Xã hội
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên: Vượt lên trở ngại đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới
04:05 PM 02/08/2019
Kỳ 1: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

(LĐXH)- “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” - Đó là “thông điệp” đậm chất nhân văn mà người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Hơn thế, đó còn là một phong trào thi đua nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo và trở nên khá giả, trong đó, đương nhiên có Điện Biên!


Với Điện Biên, theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh còn 57.214 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,14%) và 9.135 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,69%). Thống kê phân loại hộ nghèo của cơ quan chuyên môn, cho thấy, dân tộc Mông có số hộ nghèo cao nhất tỉnh (28.951 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,60% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Tiếp đến là dân tộc Thái với 20.174 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,26% tổng số hộ nghèo; dân tộc Khơ Mú có 3.052 hộ nghèo, chiếm 5,33%; các dân tộc thiểu số khác có 2.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,81% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Ngay như đồng bào dân tộc Kinh vẫn được tiếng là năng động trong phát triển kinh tế, cũng có 868 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,52% tổng số hộ nghèo.
Bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ vừa công bố hoàn thành xây dựng Nông thôn mới
Hẳn chúng ta đều biết, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng không chỉ là chủ trương lớn mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, được biết những năm qua cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội; thành tựu giảm nghèo của Điện Biên đã bước đầu được Chính phủ và cộng đồng ghi nhận và cổ vũ. Mới đây (ngày 8/7/2019), trả lời báo chí tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 5.214,25 tỷ đồng, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng lương thực ước đạt 128.580,1 tấn, giảm 0,72% so với thực hiện 6 tháng năm 2018, do thời tiết trong những tháng đầu năm nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít đã ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây lương thực. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt 47,2% kế hoạch, tăng 20,5% so cùng kỳ, cao hơn với kết quả giải ngân trung bình của cả nước. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp có chuyển biến rõ nét về mô hình và tính hiệu quả. Thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả tích cực, kêu gọi thu hút được các nhà đầu tư lớn đến đầu tư trên địa bàn. Du lịch thu được kết quả khả quan, lượng du khách đến Điện Biên tăng mạnh (tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 855,8 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018). Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến rõ nét...
Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Điện Biên, cho biết: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Tại thời điểm này, nói đến mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không gì cụ thể hơn, rõ ràng hơn là Chương trình NTM. Theo ông Lò Văn Tiến, cũng như các tỉnh biên giới trong cả nước, Điện Biên không chỉ thực hiện xây dựng xã NTM thông thường như các tỉnh khu vực đồng bằng, nội địa mà còn xây dựng NTM cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới với nhiều khó khăn đặc thù tại điểm xuất phát và cả trong quá trình triển khai. Thực hiện Quyết định số 1573/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, tỉnh Điện Biên có 29 xã biên giới thuộc 4 huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên và Mường Chà. Nhờ được ưu tiên nguồn lực đầu tư, đến nay nhiều xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn NTM.
Bà con dân tộc vùng biên giới Việt - Lào (huyện Nậm Pồ), phấn khởi khi nhận hỗ trợ vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt
Để cảm nhận rõ nhất thành quả sau hơn 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, chúng tôi lên Nậm Pồ - một huyện biên giới, vùng sâu mới thành lập, phần lớn cư dân là bà con dân tộc thiểu số với vô vàn khó khăn, nơi có hơn 95% dân số làm nông nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã triển khai chương trình xây dựng NTM với tinh thần nhập cuộc cao nhất. Được biết, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, lãnh đạo các cấp Hội Nông dân trong huyện tích cực về cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất mà hội viên nông dân được thụ hưởng. Qua phân tích nội dung các dự án trên địa bàn, Hội Nông dân huyện nhận thấy Chương trình 30a và Chương trình 135 giai đoạn III... có nhiều mục hỗ trợ cây, con giống cho nông dân. Tận dụng cơ hội, Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các phòng ban chức năng để triển khai chương trình với thời hạn nhanh nhất và hiệu quả cao nhất. Với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân các cấp chủ động mở các lớp tập huấn cho hơn 10.000 hội viên nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phát hiện và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hiệu quả trông thấy là những năm gần đây sản xuất nông nghiệp ở Nậm Pồ đạt con số ấn tượng, nông dân có nguồn thu ổn định từ các hoạt động nông - lâm nghiệp do chương trình NTM đem lại. Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết: "Thời gian tới, UBND huyện Nậm Pồ sẽ tập trung chỉ đạo nhằm phát huy cao nhất nguồn vốn đầu tư của Chính phủ. Việc công nhận xã NTM với Chà Nưa mới đây, đương nhiên là động lực và niềm tin giúp cán bộ và nhân dân các xã khác thêm quyết tâm phấn đấu”.
