Thời sự
Chương trình Giao lưu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”
08:34 AM 04/04/2018
(LĐXH) - Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4/2018, tối 3/4, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Chương trình Giao lưu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu khai mạc buổi giao lưu.
Tham dự Chương trình Giao lưu còn có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cùng các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và thành phố Hà Nội; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo 701; các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Chương trình giao lưu
Huy động tối đa nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn
Phát biểu Lễ ra mắt Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam và Chương trình giao lưu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Mặc dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng hiện nay hậu quả nặng nề của chất độc hóa học và bom mìn vẫn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn môi trường sống trên nhiều vùng của đất nước ta. Nhiều người dân mất đi cuộc sống của mình, hoặc phải gánh nỗi đau, mất đi một phần thân thể, mất đi người thân. Chúng ta thực sự đau lòng khi đến thăm chứng kiến, cuộc sống của những người thương binh, bệnh binh, những cháu bé mang trên mình những thương tật bom mìn do chiến tranh để lại. Những hậu quả của tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học làm hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội và làm thách thức đối với thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban chỉ đạo 701 nhấn mạnh: Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc và có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong khắc phục hậu quả, đặc biệt hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh. Cùng với các nhóm giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn, bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam thực hiện rà phá bom mìn được 1.100 ha đất tại Hà Tĩnh và 32.200 ha tại Quảng Trị. Trong năm 2018 sẽ triển khai tại Quảng Bình và Bình Định bằng vốn viện trợ của chính phủ Hàn Quốc. Dự kiến, hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hết ô nhiễm bom mìn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mang lại bình yên cho cuộc sống.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phát biểu khai mạc đêm giao lưu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các cấp ngành, địa phương. Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của đồng bào chiến sĩ, các tổ chức, cá nhân trong cả nước, nhà tài trợ nước ngoài, tổ chức quốc tế đã từng chia sẻ nỗi đau, mất mát cùng chung tay giúp đỡ, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và vật nổ sau chiến tranh đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Lao động - TBXH, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình Giao lưu chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn do Liên hợp quốc khởi xướng từ năm 2005. Đặc biệt, Trung tâm Hành động quốc gia bom mình Việt Nam đã công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn giai đoạn 1 ở Việt Nam cho thấy rõ hơn hiện trạng, thách thức, sự cần thiết, cấp bách đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả tồn dư bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Xen lẫn Chương trình giao lưu là những tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước, con người Việt Nam
Với mong muốn không còn ai bị bỏ lại phía sau và Việt Nam không tồn dư bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế xã hội, tạo dựng môi trường an toàn cho người dân, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động để khắc phục hậu quả giảm nhanh đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học, khắc phục hậu quả, làm tốt công tác phòng chống tai nạn tích cực hỗ trợ nạn nhân. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo 701, cơ quan thường trực các Bộ, ngành, địa phương, phối hợp chặt chẽ, chủ động tham mưu đề xuất giải pháp, tổ chức thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với đại diện tổ chức nước ngoài bên lề Chương trình giao lưu
Cụ thể là, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe an toàn cho người dân, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi chất độc bom mìn, hóa học phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tiếp tục rà soát hoàn thiện chế độ, chính sách khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học nhất là về hỗ trợ y tế, việc làm cho nạn nhân và những người có liên quan; không ngừng chăm lo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ngày càng tốt hơn. Tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nước, các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động tối đa các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học cùng chung tay góp phần cải thiện điều kiện sống, hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng chống tai nạn bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh cho nhân dân.
Việt Nam còn hơn 6,1 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn
TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - TBXH) chia sẻ về hoạt động trợ giúp, những chính sách hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ tại Việt Nam
Theo kết quả điều tra, đánh giá tại 11.134 xã, phường của 63 tỉnh, thành phố tính đến tháng 12/2014, cả nước có 9.116 xã, phường còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở các mức độ khác nhau (chiếm 81,87%). Tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến thời điểm tháng 12/2017 là trên 6,1 triệu ha (chiếm 18,71%) diện tích đất cả nước. 63/63 tỉnh, thành phố đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ ô nhiễm khác nhau. 15 tỉnh có tỉ lệ diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất là: Quảng Ninh, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bình Định, Đà Nẵng, Tây Ninh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Quảng Trị.
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất (81,36%). Các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nhỏ, song diện tích đất ở vùng này chủ yếu là đồi núi, diện tích đất ở và canh tác ít, khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ tập trung vào diện tích đất ở, đất nông nghiệp nên cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng nhiều của bom mìn, vật nổ.
Loại đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nhiều nhất là đất thổ cư chiếm 94,7%; đất nông nghiệp chiếm 93,2%; đất mặt nước chiếm 80,5%. Đây là các loại đất mà hàng ngày người dân thường xuyên sinh sống và làm việc.
Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam
báo cáo kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ
Theo kết quả điều tra, trong 5 năm trước điều tra có 49/63 tỉnh có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Đã có 1.813 nạn nhân bom mìn, vật nổ, trong đó 919 người bị chết và 894 người bị thương. Tỷ lệ tử vong trong tổng số nạn nhân là 50,7%. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ là do việc tìm kiếm phế liệu (chiếm 31,19%), chơi đùa nghịch (chiếm 27,55%), tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi (chiếm  20,34%) số vụ tai nạn.
Bom mìn, vật nổ đã tác động đến tâm lý và đời sống, kinh tế của người dân. Nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương đã bị ảnh hưởng và  tăng chi phí bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ở những nơi còn sót lại càng nhiều bom mìn, vật nổ thì nguy cơ xảy ra tai nạn bom mìn càng lớn.
Đại diện một số tổ chức quốc tế và lãnh đạo tỉnh Hà Giang tham gia Chương trình giao lưu
Trong Chương trình Giao lưu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, những vị khách mời là đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương và một số tổ chức quốc tế đã chia sẻ về công tác rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ và những chính sách hỗ trợ nạn nhân trong thời gian qua. Đại diện các tổ chức quốc tế cũng khẳng định, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng hưởng sau chiến tranh tại Việt Nam.
Để hỗ trợ các gia đình, người dân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp chính thức mở cổng số dịch vụ nhắn tin 1403 từ 9 giờ ngày đến 17 giờ ngày 30/4, nội dung (cú pháp) tin nhắn BM, giá trị ủng hộ tin nhắn là 20.000 đồng/1 tin nhắn.

Chí Tâm