Xã hội
Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo cho người khuyết tật
10:23 AM 17/05/2023
(LĐXH)- Người khuyết tật ngày càng được tạo điều kiện trong các hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có công tác giáo dục, đào tạo, qua đó giúp họ nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng.
Trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học giáo dục hòa nhập
Trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục NKT, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật như: Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia; thúc đẩy thành lập và việc hoạt động có hiệu quả của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương; Tiếp tục xây dựng và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho NKT và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
 Xây dựng và đưa vào sử dụng 50 Video bài giảng môn Toán và 100 Video bài giảng môn Tiếng Việt thông qua ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh Tiểu học; chỉ đạo việc chuyển đổi sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sang sách chữ nổi Braille để có các bản mẫu phục vụ cho học sinh khuyết tật nhìn; xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT, phụ huynh học sinh khiếm thính, người lớn khiếm thính về kỹ năng hỗ trợ học sinh khiếm thính học tập thông qua ngôn ngữ ký hiệu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và phương pháp nhận diện NKT trong giáo dục theo chuẩn quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý giáo dục NKT và luận cứ cho quy hoạch hệ thống các cơ sở chuyên biệt đối với NKT và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; hướng nghiệp, dạy nghề, phát triển kỹ năng đặc thù cho người có dạng, mức độ khuyết tật đơn lẻ đang được thực hiện; xây dựng mô hình can thiệp sớm, mô hình hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật tại gia đình và cộng đồng. Biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, cao học và Tiến sĩ giáo dục đặc biệt; xây dựng chương trình đào tạo sinh viên là người điếc và đào tạo trình độ cao đẳng cho người điếc; phát triển chương trình giáo dục học sinh khuyết tật trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng nhu cầu và khả năng học hòa nhập.
Cũng trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho 550 cán bộ quản lý và 2.100 giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông cốt cán cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố về quản lý và kỹ năng giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và một số kỹ năng về phát hiện sớm và hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập; bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Giáo dục đặc biệt cho 400 giáo viên tại các trường đại học và các địa phương; tập huấn xây dựng và vận hành phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại các trường tiểu học hòa nhập.
Ngoài ra, Hội Người mù Việt Nam mở được 55 lớp xóa mù chữ cho 390 hội viên, 35 lớp phổ cập tin học cho 350 người và 130 lớp cho 800 trẻ em, tặng quà và học bổng cho 99 em sinh viên khiếm thị.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với UNICEF tổ chức Hội thảo quốc tế, xây dựng tài liệu, tập huấn, xây dựng chính sách về Giáo dục hòa nhập; các trường đại học của Nhật Bản đào tạo học viên cao học về Giáo dục đặc biệt; GVI (Hoa Kỳ) tổ chức các đợt bồi dưỡng tập huấn hè; CBM Đức thực hiện Dự án xây dựng mạng lưới hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại tỉnh Quảng Ngãi; VietHeath thực hiện tập huấn cho giáo viên về can thiệp sớm; Trinh Foundation Australia đào tạo ngành Âm ngữ trị liệu,… Hội Người mù Việt Nam thực hiện dự án "Cung cấp trang thiết bị chữ Braille do Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ cho Trung ương Hội và 03 tỉnh (Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương); ký thỏa thuận hợp tác với Trường đại học quốc tế RMIT trong việc tuyển chọn và trao 01 suất học bổng toàn phần trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng cho người khiếm thị tham gia học tại trường Đại học RMIT; ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Siloam cho người mù - Hàn Quốc thực hiện dự án in ấn sách giáo khoa chữ nổi; phối hợp với UNDP triển khai dự án thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin cho NKT chữ in tại Việt Nam.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục đào tạo cho NKT, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện lập Quy hoạch và hướng dẫn thực hiện hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức hoạt động hiệu quả Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia; thúc đẩy thành lập và hoạt động hiệu quả Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại các địa phương, phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục; Tiếp tục xây dựng Hệ thống ngôn ngữ kí hiệu và Hệ thống chữ nổi Braille cho người khuyết tật; Tiếp tục thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sang sách chữ nổi Braille để phục vụ việc học tập cho học sinh khuyết tật nhìn; Nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và phương pháp nhận diện người khuyết tật trong giáo dục theo chuẩn quốc tế; Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật mầm non; hướng dẫn giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật các cấp học, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT./.
Hồng Phượng