Lao động
Cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm: Dự án nhỏ, hiệu quả lớn
02:01 PM 27/12/2017
(LĐXH)- Hàng nghìn mô hình khởi nghiệp thành công đã trở thành những “điểm sáng” từ đồng vốn trong chương trình cho vay giải quyết việc làm, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), nhờ đồng vốn tín dụng từ chương trình giải quyết việc làm, nhiều gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.
Trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Vốn chính sách đã giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Từ đồng vốn vay này, nhiều hộ dân có thêm điều kiện tăng gia sản xuất, thoát nghèo
Số liệu của Ngân hàng CSXH cho thấy, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015. Tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay tính từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đã tăng thêm 4.593 tỷ đồng (118% so với trước khi có Chỉ thị), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 8.485 tỷ đồng.
Sự chuyển động nhanh và mạnh của vốn tín dụng chính sách đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và người lao động đã và đang hiện hữu trong từng vùng quê Việt, giúp nhiều gia đình từ thiếu ăn đến có “của ăn của để”, có việc làm và thu nhập ổn định. Tiêu biểu là hộ của bà Phạm Thị Thọ ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). “Khởi nghiệp” từ 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo để chăn nuôi cùng vốn chương trình học sinh - sinh viên cho 3 con học đại học, cho đến 50 triệu đồng vốn vay hộ mới thoát nghèo, đến nay gia đình bà Thọ đã có 3 con bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gà đẻ trứng cùng một cửa hàng kinh doanh chè khô và mua chè thành phẩm của các hộ gia đình trong xã về chế biến và đóng gói, bán tại nhà.
Bà Phạm Thị Thọ cho biết: “Nhờ có nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi mà các con tôi đã được học đại học và nay có công ăn việc làm ổn định. Hiện cháu lớn đang phụ giúp mẹ tiếp tục nuôi em ăn học và tích luỹ trả nợ cho ngân hàng, gia đình cũng có được nguồn vốn để sản xuất kinh doanh”.
Những đồng vốn chính sách không chỉ đem đến cho người lao động có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tự tạo việc làm, mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con cái họ. Đến nay, doanh số cho vay chương trình tín dụng học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập đạt 59.318 tỷ đồng, với trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Chính sách tín dụng đối với đối tượng này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từ vốn vay
Theo Ngân hàng CSXH, nhằm giúp người nghèo và người lao động tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, Ngân hàng đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức mạng lưới đến tất cả các tỉnh, huyện. Đặc biệt là việc xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên 10.974 điểm giao dịch tại UBND các xã/phường. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền các địa phương thành lập gần 190 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, ấp, bản, làng.  
Theo đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương cho thấy, thời gian qua cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo chương trình quốc gia về giải quyết việc làm có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm. Các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất.
Đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng
Hệ thống Ngân hàng CSXH từ Trung ương đến địa phương đã được hình thành với mô hình hoạt động hợp lý, có sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó đã thực hiện rất tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Với cách làm này đã mang lại hiệu quả rất lớn từ việc sử dụng vốn của người dân và sức mạnh đồng vốn vay.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017 được tổ chức ngày 16/10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã được triển khai thành công với kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính được đảm bảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các chương trình tín sách khác, nhất là chính sách tín dụng từng bước được hoàn thiện, chất lượng tín dụng được nâng lên./.
Nguyễn Thìn