Cô gái đất Quảng, gần 20 năm gắn bó với công tác chăm lo người có công
04:20 PM 28/09/2020
(LĐXH) - Gắn bó với công tác chăm sóc người có công cách mạng (các cụ) gần 20 năm, ở nhiều vị trí công việc khác nhau chị đều làm việc với trách nhiệm cao nhất; cùng đồng nghiệp chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí thức trắng đêm bên giường bệnh mỗi khi có cụ bị ốm đau. Với những thành tích đạt được, chị Ngô Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè đã được các cấp chính quyền địa phương, Bộ LĐ-TB&XH, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen.

Chị Ngô Thị Vân Anh (ảnh đầu hàng bên phải) đang cùng các cụ tập dưỡng sinh

Chăm sóc người có công là tâm nguyện
Qua giới thiệu từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, chúng tôi đến Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Trung tâm) để tìm hiểu viết bài về chị Ngô Thị Vân Anh. Người đã có gần 20 năm gắn bó với công tác chăm lo cho người có công với cách mạng. Không hẹn trước, khi tới Trung tâm chúng tôi không gặp được chị do chị đang bận cùng các cụ tập Yoga. Không chịu về không, chúng tôi tìm vào phòng Giám đốc Trung tâm ngồi đợi cũng là tìm hiểu thêm về những công hiến trong công tác chăm lo Người có công với cách mạng của người con gái đất Quảng Nam, đang làm Phó Giám đốc Trung tâm.  
Qua câu chuyện, biết chúng tôi muốn tìm hiểu để viết bài về chị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quốc Uy cho biết, chị Vân Anh là con liệt sĩ, từ một nhân viên văn thư phấn đấu trưởng thành như ngày hôm nay. Hiện chị là Phó Giám đốc Trung tâm, phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác hành chính quản trị và hoạt động nhà tang lễ. Chị là con liệt sĩ nên có tình cảm với các cụ lắm. Tận tâm cùng ăn, cùng ngủ, để gần gũi, chia sẻ giải tỏa tậm lý cho các cụ. Trong thời gian trước, khi chị làm Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm đã có một số sáng kiến, tổ chức sinh hoạt giữa đoàn viên với các cụ. Chị vận động và tổ chức cho đoàn viên công đoàn ở lại mỗi ngày sau giờ làm việc từ 1-2 tiếng để đến các phòng sinh hoạt cùng và tâm sự với các cụ, tạo sự gắn kết như một gia đình.

