Văn hóa - Thể thao
Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”: Tái hiện những khoảnh khắc lịch sử của bộ đội Trường Sơn
04:49 PM 06/05/2019
(LĐXH) Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Báo Nhà báo và Công luận, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.
Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” là một biên niên sử tái hiện lại những khoảng khắc lịch sử bi hùng của Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, Công nhân giao thông, Dân công hỏa tuyến… trong 16 năm (1959 - 1975) đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử giao lưu trong chương trình.
Bằng các bài hát đã đi cùng năm tháng qua thể hiện của NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, như: Cô gái mở đường, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua, Em ở nơi đâu… chúng ta sẽ được sống lại hào khí Trường Sơn thời đánh Mỹ.
Bộ đội vượt dãy Trường Sơn đi cứu nước. Ảnh: Tư liệu
Ở phần 1Hào khí Trường Sơn”, khán giả sẽ được giao lưu với Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải của Binh trạm 37, Sư đoàn 470, Đoàn 559.
Đại tá Nguyễn Văn Mỗi cho biết, ra đời vào cuối tháng 3 năm 1966, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải tiền thân là Đoàn xe 90 mang biệt danh “Mũi tên xanh”, có hơn 100 xe gaz 63 hai cầu làm nhiệm vụ chở chuyến hàng đầu tiên từ Hà Nội vào Trường Sơn giao hàng tại bản Tà Xẻng phía Tây tỉnh Kon Tum gần ngã ba Đông Dương tháng 4/1966.
Từ Đoàn xe 90 làm nòng cốt, sau này, Đoàn 559 thành lập Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải trực thuộc Binh trạm 8 phục vụ chiến trường Đông Dương gồm mặt trận B2, B3, Nam Lào và Cam-pu-chia. Tuyến hoạt động của Tiểu đoàn 58 từ ngã ba Phi Hà đến Tà Ngâu (Cam-pu-chia) đường 49, đường 128A, đường 128B, 128C qua khu vực Tây Nguyên. Do yêu cầu nhiệm vụ, sau này, Tiểu đoàn 58 lại trực thuộc Binh trạm 37, Sư đoàn 470.
Suốt 10 năm (1966-1975) làm nhiệm vụ trên những cung đường quân sự làm gấp quanh co nhỏ hẹp, vượt qua nhiều dốc cao vực sâu, dưới thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa” có 10 trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch như đèo 32, dốc 200, ngầm Xê Xụ, ngầm 42, đèo Ang Bun… Tiểu đoàn 58 đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Khu vực hoạt động của Tiểu đoàn 58 được mệnh danh là “Rốn sốt rét của Đông Dương”, vì vậy có thời điểm tiểu đoàn bị sốt rét 100% quân số. Mùa mưa năm 1968, 1969 đường vận chuyển bị nước lũ bao vây và bị địch đánh phá rất ác liệt, bộ đội ta bị đói, mỗi ngày một người chỉ được 1 lạng gạo. Để duy trì sự sống, bộ đội phải vào rừng đào củ mài, củ chuối rừng, của dái ngựa đem về chế biến làm lương thực thay cơm. Bom đạn và nạn đói làm cho Tiểu đoàn 58bị tổn thất có lúc lên đến 60% quân số.
Tuy phải vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 58 vẫn kiên cường vươn lên trưởng thành trong chiến đấu. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã xuất hiện như Trần Văn Thắng, Hoàng Văn Thái, Cẩm Bá Đức, Nguyễn Văn Khang… Đặc biệt, ngày 31/12/1973, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
phần 2Người không hát tình ca”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được làm quen với chị Đỗ Thị Bình – Cựu chiến binh Trường Sơn và chị Mai Thị Thọ, Cựu chiến binh Trường Sơn, nạn nhân chất độc da cam.
Ở phần 3: “Thay lời tri ân”, thông qua phóng sự “Thay lời tri ân” khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Ban tổ chức trao 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”, Ban tổ chức sẽ tặng gần 180 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ kính phí xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc tại  ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Thảo Lan