Từ kết quả làm việc với UBND huyện Nậm Pồ, chúng tôi có buổi làm việc với ông Lò Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh để tìm hiểu sâu hơn vai trò của các cấp Hội Nông dân tỉnh trong chương trình xây dựng NTM. Phó Chủ tịch Lò Văn Hoàn, cho biết: Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã vận động hội viên nông dân đóng góp hơn 40.000 ngày công xây dựng, tu sửa các công trình phúc lợi, làm mới, sửa chữa trên 50km đường dân sinh; xây dựng và sửa chữa 5.200m kênh mương nội đồng. Ngoài ra, các hộ nông dân còn hiến gần 15.500m2 đất, xây dựng hàng trăm mô hình vệ sinh môi trường nông thôn; giúp hộ nghèo sửa chữa và làm mới gần 100 nhà ở. Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp các ngành xây dựng bảy chuỗi liên kết sản phẩm trong nông nghiệp; giúp đỡ xây dựng một hợp tác xã dịch vụ tổng hợp thực hiện cánh đồng lớn với quy mô 30ha tại xã Thanh Yên (huyện Điện Biên). Tổng nguồn lực Hội Nông dân tỉnh huy động các cấp, các ngành và nông dân đóng góp hơn 60 tỷ đồng; giúp hàng nghìn nông dân từ nghèo khó vươn lên thành hộ có kinh tế khá và giàu, tích cực thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
Nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, mấy năm qua lễ hội té nước của dân tộc Lào (tỉnh Điện Biên) được phục dựng và thường xuyên trình diễn
Từ kinh nghiệm thực tế tham gia chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh, ông Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên, nhận xét: Nhìn chung công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng được lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy, họ thực sự làm chủ làng bản quê hương mình, mọi việc đều được người dân vào cuộc, từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện. Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững không gì khác nhằm tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn, bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc. Người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và cuối cùng chính họ là đối tượng thụ hưởng những gì mà Chương trình mang lại. Còn nhớ khi phác thảo quy hoạch tổng thể xây dựng Chương trình, bàn đến mục tiêu nào cũng thấy khó. Nhưng rồi như mọi người đều biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như các cơ quan hữu trách địa phương. Đến thời điểm này (tháng 7/2019), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 37,08%. Cải cách hành chính tiếp tục đạt kết quả tốt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; năm 2018 xếp hạng PCI của tỉnh tăng 1 bậc, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GRDP bình quân cả thời kỳ 2016 - 2030 đạt khoảng 7,2%/năm; tạo sự chuyển biến rõ nét và vững chắc về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GRDP của tỉnh; đến năm 2020 nông - lâm nghiệp khoảng 18,52%, công nghiệp - xây dựng 26,4%, dịch vụ 55,08%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tạo việc làm cho 7.800 - 8.200 lao động/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh đến năm 2020 còn 33%. Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nguồn nước, khoáng sản; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Điện Biên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Nhiều nơi, tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới 50%, cá biệt trên dưới 70%; xu hướng rõ rệt tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, biên giới, vùng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số hơn 110 chính sách (chính xác là 116 chính sách) đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không ít chính sách còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa tạo được sự khuyến khích người nghèo chủ động và hăng hái vươn lên thoát nghèo; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế; chưa phát huy được vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia các hoạt động giảm nghèo ở cơ sở; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo và nhất là thoát nghèo một cách căn cơ, thực chất và bền vững.
Trong niềm vui thành công, nhìn vào thành tựu của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Điện Biên, chúng ta càng vững tin về một tương lai trên cơ sở vừa kế thừa vừa sáng tạo, vừa tiếp tục hoàn thiện cái cũ, vừa bổ sung cái mới. Theo cách hiểu ấy, có thể ví các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo chính là niềm hạnh phúc cụ thể mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ưu ái đặt vào tay những người nghèo, là sự “nâng tầm” cho khát vọng vươn lên của cộng đồng 19 dân tộc trong tỉnh. Những gì Điện Biên đạt được trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đó là thành tựu của sự bền bỉ phấn đấu vượt lên những trở ngại đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, xa Trung ương, sản xuất hàng hoá chậm phát triển, mặt bằng dân trí thấp, trình độ cán bộ không đồng đều, đặc biệt có sự chênh lệch lớn giữa vùng thấp với vùng cao... Chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững định hướng đến năm 2020 của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, mặc nhiên được coi như sự chắp cánh cho ước mơ của người nghèo Điện Biên, tiếp tục bay cao lên nữa trên bầu trời no ấm, phồn vinh.../.
Chí Tâm

 (Còn nữa)