cơ sở.
Thực tế, trong quá trình cai nghiện của đối tượng, người cai nghiện sau thời gian cắt cơn, thực hiện cách ly theo quy định và thời gian học tập nội quy, quy chế sẽ được tham gia các hoạt động lao động trị liệu tại Cơ sở để rèn luyện ý thức, thói quen lao động và rèn luyện sức khỏe. Đây vừa là hình thức trị liệu, vừa đào tạo nghề cho học viên tại Cơ sở. Có rất nhiều nghề để học viên tham gia, đào tạo làm việc, như: Trồng rau, chăn nuôi, gia công đan lưới, đan chiếu, làm vàng mã, sửa chữa điều hòa, điện, may công nghiệp...
Từ năm 2021, Cơ sở phối hợp, liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp sơ cấp nghề dưới 3 tháng, tập trung vào những nghề mà người lao động có thể tự tạo việc làm, như: Điện nước, hàn, chế biến món ăn, trồng hoa, bảo dưỡng điều hòa...
Sau thời gian học nghề, người cai nghiện được tham gia các hoạt động lao động trị liệu thông qua những nghề đã được học, được truyền nghề, giúp người cai nghiện hiểu được giá trị của sức lao động, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Qua đó, giúp cho các học viên trong thời gian cai nghiện vẫn có cơ hội có tay nghề, được cấp chứng chỉ học nghề để sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm việc làm, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương, giảm nguy cơ tái nghiện.
Bên cạnh việc dạy nghề, thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Cơ sở còn mở các lớp học xóa mù chữ cho học viên từ tháng 4/2020. Tại Cơ sở, có khá nhiều học viên tại mù chữ. Không biết chữ khiến học viên thua kém, khó khăn về mọi mặt, từ điều trị, cắt cơn đến sinh hoạt, học nghề… đều gặp hạn chế. Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã một thời lầm lỗi do vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn. Một phần họ ngại do lớn tuổi rồi vẫn đi học, phần khác họ luôn mặc cảm, tự ti. Chính vì vậy, giáo viên vừa phải dạy chữ, vừa phải là nhà tâm lý, thường xuyên gần gũi, nắm bắt được tâm lý của từng người để kịp thời động viên họ vượt qua những mặc cảm, giúp họ có thêm động lực để tiếp thu bài.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong phòng, chống tệ nạn xã hội cho các đối tượng đang thực hiện cai nghiện ở đơn vị. Học viên Cơ sở thường xuyên được nghe các báo cáo viên đến từ Phòng Phòng chống tệ nạn xã hội của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của các loại ma túy mới, các văn bản pháp luật về ma túy; những hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; tình hình tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng và các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh còn tích cực thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại Cơ sở giúp cho học viên nhận thức đúng và đầy đủ hơn về bệnh HIV, cách dự phòng, điều trị. Từ đó, giúp mỗi học viên có ý thức chăm sóc, cùng hành động nhằm bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng, từng bước giảm phân biệt, kỳ thị đối với những người không may bị nhiễm bệnh tạo nên hiệu quả lâu dài trong công tác phòng chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS nói chung. Hoạt động truyền thông có ý nghĩa thiết thực góp phần giúp mọi người nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS, thực hiện mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Trong sinh hoạt hằng ngày, bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cán bộ Cơ sở, các học viên luôn động viên, giúp đỡ lẫn nhau nên ai nấy đều vơi bớt nỗi nhớ nhà, chấp hành tốt các nội quy, quy định. Trong quá trình điều trị cai nghiện tại đây, chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của học viên cơ bản đều hơn ở nhà. Dịp Tết, chất lượng bữa ăn của học viên tăng hơn ngày thường rất nhiều. Bên cạnh đó, học viên còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Nhìn chung, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các chỉ đạo, quy định, biện pháp trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn tại Cơ sở. Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở theo hướng cung cấp dịch vụ công; các hoạt động cai nghiện tại Cơ sở thực hiện đúng quy trình, quy định; công tác an ninh trật tự tại Cơ sở được đảm bảo; các chính sách được thực hiện đầy đủ. Từ ngày 15/12/2021 - 31/10/2021 cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận mới là 390 người (trong đó: 199 người cai nghiện tự nguyện, 177 người cai nghiện bắt buộc, 14 người đang quản lý). Đến 31/10/2022, Cơ sở đang quản lý, cai nghiện cho 497 người ( 145 cai tự nguyện, 338 người cai bắt buộc, 14 người đang quản lý chưa có quyết định)./.
Mỹ Hạnh