Xã hội
Chính sách tín dụng có ý nghĩa quan trọng trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật
02:37 PM 12/04/2018
(LĐXH) Hướng tới kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), ngày 12/4/2018, tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, số 02 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Quỹ Nippon Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật”.
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự Hội thảo, có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam; ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, cùng đại diện một số Bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp, cơ sở tiêu biểu trong hoạt động tạo việc làm cho người khuyết tật...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, trong đó có NKT. Chính sách đào tạo nghề cho NKT đã được xã hội hóa, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của NKT. Hội thảo là sự kết nối đầy cảm xúc của những tấm gương nghị lực sống và những tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ những người kém may mắn. Các đại biểu tham dự hội thảo ở các vùng miền, dân tộc, tôn giáo; đang học tập, công tác đại diện ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, khoa học… nhưng điểm gặp gỡ là đều cùng nghĩ về những điều tốt đẹp, về tình yêu thương, về sự vươn lên làm chủ cuộc sống của người khuyết tật.
Các đại biểu chủ trì hội thảo
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng biểu dương các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng NKT trên con đường hướng tới một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn; hoan nghênh Ngân hàng Chính sách xã hội và các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố đã dành tâm sức chuẩn bị chu đáo cho Hội thảo đầy ý nghĩa này. Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân cần tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ để giúp người khuyết tật học nghề, có việc làm trên cơ sở tiếp cận quyền con người theo tinh thần Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo tại hội thảo
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay, cả nước có khoảng 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Do tác động của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác, dự báo trong những năm tới, số lượng NKT nước ta sẽ tiếp tục gia tăng. Từ năm 2010 đến nay, Quốc hội đã thông qua 05 đạo Luật có quy định liên quan đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT, với những chính sách thiết thực nhằm tạo điều kiện trợ giúp NKT học nghề, tạo việc làm, cải thiện, nâng cao cuộc sống và hòa nhập xã hội. Các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng, rà roát, phê duyệt 4.355 lượt danh mục nghề đào tạo, 3.657 định mức chi phí đào tạo làm căn cứ thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn và đào tạo hòa nhập cho NKT. Kết quả, trong năm 2017, cả nước có khoảng 20.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm theo chính sách Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tại Quyết định 1956/QĐ- TTg. Hình thức đào tạo chủ yếu  là vừa học, vừa làm; kèm cặp nghề; truyền nghề theo cách “Cầm tay chỉ việc”. Các địa phương đã thí điểm một số mô hình doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề để tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc hoặc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm như: Mô hình doanh nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT; Mô hình cơ sở đào tạo (trường, trung tâm) tổ chức đào tạo nghề, doanh nghiệp tổ chức việc làm cho NKT sau khi học xong theo hợp đồng giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp; Mô hình cơ sở đào tạo (trường, trung tâm) tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của NKT và phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức của NKT hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức việc làm cho NKT.
Đồng hành với các cơ quan chức năng Nhà nước trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là các tổ chức xã hội, tổ chức của NKT. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giai đoạn từ 2012 -2017, ước tính mỗi năm, các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng chục ngàn NKT trong cả nước có việc làm.
Ông Nguyễn Văn Lý,  Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, để hỗ trợ tín dụng đối với NKT và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT, Ngân hàng CSXH đã cho các đối tượng này vay vốn thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm; Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho NKT- Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do NKT làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ và một số chương trình tín dụng khác. Tuy nhiên, từ năm 2014-2018, ngân sách Nhà nước không bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Quốc gia về việc làm để Ngân hàng CSXH cho vay giải quyết việc làm mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy, người lao động khuyết tật cũng không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, nhất là người mù gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn. Mặt khác, Chính phủ cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này dẫn đến tỷ lệ NKT được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp. Riêng trong năm 2017, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, Ngân hàng CSXH đã cho vay mới 4 dự án cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT và 2.363 dự án của NKT, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.540 lao động là NKT (hiện tổng số khách hàng vay là NKT khoảng trên 11.000 người).
Quỹ Quốc gia về việc làm đã phân bổ cho Hội Người mù Việt Nam quản lý trên 50 tỷ đồng. Năm 2017, đã cho vay mới 1.246 dự án, hỗ trợ tạo việc làm cho 1.282 NKT, giúp họ vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Đánh giá về hiệu quả chính sách tín dụng, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam cho rằng, chính sách tín dụng đối với các đối tượng chính sách khác và NKT đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp cho nhiều người lao động khuyết tật, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng lao động là NKT được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. NKT cảm thấy phấn khởi, không còn mặc cảm, tự tin làm ăn, hòa nhập với xã hội.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm của người khuyết tật sản xuất; Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nghề, tạo việc làm đối với NKT của các địa phương, tổ chức của/vì NKT./.
Một số hình ảnh trưng bày sản phẩm của NKT:
Hồng Phượng