Chị Ngô Thị Vân Anh thường xuyên đến từng phòng thăm hỏi động viên các cụ

Trong công việc bất kể ở vị trí nào chị Vân Anh luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chị luôn tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các cụ để cùng Ban lãnh đạo Trung tâm có những lãnh đạo, chỉ đạo công tác kịp thời. Bản thân chị luôn chủ động đưa ra cách làm hay, bàn bạc dân chủ trong Ban Giám đốc Trung tâm tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Công tác quản lý, chăm sóc các cụ ngày thêm được chu đáo, tận tình như chăm sóc người thân của mình. Bên cạnh đó, chị Vân Anh còn làm tốt vai trò tham mưu với Giám đốc về các hoạt động, phong trào thể dục, văn nghệ, hướng dẫn và cùng các cụ đị bộ dưỡng sinh, tập Yoga; Tổ chức các đoàn văn nghệ của Nhà văn hóa Thiếu nhi đến biểu diễn phục vụ các cụ. Ở vị trí công việc nào chị cũng không nề hà giờ giấc, sáng hôm hay tốt đến, làm nhiệt tình, tận tâm và không vụ lợi.
Kể đến đây đồng chí Nguyễn Quốc Uy mời chúng tôi đi thăm quan một vòng Trung tâm, trong thời gian đợi chị Vân Anh. Theo quan sát của chúng tôi, khu vườn Trung tâm với nhiều cây xanh, thảm hoa được chăm sóc, tỉa tót rất đẹp mắt. Không khí trong lành, cây xanh tươi tốt nơi đây đúng nghĩa là một nơi dành để an dưỡng, nghỉ ngơi. Mải ngắm cảnh, chúng tôi tới trước căn biệt thự theo dạng mini ở cuối khuôn viên, thuộc một trong 15 căn nhà là nơi ở của các cụ khi nào không hay. Trước sân nhà có mấy cụ đang ngồi ghế đá đọc báo. Chúng tôi hỏi chuyện và được cụ Nguyễn Diệp Hồng Hạnh (76 tuổi), một trong những người đã có thâm niên sống lâu nhất ở đây cho hay, nói về cô Vân Anh chỉ ngắn gọn: “Rất nhiệt tình, bất kể sớm hay tối, không nề hà giờ giấc, chăm lo cho các cụ với cả tấm lòng; hiếu thảo như một người con chăm sóc cha mẹ”. “Mới đây tôi bị bệnh nặng, huyết áp tụt quá thấp phải chuyển sang điều trị tại bệnh xá của Trung tâm. Khi đó, tôi tưởng mình đã chết!. Biết tin tôi phải chuyển xuống điều trị ở bệnh xá, cô Vân Anh đã đến thăm, động viên. Tối đó, cô Phó Giám đốc Trung tâm Ngô Thị Vân Anh không về nhà mà ngủ lại bệnh xá cùng với tôi. Được chăm sóc tận tình của các y bác sỹ và đặc biệt là sự động viên trực tiếp của cô Vân Anh đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Hơn cả phép lạ, tôi khỏi bệnh và khỏe lại!”: cụ Diệp Hồng Hạnh chia sẻ.
Tiếp nối câu chuyện về nữ Phó Giám đố Trung tâm, cụ Vũ Diệu (phòng số 1- nhà B1) đưa một tấm hình cụ mới chụp vào đầu tháng bảy cho chúng tôi xem. Mặt sau của tấm hình, cụ Vũ Diệu chú thích, chụp trước nhà B3: “Sáng bữa đó, mưa lớn nước thoát không kịp nên cả khuôn viên của Trung tâm bị ngập nặng. Nhìn nước ngập mênh mông các lối đi, tôi nghĩ hôm nay sẽ không có bữa ăn sáng, nhưng không phải. Như thường lệ, cô nhân viên giao thức ăn vẫn đẩy xe giao thức ăn đến từng phòng cho các cụ, đúng giờ; trong lúc nước ngập nửa bắp chân”. Khi nhận lại tấm hình, cụ Vũ Diệu nói, xúc động hơn nữa, hôm đó đích thân Phó Giám đốc Trung tâm Ngô Thị Vân Anh cũng đi ủng, lội nước bì bõm đến từng phòng thăm hỏi, động viên các cụ, rất chu đáo. Câu chuyện của cụ Vũ Diệu đang đến hồi hấp dẫn, chúng tôi được thông báo buổi tập Yoga của Trung tâm đã kết thúc!.
Mong được tiếp tục được chăm sóc các cụ

Phó Giám đốc Trung tâm Ngô Thị Vân Anh ( người đứng giữa ) cùng nhân viên Trung tâm tham gia điệu múa sạp cùng các cụ

