Lao động
Cơ hội rộng mở cho lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản
02:10 PM 05/11/2018
(LĐXH)-Tại Công ty Takara ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản, những kỹ sư người Việt được giao làm việc và quản lý trực tiếp công trường thi công, một số ngồi ở trụ sở văn phòng công ty, thiết kế bản vẽ cho những công trình xây dựng dân dụng đã được công ty ký hợp đồng. Trong bộ vest đồng phục màu đen truyền thống của khối văn phòng Nhật, những lao động Việt Nam với nét mặt tươi trẻ còn non như búp măng song phong thái chững chạc, trình độ tiếng Nhật và kỹ năng chuyên môn vững vàng, làm việc tự tin, bình đẳng bên cạnh những kỹ sư của Nhật đã khiến chúng tôi khi đang ở nơi xa xứ thực sự tự hào và xúc động.
TS.Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cùng Trưởng Ban Quản lý lao động Phan Tiến Hoàng đến thăm và trò truyện với các kỹ sư, tu nghiệp sinh Việt Nam
tại công trường của Công ty Takara đang thi công
Gặp gỡ những kỹ sư trẻ người Việt ở Takara - Tokyo
Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, chúng tôi đã kịp gặp gỡ kỹ sư công trình Phan Thành Chất, quê ở Bình Định và kỹ sư thiết kế Võ Quốc Lộc, nhà ở Quảng Bình. Hai kỹ sư trẻ này học tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, đến năm thứ 3 đã nộp đơn tham gia học tiếng Nhật và kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp tại khóa học Takarazemi của Công ty Takara  2 năm. Lộc đảm nhận công việc  thiết kế đường ống cấp thoát nước và quản lý trực tiếp công trình thi công, còn Chất là kỹ sư công trình làm trực tiếp tại công trường. Các em được hưởng mức lương gần 40 triệu đồng, kể cả Phan Thành Chất - người mới sang công ty Nhật được 6 tháng. Nhờ  cố gắng rèn luyện tiếng Nhật và không ngừng học hỏi kỹ năng nghề nghiệp, các em luôn có mức lương ổn định. Kết hợp với chi tiêu tiết kiệm, cả hai em đều gửi được tiền về giúp bố mẹ ở nhà mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.
Kỹ sư công trình PHan Thành Chất (người mặc bảo hộ công trình thứ 2 từ phía trái ảnh) chia sẻ công việc, chế độ đãi ngộ  của Takara với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Tĩnh và Sóc Trăng
Em Nguyễn Thị Anh Hằng cũng cho chúng tôi biết đã tốt nghiệp khoa Xây dựng dân dụng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng năm 2016. Để được vào làm công ty như ngày hôm nay, Hằng đã có 2 năm cuối học việc và tiếng Nhật theo chương trình đào tạo của Công ty Takara. Với trình độ tiếng Nhật đạt mức N3 cùng các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng nghề, Hằng đã bản lĩnh vượt qua nhiều vòng phỏng vấn của Takara và được tiếp nhận sang Nhật làm việc. Mặc dù mới làm ở Công ty Katara Nhật Bản được 7 tháng ở mảng thiết kế hệ thống đường ống cấp thoát nước và hệ thống điều hòa không khí, cứu hỏa trong các tòa nhà hoặc công trình dân dụng song Hằng đã đạt mức lương khá khoảng gần 40 triệu đồng, đủ chi tiêu cuộc sống hàng ngày và gửi về giúp bố mẹ nuôi 2 em ăn học ở Quảng Trị.
