Xã hội
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các bài tập giải tỏa tổn thương về tâm lý - TRE
10:36 AM 04/10/2017
(LĐXH) Ngày 3/10/2017, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiẹm hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các bài tập giải tỏa tổn thương về tâm lý - TRE”.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH), Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Nam, thành phố Hà Nội cùng đại diện một tổ chức hội của người khuyết tật, tổ chức quốc tế.
Chía sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
thông qua các bài tập giải tỏa tổn thương về tâm lý (TRE).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Bà Sae Kani- Giám đốc tổ chức HAS chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các bài tập giải tỏa tổn thương về tâm lý (TRE). Theo đó, TRE là một sáng kiến về chuỗi bài tập đơn giản có thể hỗ trợ cơ thể con người giải tỏa căng thẳng và trầm cảm. Các bài tập này sẽ kích hoạt một cách an toàn cơ chế rung tự nhiên trên cơ thể, qua đó giảm căng thẳng và giúp hệ thần kinh trở nên ổn định hơn, Khi cơ chế rung cơ được thực hiện ở môi trường an toàn, cơ thể con người sẽ trở lại trạng thái sức khỏe cân bằng. Các đợt rung cơ từ các bài tập TRE làm tăng khả năng chống chịu cho cơ thể và tinh thần của con người nhờ khả năng giúp thư giãn sâu và giảm mức độ căng thẳng một cách tự nhiên thông qua hệ thần kinh. Nó có thể giúp giải tỏa căng thẳng ở các mức độ khác nhau do nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, tổn thương tâm lý do tai nạn giao thông.
Các đại biểu tham dự hội nghị
TRE đã được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng trên 35 nước trên thế giới. Trong thời gian gần đây, TRE được hướng dẫn để hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng từ thiên tai ở Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin... TRE không phải là cách can thiệp, hỗ trợ về tâm lý từ bên ngoài mà là theo cách tự nhiên của cơ thế (về mặt sinh lý, hệ thần kinh); không phải phương pháp dựa trên giao tiếp, nói chuyện. Chỉ cần tập 15 phút mỗi ngày, 3-4 lần/tuần để cảm nhận được lợi ích khi tập, không mất nhiều thời gian để học và thực hành. Đối với người khuyết tật, thì việc thực hiện các bài tập giải tỏa tổn thương về tâm lý TRE rất phù hợp, dễ học và có thể tập ở nhà một mình, hoặc tập theo nhóm. Luyện tập TRE thường xuyên không chỉ làm giảm căng thẳng, trầm cảm mà còn giúp hệ thần kinh linh hoạt và mạnh mẽ hơn, có thể ứng phó dễ dàng hơn với các tình huống căng thẳng.
Cũng tại hội thảo, đại diện Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Nam, thành phố Hà Nội đã chia sẻ một số kết quả sau khi áp dụng thực hiện TRE cho hội viên người khuyết tật. Đồng thời thảo luận định hướng thực hiện TRE tại Việt Nam.
Hồng Phượng