Đón chúng tôi trong phòng khách của Trung tâm là một phụ nữ nhỏ con, nhưng khá nhanh nhẹn. Chúng tôi chưa kịp đưa ra câu  hỏi, chị đã nói trước, được chăm lo cho các cụ là cái duyên. “Hằng ngày được trò chuyện, tâm sự, tập thể dục, tập Yoga với các cụ cảm nhận được các cụ vui, các cụ khỏe mạnh, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Mong sao tôi được tiếp tục được chăm sóc các cụ”: chị Vân Anh chia sẻ.
Chị Vân Anh cho biết, quê Quảng Nam, ba hy sinh khi chị mới được 7 ngày tuổi. Ba mất sớm, một mình mẹ gồng gánh nuôi 7 anh chị em, nên từ nhỏ chị đã có ý trí tự lập vươn lên. Nhưng nhà nghèo chỉ được học hết lớp 9, phải nghỉ. “Vài năm sau ngày đất nước thống nhất, ra đình tôi chuyển vào sinh sống tại Thành phố mang tên Bác. Được sự động viên của mẹ, tôi đăng ký học Trung học sư phạm mầm non hệ 9 cộng 2. Năm 1994 tốt nghiệp ra trường, tôi được phân công làm giáo viên tại Trường Mần Non 30/4. Trong thời gian này, tôi lập gia đình. Chồng tôi dạy tại một trường THCS nên cuộc sống khá êm đềm và  hạnh phúc”: chị Vân Anh Tâm sự.
Như có duyên với công tác xã hội hay do có cha là liệt sĩ mà khi hay tin, Sở LĐ-TB&XH Thành phố tuyển nhân viên, chị xin chuyển công tác về làm việc tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Chị Vân Anh chia sẻ, cuối năm 2002, chị chính thức phân công nhân viên tạp vụ tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, mặc dù không được sự ủng hộ của chồng. Do có sự phấn đấu, năm 2007 chị được Lãnh đạo phân công làm nhân viên văn thư, Phòng Hành chính tổ chức. “Công việc nhiều, mới làm chưa quen, một nách 2 con nhỏ nên những ngày đầu về Trung tâm tôi bận túi bụi, không còn thời gian dành riêng cho mình cho chồng. Khi chuyển công tác tôi đã không được sự đồng ý của chồng, nên phải tự phấn đấu. Vừa lo việc nhà, việc cơ quan và tiếp tục phải theo học đại học. Tôi suy nghĩ, đây là công tác đền ơn đáp nghĩa với các cụ. Có thêm nhiều kiến thức sẽ chăm lo đời sống, chia sẻ tình cảm với các cụ được tốt hơn, vì tôi cũng là con của một liệt sĩ mà”: chị Vân Anh cho hay.
Theo chị Vân Anh, ở Trung tâm như một xã hội thu nhỏ, mỗi cụ một tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Phải nắm vững tính tình, thói quen, sở thích, độ tuổi và sức khoẻ từng cụ để bố trí sắp xếp nơi ăn ở phù hợp.  Các cụ hài lòng, sẽ sống hoà thuận, vui khỏe và tương trợ lẫn nhau. Tạo được sự đoàn kết tốt trong các cụ, đảm bảo hoạt động của Trung tâm ổn định nề nếp. Đồng thời, lập kế hoạch tổ chức chăm sóc điều trị tại chỗ đưa các cụ yếu liệt tắm nắng, hít thở không khí ngoài trời vào mỗi buổi sáng và cách xoay trở nhằm hạn chế việc nằm liệt kéo dài gây lở loét hoặc nhiễm thêm các bệnh cơ hội khác. Theo đó, có cụ nằm liệt đã nhiều năm nhưng không có cụ nào bị loét. Đồng thờ, đề xuất Giám đốc và chỉ đạo trực tiếp các hình thức vui chơi giải trí, văn hoá văn nghệ, tham quan của các cụ tại Trung tâm.

Hình do cụ Vũ Diệu (phòng số 1- nhà B1) chụp vào buổi sáng tháng bảy, đã nhắc đến trong bài.

Với sự cố gắn nhiều năm theo học PHTH và đại học, năm 2008 chị Vân Anh tốt nghiệp đại học, ngoài những công việc của Phó phòng, rồi Trưởng phòng tổ chức hành chính, chị kiêm thêm phụ trách công việc phục vụ nhà tang lễ. Tổ chức lễ tang khi có cụ từ trần, viếng nghĩa trang, chỉ đạo trực tiếp hoạt động của nhà tang lễ Trung tâm. Đến cuối năm 2009 chị được tín nhiệm bầu đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Trung tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè. Trách nhiệm cao, công việc nhiều nhưng với nghị lực của người con đất Quảng và quyết tâm của một Đảng viên chị đã sắp xếp được ổn thỏa công việc gia đình và cơ quan một cách hợp lý.
Chị Vân Anh kể: “Từ những năm làm Chủ tịch Công đoàn của Trung tâm tôi đã tổ chức nhiều phong trào, cùng các cụ đi bộ dưỡng sinh, tập Yoga vào buổi sáng và sau giờ hành chính. Năm 2016, tôi có công trình “nhịp cầu yêu thương”, mỗi buổi chiều sau ca trực sẽ có 1-2 đoàn viên công đoàn hoặc nhân viên đăng ký ở lại thêm 1- 2 tiếng nữa để cùng tham gia các sinh hoạt, tâm sự, chia sẻ cùng với các cụ. Song song đó, tôi còn liên hệ các đoàn ca múa nhạc của Nhà thiếu nhi Thành Phố tổ chức hát múa phục vụ các cụ vào những ngày lễ tết, ngày Thương binh Liệt sĩ các cụ rất vui. Hằng năm đều tổ chức Chương trình đón Giao thừa, gói bánh chưng, bánh tét, có đoàn viên và nhân viên cùng tham gia với các cụ, tạo thêm tình cảm gắn kết như một gia đình”. Câu chuyện còn dài nhưng chị Vân Anh phải đi kiểm tra việc lấy mẫu thức ăn để lưu lại trước bữa ăn trưa của các cụ nên chúng tôi tạm đành chia tay nữ Giám đốc Trung tâm có tâm với nghề.
Đăng Hải