Chủ tịch Công ty Takara và kỹ sư  thiết kế Võ Quốc Lộc  (2 người bên trái ảnh) giới thiệu đồ án quy hoạch của ISV Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
Phạm Thị Hàng Na, quê Bình Định, đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật công trình xây dựng dân dụng ở Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, cũng được đào tạo 2 năm cuối theo chương trình học của Nhật với chuyên ngành thiết kế hệ thống điện, nước và thông khí trong các công trình xây dựng dân dụng. Na cho biết, khóa học của em có 14 sinh viên Việt Nam theo học, song đợt này chỉ có em và một bạn sinh viên sang Nhật học việc. Sau khi tốt nghiệp, Na được nhận vào  làm việc 1 tháng ở chi nhánh của công ty ở Việt Nam, sau đó được công ty gửi sang học việc 3 tháng ở Nhật. Hiện Na vừa mới sang công ty được 1 tháng rưỡi. Kết thúc khóa học việc này, em sẽ trở về Việt Nam, có thể sau đó 1 tháng hay 2,3,4 tháng, tùy thuộc vào sự sắp xếp của Công ty Takara em sẽ quay trở lại Nhật làm việc tiếp. Tính chất công việc tại Nhật đang làm không khó đối với Na bởi môi trường và chương trình học mà Na từng học ở Việt Nam tương đồng như bên Nhật, hơn thế nữa khi học việc ở công ty Việt Nam em đã được những nam công nhân, kỹ sư đã từng học và làm việc ở Nhật về đào tạo, hướng dẫn trực tiếp.  Na tâm sự, sang Công ty Takara học việc em được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí hàng tháng là 6 Man, tương đương 12 triệu/tháng, được lo nhà ở chứ không được hưởng lương. Công ty cũng lo toàn bộ cho em chi phí thủ tục xuất cảnh, vé máy bay, phí đi lại, đưa đón. Em hy vọng sau khi kết thúc học việc ở đây, công ty sẽ ký hợp đồng nhận em vào làm việc ở bên Nhật. Đối với Na, môi trường làm việc trong công ty Nhật cũng hơi áp lực so với môi trường làm việc ở Việt Nam song với sự nỗ lực hết mình em đã học được rất nhiều về ý thức kỷ luật lao động nghiêm khắc, đúng giờ, tác phong làm việc hiện đại và chuyên nghiệp của người Nhật Bản và cho rằng đó là điều mà người Việt Nam cần phải học hỏi. Na cũng chia sẻ, để được trúng tuyển như ngày hôm nay, em cũng phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn, chọn lọc của Công ty Takara.
Chủ tịch Tatsuya Nishizaki - Công ty Takara cho biết: Takara là một công ty chuyên thi công, tư vấn thiết kế, kinh doanh, cung ứng thiết bị vệ sinh cấp thoát nước có uy tín cho các công trình xây dựng với bề dày kinh nghiệm hơn 93 năm hoạt động của Nhật Bản và hiện đang có 30 lao động người Việt Nam đang làm việc tại đây.
 “Chúng tôi luôn đánh giá cao các tu nghiệp sinh Việt Nam nói chung và các bạn sinh viên Đại học kiến trúc Đà Nẵng nói riêng và coi đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao tiềm năng. Từ năm 2014, Tập đoàn Takara đã sang tìm hiểu và ký kết hợp tác hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật và kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho sinh viên một số khoa của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng có nhu cầu được làm việc tại tập đoàn và thỏa mãn các yêu cầu do tập đoàn đề ra. Hợp tác này đã mở ra cách làm mới trong việc cung ứng nhân lực là các sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng sang Nhật Bản làm việc tại Takara. Hơn thế nữa, đó còn là biểu hiện của giao lưu văn hóa Nhật-Việt...”- Chủ tịch Tatsuya Nishizaki bày tỏ.
 Từ sự hợp tác với Trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng, Công ty đã duy trì các khóa đào tạo ngắn hạn giữa Công ty Takara và Đại học kiến trúc Đà Nẵng gọi là Takara Seminar-Ocean Seminar (Takarazemi), lựa chọn các sinh viên ngành kiến trúc năm thứ 3 có thành tích học tập tốt được Takara chọn và tuyển dụng học tiếng Nhật cùng với truyền giảng các kiến thức xây dựng tiên tiến của Nhật Bản, sau đó các học viên tốt nghiệp (mỗi khóa có khoảng 15 em sinh viên) được sang Nhật Bản làm việc tại Takara. Công ty đang liên kết với Trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng tổ chức khóa học Takarazemi, phối hợp với công ty thiết bị vệ sinh Toto và một công ty điện tử  để xây dựng khóa học này. Thông qua chương trình học qua phần mềm 3D, hầu như các bạn sinh viên Việt Nam tiếp thu được rất nhanh. Bên cạnh các bạn sinh viên học chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế, công ty còn có cả các bạn tu nghiệp sinh. Tùy theo nguyện vọng của bản thân mỗi học sinh mà có bạn thì học thiết kế, có bạn lại muốn học tìm hiểu về công trình và muốn có thêm kinh nghiệm về công trình. Trong khóa học này, công ty lựa chọn ra những thành viên ưu tú để đưa qua Nhật làm việc. Sau 5 năm liên kết đào tạo với Trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng, Chủ tịch Tatsuya Nishizaki của Công ty Katara đã vinh dự được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng của Trường và ông chia sẻ sẽ cố gắng góp phần xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng ngày càng vững mạnh.
