Lao động
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hiệu quả pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
07:20 AM 05/05/2017
(LĐXH) – Trong hai ngày 4 và 5/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ban thư ký ASEAN-OSHNET, Tổ chức lao động quốc tế ILO và Hiệp hội An toàn công nghiệp Hàn Quốc (KISA) tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hiệu quả pháp luật về ATVSLĐ”.
Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, ông Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO Hà Nội; Ngài Park Jong Sun – Giám đốc hành chính Hiệp hội an toàn công nghiệp Hàn Quốc; các đại biểu của Tổ chức Lao động quốc tế; đại diện của các quốc gia thành viên Mạng An toàn vệ sinh lao động ASEAN-OSHNET, Hiệp hội an toàn công nghiệp Hàn Quốc, Ban phòng ngừa công nghiệp mỏ quốc tế (ISSA-Mining) cùng các đơn vị có liên quan. 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch hành động của các quốc gia thành viên ASEAN về An toàn, vệ sinh lao động (ASEAN-OSHNET) giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN năm 2016 và Kế hoạch năm 2017 của Dự án “An toàn và sức khỏe cho người lao động – An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ” – GLO/14/20/USA. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ lần đầu tiên được Chính phủ Việt Nam phát động vào ngày 18/5/2017 tại Hà Nội đồng thời hưởng ứng Ngày Thế giới về ATVSLĐ (28/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5).
Ngày 25/6/2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật ATVSLĐ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Luật ATVSLĐ đã mở rộng đối tượng điều chỉnh với việc quy định người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Những đối tượng này chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong các làng nghề và hộ gia đình. Để đảm bảo quyền của người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động, các quy định của Luật cũng đã quy định về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động cũng như của Nhà nước, xã hội.
Hiện nay, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn, quy định về quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể: Nghị định quy định mức đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN và Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Theo kế hoạch, 02 Nghị định này dự kiến trình Chính phủ ban hành vào năm 2017 và 2018.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước về lĩnh vực ATVSLĐ là một trong những ưu tiên trọng tâm của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã có Luật ATVSLĐ. Những kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả Luật ATVSLĐ, kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách về quỹ bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là những nhiệm vụ trước mắt của các cơ quan Chính phủ hiện nay. 
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATLĐ điều hành hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hiệu quả Luật ATVSLĐ, các kinh nghiệm tốt ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong việc xây dựng chính sách và vận hành quỹ bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động trong khu vực phi kết cấu; thảo luận về kết quả thực hiện “Dự án toàn cầu về ATVSLĐ – ATLĐ cho lao động trẻ”. 
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Trong những năm qua, ILO, Hàn quốc và Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả nhiều dự án về ATVSLĐ, đặc biệt là hỗ trợ hoàn thiện hệ thống chính sách quốc gia và các hoạt động huấn luyện về ATVSLĐ của Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ ký kết Thảo thuận hợp tác MOLISA/KISA giai đoạn 2017-2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của hai tổ chức dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau thông qua việc sử dụng các khả năng và nguồn lực của các bên để thực hiện Thỏa thuận./.
Nguyễn Hiền