Xã hội
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái
08:57 AM 05/11/2017
(LĐXH) - Sáng ngày 4/11/2017, tại TP.HCM, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng với Plan International Việt Nam tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội thảo.

Tham dự hội thảo có bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng, Vụ BĐG (Bộ LĐ-TB&XH) bà Lê Thị Lan Phương – Đại diện tổ chức UN Women; bà Lê Quỳnh Lan – Quản lý chương trình vùng Hà Nội, Plan cùng đại diện một số lãnh đạo sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh,TP.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ trân trọng sự hợp tác tích cực của ActionAid Việt Nam và Plan International Việt Nam trong việc triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái. "Với những nỗ lực chung đó, hy vọng những thành phố, đô thị hay làng quê trở nên an toàn hơn, thân thiện hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái sớm trở thành hiện thực và hy vọng rằng sau 1 ngày làm việc thì hội thảo sẽ thu được những kết quả tốt đẹp để chúng tôi sớm hoàn thiện những tiêu chí này để trình ban hành và triển khai chung trong toàn quốc”. Thứ trưởng Lan chia sẻ.

Mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái thuộc đề án phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu phát hiện, can thiệp và hỗ trợ can thiệp kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc. Qua đó, đến năm 2030 sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm tăng cường thực thi pháp luật và đảm bảo hệ thống dịch vụ về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực. Nhiệm vụ chính của đề án sẽ tập trung vào 4 nội dung là: Nâng cao nhận thức; Nần cao năng lực và trách nhiệm giải trình;Triển khai hoạt động phòng ngừa và dịch vụ mô hình hỗ trợ can thiệp.

Hiện nay đề án đã được triển khai và đạt được một số kết quả, trong đó, 38/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đề án; Nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực đã được thực hiện; Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cũng đã được triển khai.

Ký MOU giữa 3 bên là Bộ LĐ-TB&XH, ActionAid Việt Nam và Plan International Việt Nam.

Tại hội thảo, Bà Lê Thị Lan Phương - Đại diện tổ chức UN Women cũng đã chia sẻ về Sáng kiến điển hình toàn cầu về Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn với phụ nữ, trẻ em gái và kinh nghiệm triển khai chương trình thành phố an toàn ở 27 thành phố trên thế giới với nhiều nội dung như: Vấn đề an toàn và di chuyển của phụ nữ và trẻ em nơi công cộng; Sự quan tâm toàn cầu về sự an toàn và di chuyển của phụ nữ và trẻ em nơi công cộng; Các can thiệp hiện nay về an toàn và sự di chuyển của phụ nữ và trẻ em nơi công cộng; Sáng kiến điển hình toàn cầu của UN Women về thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái; Các hoạt động hỗ trợ chương trình thành phố an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM và thách thức nảy sinh từ các can thiệp về an toàn và di chuyển của phụ nữ và trẻ em gái.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng được chia sẻ kinh nghiệm về triển khai mô hình thành phố an toàn cho trẻ em gái của Plan và kinh nghiệm về triển khai mô hình thành phố an toàn cho trẻ em gái ở cộng đồng của ActionAid Việt Nam.

Tại hội thảo, cũng đã diễn ra lễ ký MOU giữa 3 bên là Bộ LĐ-TB&XH, ActionAid Việt Nam và Plan International Việt Nam.

                                                                                           Lê Việt