Xã hội
Chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ công tác xã hội
04:06 PM 27/01/2021
(LĐXH) - Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó. Trong thời gian qua, lĩnh vực công tác xã hội được quan tâm thực hiện với nhiều kế hoạch, chương trình, đề án.
Năm 2020, cùng với việc tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về công tác xã hội tại 2 miền Bắc, Nam trong các lĩnh vực đối với trẻ tự kỷ; công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi; quản trị công tác xã hội; đào tạo cán bộ quản lý trợ giúp xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại 3 miền Bắc, Trung và Nam; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại một số tỉnh, thành phố; phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các đoàn nghiên cứu, đánh giá và định hướng phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030.
Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội
Bên cạnh đó, còn phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo hoàn thiện hành lang pháp lý đào tạo thực hành công tác xã hội tại Hà Nội; phối hợp với Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương tổ chức tập huấn công tác xã hội trong phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em mầm non; phối hợp với Cục An toàn lao động tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động mức độ nặng nhọc, độc hại trong các cơ sở trợ giúp xã hội đối với cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; thẩm định, ban hành các chương trình đào tạo về công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho những cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên đang làm về lĩnh vực trợ giúp xã hội để phục vụ công tác quản lý, chăm sóc và trợ giúp đối tượng.
Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp, hỗ trợ các hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Hội, đoàn thể về công tác xã hội trong trợ giúp cho các đối tượng; phối hợp với Đảng ủy Bộ tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với các cấp ủy cho đội ngũ cấp ủy thuộc đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng ủy Bộ.
Phối hợp với các báo, đài, tạp chí truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường hiểu biết của xã hội và các cấp, ngành, các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển công tác xã hội tại Việt Nam. Phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp. Các cơ quan báo chí đưa hàng trăm tin, bài liên quan, sản xuất phóng sự, tọa đàm liên quan đến các chủ đề về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, công tác xã hội và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành phố không tự cân đối được ngân sách để tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, công tác xã hội…; tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Triển khai Dự án trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao/lao kháng thuốc tại cộng đồng do Quỹ toàn cầu Phòng chống lao hỗ trợ tại hai tỉnh Khánh Hòa và Hòa Bình; tổ chức tập huấn nghiệp vụ đối với lĩnh vực phòng chống lao...
Trong giai đoạn tới, trong lĩnh vực công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển công tác xã hội, đặc biệt phát triển công tác xã hội trong trường học, y tế, tư pháp, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nghiên cứu, xây dựng khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội, làm cơ sở để nhà nước, người dân thanh toán, trả phí dịch vụ đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội, công tác xã hội; quy hoạch trên 400 cơ sở bảo trợ xã hội hiện có thành các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu trợ giúp cho người dân có vấn đề.
Phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện, áp dụng ngạch, bậc lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và chế độ phụ cấp đặc thù khác đối với công chức, viên chức công tác xã hội phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, bảo đảm tương quan giữa các ngành nghề. Nghiên cứu, hoàn thiện tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và cải tạo cơ sở vật chất tại các sở trợ giúp xã hội; Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội. Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và ban hành chương trình đào tạo trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ về công tác xã hội và phương pháp đào tạo mới theo hướng hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học về công tác xã hội.../.
Hồng Phượng