Cơ hội rộng mở cho lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản
Theo Chủ tịch Tatsuya Nishizaki, trong quá trình làm việc tại Công ty Takara, các lao động người Việt nhận được nhiều đánh giá rất cao từ các đối tác Nhật Bản. Thông qua các chương trình đào tạo như thế này, nhiều tập đoàn của Nhật Bản đã có rất nhiều kỳ vọng với các bạn sinh viên trẻ Việt Nam hiện nay. “Hiện tại hầu hết các kỹ sư thiết kế và kỹ sư công trình ở Công ty Takara đều là người Việt Nam nên nếu chúng tôi rời bỏ Việt Nam thì các công trình của công ty sẽ không hoàn thành được. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có rất nhiều xí nghiệp liên hệ với Takara về việc muốn tổ chức các khóa học ở Việt Nam, muốn nhận các bạn  sinh viên ưu tú ở Việt Nam vào làm việc tại công ty của họ. Đối với Takara, trong 10 năm trước có rất nhiều lao động và tu nghiệp sinh người Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với người Trung Quốc đã có rất nhiều vấn đề xảy ra. Qua những lần trải nghiệm ở Việt Nam, Takara đã hiểu thêm về người Việt Nam và muốn được làm việc với người lao động trẻ Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất yêu thích người Việt Nam và muốn sử dụng lao động Việt Nam. Ngược lại rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng rất mong muốn được đến Nhật làm việc. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng tôi đang cố gắng xây dựng Nhật Bản thành một môi trường thân thiện để các bạn trẻ , các bạn tu nghiệp sinh người Việt Nam sang đây làm việc. Và Takara cũng cố gắng hỗ trợ các bạn trong quá trình làm việc, và rất coi trọng người Việt Nam, coi nhau như đại gia đình và mong muốn xây dựng cộng đồng người Việt Nam trong công ty ngày càng vững mạnh hơn nữa.” - Chủ tịch Tatsuya Nishizaki vui vẻ bày tỏ.
Theo đánh giá của Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Phan Tiến Hoàng , nhu cầu tuyển dụng lao động VN tại thị trường Nhật Bản ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Do tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng, đồng thời chất lượng lao động của Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhất là về trình độ chuyên môn, tiếng Nhật, năng lực, kỹ năng nghề và ý thức kỷ luật, vì vậy số lượng được tiếp nhận vào Nhật Bản tăng rất nhanh. Nhật Bản sẵn sàng dành cơ hội cho những lao động phổ thông và nhiều vị trí làm việc cho những lao động trí thức Việt Nam thông qua nhiều con đường như tu nghiệp sinh, du học hay xuất khẩu lao động. Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật hiện nay là gần 150.000 người, trong đó thực tập sinh theo Chương trình thực tập kỹ năng chiếm phần lớn với 131.000 người, dẫn đầu 15 nước đưa thực tập sinh sang làm việc tại nước này, tiếp theo là Trung Quốc 77.000 người. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng lao động nhanh nhất trong cộng đồng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tháng 2/2018 vừa qua, đoàn hộ lý đầu tiên của Việt Nam đã dự thi và đạt tỷ lệ đỗ  93,7%, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ bình quân của hộ lý người Nhật (trên 70%). Chính vì vậy, Chính phủ Nhật và người Nhật nói chung đánh giá rất cao chất lượng hộ lý và điều dưỡng Việt Nam theo Chương trình JVEPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản). Theo đó, họ kỳ vọng tiếp nhận nhiều thực tập sinh hộ lý Việt Nam theo chương trình thực tập kỹ năng. 
Lao động Việt Nam đang được xem là một trong những nguồn nhân lực quan trọng đối với thị trường lao động Nhật Bản. Câu chuyện của những kỹ sư trẻ tại Takara và những thông tin về tình hình lao động Việt Nam tại Nhật Bản của Trưởng Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Phan Tiến Hoàng cho thấy lao động Việt Nam hoàn toàn có cơ hội làm việc, học tập một cách hiệu quả và bình đẳng tại Nhật Bản, quốc gia vốn được đánh giá là một thị trường lao động đầy hứa hẹn đối với lao động Việt Nam.
Theo đánh giá, so với các thị trường lao động khác, cuộc sống, điều kiện làm việc của tu nghiệp sinh ở Nhật tương đối tốt, ổn định với mức lương khá hấp dẫn. Doanh nghiệp Nhật rất mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam bởi ý thức, cần cù chịu khó, thông minh, nhanh nhẹn, có tinh thần hợp tác. Việc Nhật Bản đang đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng sẽ là cơ hội về việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam.
Tuy nhiên thị trường Nhật Bản rộng cửa cho tất cả lao động nước ngoài, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng của người lao động. Để cạnh tranh được với các lao động nước khác, lao động VN cũng phải trang bị kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn nhất định và quan trọng nhất là kỷ cương, kỷ luật lao động. Bên cạnh đó, khắc phục những khó khăn về đội ngũ cán bộ còn thiếu thốn, Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện hợp đồng của các bên, chủ động phối hợp với các công ty Nhật Bản nắm tình hình và thường xuyên thăm hỏi để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, hỗ trợ lao động người Việt được làm việc trong môi trường tốt nhất và ngày càng có uy tín trên thị trường lao động Nhật./. 
Thanh Phúc-MỹHạnh