Xã hội
Chuyển biến trong công tác giảm nghèo ở huyện biên giới ở Sơn La
11:45 AM 25/05/2020
LĐXH - Nằm cách Thành phố Sơn La khoảng 100km, huyện Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh. Huyện Sông Mã hiện có trên 153 nghìn người, gồm 6 dân tộc (Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun, Khơ Mú, Kháng), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí đa chiều chiếm gần 50%.

Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình phức tạp, nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, nhiều hình thức hỗ trợ, nhiều biện pháp sáng tạo trong phát triển kinh tế đã giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2020, Sơn La phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,42%.

Thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, MTTQ các cấp đã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả thu nhập vài trăm triệu đồng/năm được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh như phát triển các loại cây ăn quả, trồng rau an toàn theo công nghệ mới, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Trong năm 2019, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân ủng hộ, giúp đỡ người nghèo bằng nhiều hình thức, tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp vận động được hơn 9,3 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 435 nhà ở cho người nghèo, tặng trên 7.500 suất quà cho học sinh con em hộ nghèo đi học, hơn 8.000 suất quà tặng các hộ nghèo dịp Tết Nguyên đán.

Nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đã giúp thay đổi cơ bản đời sống vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa

Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình hỗ trợ hội viên, đoàn viên xóa đói, giảm nghèo như mô hình “Xóa đói, giảm nghèo vùng đặc thù”, Dự án “Ngân hàng bò”, hỗ trợ trâu bò sinh sản luân chuyển cho các hộ nghèo của Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ; Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh; “Nhóm cổ phần tài chính tự quản” của Hội Liên hiệp phụ nữ... đã giúp trên 6.000 lượt hộ nghèo với số tiền trên 4,5 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, các tập thể, cá nhân, đoàn viên, hội viên trong và ngoài tỉnh còn giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  hàng nghìn ngày công lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 584 hợp tác xã và 4 liên hiệp hợp tác xã hoạt động, qua đó, đã đẩy mạnh các hình thức hợp tác tổ chức sản xuất, như mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các doanh nghiệp, liên kết các hộ gia đình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị nông sản bền vững, gắn với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch bền vững.

Nằm cách Thành phố Sơn La khoảng 100km, huyện Sông Mã là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh. Huyện Sông Mã hiện có trên 153 nghìn người, gồm 6 dân tộc (Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun, Khơ Mú, Kháng), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí đa chiều chiếm gần 50%. Những năm qua, huyện Sông Mã đã huy động các nguồn vốn chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hàng năm, Phòng Dân tộc huyện Sông Mã đã chủ động tham mưu cho UBND huyện thực hiện các tiểu dự án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo; triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn giai đoạn từ năm 2016-2018; xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn... Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chủ động, vươn lên thoát nghèo; sử dụng có hiệu quả các chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để thoát nghèo; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng và phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; tham gia học nghề, tìm việc làm; phát triển các ngành nghề thương mại - dịch vụ... phù hợp với địa bàn và dân tộc để thoát nghèo bền vững.

Tích cực phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Nằm 2019, huyện Sông Mã đã hỗ trợ 18 xã theo Chương trình 135 với tổng số vốn gần 22 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất trên 4,6 tỷ đồng cho các dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; xây dựng 11 công trình thủy lợi, nhà văn hóa bản, lớp học với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng; gần 11,5 tỷ đồng để đầu tư mới 26 công trình thủy lợi, nhà văn hóa bản, nhà lớp học, cầu treo; duy tu bảo dưỡng 20 công trình giao thông, 3 công trình nước sinh hoạt, 1 cầu treo, 2 nhà văn hóa bản. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn 289/BDT-KH ngày 02/6/2017 của Ban Dân tộc tỉnh về việc rà soát, tổng hợp, phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách theo Đề án thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg giai đoạn 2017 - 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp các hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các bản  đặc biệt khó khăn và các xã khu vực III thiếu đất sản xuất. Qua rà soát, đã triển khai tới 92 hộ nghèo tại 13/18 xã vay vốn chuyển đổi nghề, mua đất sản xuất với số tiền 4 tỷ đồng. Hỗ trợ 33 hộ định canh định cư tập trung tại bản Co Dâu, xã Nậm Ty, với kinh phí 595 triệu đồng. Qua đó, bà con thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu cấu kinh tế theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3%/năm.

Trong thời gian tới, huyện Sông Mã cũng như các địa phương khác trên địa bàn Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh thực hiện các dự án, công trình, giải ngân các nguồn vốn đầu tư và thực hiện tốt công tác quy hoạch; tập trung các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất…

Trần Huyền