Lao động
Châu Sơn: Người lao động chấp hành nghiêm chỉnh hợp đồng lao động ký kết và về nước đúng thời hạn
10:04 PM 06/12/2017
(LĐXH) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải phóng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo; phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với các nước trên thế giới; đào tạo lực lượng lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, chuyên môn… Xã Châu Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội) đang đẩy mạnh các biện pháp, nhất là công tác tuyên truyền để hoạt động XKLĐ ngày càng có hiệu quả thiết thực hơn…
Nhiều ngôi nhà sang trọng xuất hiện trên đường xã Châu Sơn, huyện Ba Vì
Theo đánh giá của người dân, Châu Sơn thực sự thay da đổi thịt như ngày hôm nay chính là nhờ vào xuất khẩu lao động. Người Châu Sơn có truyền thống đi XKLĐ từ cách khoảng 20 năm. Hiện người Châu Sơn có mặt ở khá nhiều thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Malaysia và một số quốc gia thuộc thị trường Trung Đông, EU. Tuy nhiên,thị trường Đài Loan được lao động Châu Sơn ưa chuộng nhiều nhất vì mức thu nhập khá cao, từ 12 - 18 triệu đồng/tháng; công việc phù hợp với năng lực. Ở xã thuần nông Châu Sơn người nông dân làm cật lực thu nhập cũng chỉ vài triệu đồng/tháng. Công việc theo thời vụ khó giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. So với làm ruộng thì XKLĐ đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần, bởi vậy, ở Châu Sơn không hiếm trường hợp đi trên chục năm mới về, nhiều người đi 3-4 lần, có những gia đình có tới 2-3 người đi.. Tổng thu của xã năm 2010 đạt 42,2 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ XKLĐ chiếm tới 23,2 tỷ đồng.
Điểm sáng ở Châu Sơn trong hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ là có truyền thống đi làm việc ở nước ngoài từ lâu và có số lượng người đi nhiều mà còn vì Châu Sơn hiện nay không có tình trạng người lao động sang nước ngoài làm việc vi phạm hợp đồng, pháp luật tại nước sở tại hoặc đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Theo ông Lê Chí Năm, chủ tịch xã Châu Sơn, từ những năm 2012 trở về trước cũng có những trường hợp người lao động của xã đi lao động Hàn Quốc hết hạn hợp đồng trốn  ra ngoài không chịu về nước. Song từ năm 2013 đến nay, đa phần khi hết hạn hợp đồng làm việc họ đều trở về nước nghỉ ngơi một thời gian, sau đó có nhu cầu thì mới làm hồ sơ, thủ tục đi tiếp. Nhất là ở thị trường lao động Đài Loan, nhiều người trong xã Châu Sơn do chịu khó làm việc nên được chủ sử dụng yêu mến và mời sang làm tiếp với mức trả lương và thưởng rất tốt. Chính vì vậy,người Châu Sơn có tâm lý rất thoải mái, hết hạn hợp đồng là họ về nước, sau đó lại sang tiếp theo lời mời gia hạn hợp đồng.
Đối với thị trường lao động Hàn Quốc, xã Châu Sơn được tiếp cận với Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) bắt đầu từ năm 2007. Đến nay, toàn xã có khoảng 60  người đi xuất khẩu lao động theo chương trình EPS này và trong số này, chỉ có duy nhất 1 người trong xã đến nay bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp. Trong khi trên địa bàn huyện Ba Vì, vẫn còn nhiều xã có người thuộc diện hết hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp thì có thể nói đây là một kết quả tốt đẹp đáng biểu dương đối với Châu Sơn.Với thực tế này, Châu Sơn đã trực tiếp giúp cho công tác xuất khẩu lao động ở huyện Ba Vì ngày một tốt hơn, góp phần làm giảm lượng người khi hết hạn hợp đồng không chịu về nước, trốn ra ngoài làm việc. Hy vọng, trong tương lai không xa, điều này sẽ nhanh kết thúc và không làm ảnh hưởng trực tiếp đến những người đang có ý muốn đi XKLĐ ở Hàn Quốc nói riêng cũng như hoạt động XKLĐ của Ba Vì nói chung./.
Mỹ Hằng