Thời sự
Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023
10:17 PM 24/01/2019
(LĐXH) - Ngày 24/1/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp trong các hoạt động an sinh xã hội nông thôn giai đoạn 2019 – 2023. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng tham dự và đồng chủ trì lễ ký kết.
Với vai trò là là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, Hội Nông dân Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong quá trình sát cánh cùng những bước phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong thời gian qua. Thể hiện sự gắn bó sâu sát với hội viên nông dân, kịp thời có những giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp hỗ trợ, từ cơ chế, chính sách cho đến tài chính và nhiều nguồn lực khác giúp người nông dân thoát nghèo, vượt khó, vươn lên, hợp tác bình đẳng hơn, nhất là với doanh nghiệp,...góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn cũng như trên phạm vi cả nước, nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đồng chủ trì Lễ ký kết
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ công tác giữa Bộ LĐ-TBXH và Hội Nông dân Việt Nam. Cụ thể, trong 5 năm qua, hai ngành đã phối hợp tích cực trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội ở nông thôn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đối với thanh niên; công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; công tác phòng chống tệ nạn xã hội; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ
Thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; ra Nghị quyết về tăng cường công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân giai đoạn 2011 - 2017; xây dựng đề án “Đào tạo nghề cho nông dân của Hội Nông dân Việt Nam đến năm 2020”; Xây dựng dự án “Dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi”; phê duyệt quy hoạch Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh.
Hằng năm, Trung ương Hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy định hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác giảm nghèo; bảo vệ chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng chống các tệ nạn xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; bảo trợ xã hội; tích cực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ; tháng “Vì trẻ em”; tháng “Vì người nghèo”; tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân…
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Thào Xuân Sùng phát biểu tại buổi lễ
  Kết quả, Hội đã đã tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dạy nghề từ Trung ương đến địa phương gồm: 01 trường Trung cấp nghề, 04 cơ sở dạy nghề khu vực trực thuộc trường và 54 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực thuộc các tỉnh, thành Hội. Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn cho cán bộ Hội Nông dân 25 tỉnh, thành phố; tư vấn lưu động cho hơn 2.000 nông dân; tư vấn thành lập trên 2.150 doanh nghiệp trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; Tổ chức được 781 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho 62.485 cán bộ Hội các cấp; Tổ chức 88.495 buổi tuyên truyền, vận động nông dân học nghề với trên 10 triệu lượt người tham gia. Hằng năm, các cấp Hội đã phối hợp và trực tiếp tổ chức tuyển sinh và dạy nghề được 220.188 người, trong đó tổ chức 10 lớp trung cấp ngành công tác xã hội cho 600 cán bộ hội, đào tạo 521 người học trung cấp nghề, 219.667 người học sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng.
Trong Chương trình Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, với nguồn vốn trên 66,9 nghìn tỷ đồng, Trung ương Hội đã chỉ đạo thành lập các nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát triển dự án quy mô nhỏ thành các dự án có quy mô lớn để từng bước cải thiện, giải quyết việc làm có hiệu quả  hơn.
Các đại biểu tại lễ ký kết
Trong công tác bình đẳng giới, hai bên đã phối hợp tổ chức hội thảo tại 3 khu vực (Bắc, Trung, Nam) cho 126 cán bộ chủ chốt của 63 tỉnh, thành đào tạo 62 cán bộ Trung ương Hội và 7 tỉnh dự án về kiến thức, kỹ năng truyền thông về giới, phòng chống bạo lực gia đình. Tổ chức 55 khóa đào tạo cho 5.720 cán bộ Hội các cấp; tổ chức 28 cuộc tọa đàm, hội thảo, giao lưu sân khấu hóa với sự tham gia của 5000  hội viên nam nông dân, cán bộ cơ sở. Các cấp Hội phối hợp tổ chức 50.628 lớp tập huấn cho 38.595 hội viên nông dân về công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người về bình đẳng giới, pháp luật về quyền của phụ nữ.
Thực hiện chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, các cấp Hội tổ chức 43.970 cuộc tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ cho 1.743.738 hội viên, nông dân; xây dựng 744 câu lạc bộ nông dân phòng, chống các tệ nạn xã hội với 22.630 hội viên, nông dân tham gia; cảm hóa, giáo dục, dạy nghề cho 70.410 người. Ngoài ra, công tác chăm sóc người cao tuổi cũng luôn được chú trọng với việc vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hội viên, nông có hoàn cảnh khó khăn, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.
Ngoài ra, vận động các cấp, ngành hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng và sửa chữa nhà ở, giúp đỡ các hộ nghèo về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, xây dựng được hàng vạn mô hình giúp hộ nghèo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo; Phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.279.100 hộ nghèo vay trên 1.800 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức 48 hội nghị đối thoại, phổ biến chính sách  Bảo hiểm xã hội; 05 Hội thi tuyên truyền chính sách BHXH với chủ đề “Nông dân với chính sách BHXH” dưới hình thức sân khấu hóa…
Lễ ký kết còn có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ LĐ-TBXH và Hội Nông dân Việt Nam
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngành LĐ – TBXH và Hội Nông dân cần làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ được sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm của các cấp Hội để các hoạt động phối hợp thật sự có hiệu quả, đúng tinh thần, mục đích phối hợp mà hai bên đã đề ra. Đồng thời, chủ động, tích cực tham mưu tổ chức thực hiện theo từng lĩnh vực, từng chuyên đề cụ thể theo lộ trình đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu các kế hoạch; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức phối hợp để triển khai thực hiện tốt Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo, trong đó đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực GDNN, giải quyết việc làm… góp phần vào việc thực thi các chính sách, chương trình, kế hoạch có hiệu quả, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Hà Giang