Thời sự
Châu Âu chìm trong mùa đông lạnh giá bất thường
04:41 PM 11/01/2017
Trong những ngày qua, bão tuyết và giá lạnh bất thường ở châu Âu đã làm giao thông công cộng tê liệt và hàng trăm người vô gia cư, người tị nạn bị chết cóng. Nhiệt độ được dự báo có thể còn tiếp tục giảm.
Với thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt hơn tại châu Âu, các tổ chức cứu trợ kêu gọi các nước cần có biện pháp giúp đỡ người di cư, đặc biệt những người chưa được vào những trung tâm tị nạn chính thức.
Từ tháng 10-2016, trang tin “Principia Scientific International” đã gây chú ý với lời cảnh báo của nhà khí tượng học người Đức Dominik Jung: Mùa đông năm 2016-2017 sẽ “lạnh bất thường và lạnh nhất trong 100 năm qua”.
Đài phun nước tại Quảng trường St. Peter, Vatican, đóng băng. Ảnh: AP.
Theo ông Jung, nhiệt độ thấp nhất sẽ rơi vào các ngày trong tháng 1 và tháng 2. Đừng ai trông mong là băng sẽ tan vào tháng 3, tháng bắt đầu mùa xuân ở châu Âu. Nhà khí tượng học người Đức tiếp tục dự báo, phải đến tháng 4, châu Âu mới mong đón được ánh nắng ấm áp của mặt trời và chấm dứt tiết mùa đông khủng khiếp.
Nhà khí tượng học Joe Bastardi thuộc Cục Dự báo thời tiết AccuWeather cũng đưa ra dự báo tương tự: “Không khí sẽ rất lạnh bởi mùa đông sắp tới sẽ được đánh dấu bằng sự xuất hiện của khối không khí Bắc Cực tràn xuống phần lớn lãnh thổ châu Âu”.
Ngoài ra, một mối lo ngại lớn nữa là hoạt động mặt trời trong thời gian này được dự báo sẽ giảm đáng kể, kéo theo nhiệt độ giảm thậm chí thấp hơn mức bình thường. Elena Volosiouk, chuyên gia thời tiết tại Trung tâm Khí tượng Fobos nhấn mạnh: những biến động được dự báo trong chu kỳ mặt trời thật sự có tác động rất lớn đến mùa đông năm nay.
Quả đúng như dự báo, tuyết rơi dày đặc ở tây bắc châu Âu, bao gồm các quốc gia Bỉ, Pháp và Đức, đã gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, hàng nghìn người bị cắt điện và hàng trăm ô tô bị mắc kẹt trong tuyết. Tại một số khu vực, tuyết rơi dày tới 60 cm và tốc độ gió lên tới 100 km/giờ. Bão tuyết đã khiến chuyến tàu tốc hành Eurostar nối nước Anh với lục địa châu Âu phải dừng hoạt động.
Tại Đức, nhiệt độ đã xuống mức thấp nhất trong năm nay, có nơi có lúc xuống tới -20 độ C. Sân bay quốc tế Frankfurt ở Đức cũng phải đóng cửa tạm thời do tuyết rơi quá dày. Tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, không ít hành khách đã phải qua đêm tại những khu nghỉ tạm trong khi chờ đợi cất cánh.
Nhằm làm giảm sự căng thẳng của những hành khách bị chậm, lỡ chuyến, lãnh đạo sân bay Frankfurt đã cố gắng tổ chức nhiều hình thức giải trí tại chỗ như thuê những nhóm nhạc tài tử chơi nhạc trong sảnh chờ, người đi cà kheo đi lại khắp sân bay tặng bánh kẹo cho những hành khách nhí đi theo bố mẹ... Lúc đầu thì nhiều hành khách có vẻ hào hứng, nhưng càng về sau chúng biến thành những “màn tra tấn” vì những bản nhạc chơi đi chơi lại dễ làm người ta thêm sốt ruột và cáu bẳn.
Tại sân bay lớn nhất nước Bỉ, Zaventern, nhân viên Chữ thập đỏ chia thành các nhóm làm theo ca phân phối thực phẩm cho hành khách bị chậm chuyến. Cả đường hàng không, đường sắt và đường bộ tại Bỉ đã bị tê liệt trong suốt 2 ngày cuối tuần qua.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nước láng giềng Hà Lan. Tuyết rơi dày tại miền bắc nước Pháp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và vận tải hàng hóa. Tuyết trắng bao trùm cả thủ đô Paris. Một phần tư số chuyến bay thương mại xuất phát từ 2 sân bay lớn nhất nước Pháp là Charles de Gaulle và Orly đã bị hủy do điều kiện thời tiết bất thường. Nhiệt độ xuống thấp đến mức nhà cung cấp điện RTE phải cắt điện tại nhiều nơi do nhu cầu tiêu dùng điện năng (cho các thiết bị sưởi ấm và cung ứng nước nóng) tăng mạnh. Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến giới chức phải hủy bỏ tới 20% dịch vụ vận tải bằng tàu cao tốc tới miền Đông Nam.
Bà Bozena Wysocka, phát ngôn viên Trung tâm An ninh Chính phủ Ba Lan, nơi nhiệt độ có lúc xuống thấp nhất ở mức -14 độ C cho biết: “Riêng trong ngày 6-1 đã có 7 người chết. Chúng tôi cũng nhận được báo cáo về 3 nạn nhân khác vào ngày trước đó. Tổng cộng từ ngày 1-11 đến nay đã có 53 nạn nhân chết vì hạ thân nhiệt".
Tại Hungary, trong mùa đông này đã có ít nhất 80 người chết cóng, nhiều gấp đôi so với năm ngoái, đó là chưa kể đợt lạnh này. Theo số liệu từ diễn đàn xã hội, trong số người chết có nhiều người vô gia cư. Khoảng 30 người bị chết trong nhà mình, vì nghèo quá không đủ tiền để trang bị thiết bị sưởi ấm.
Quan chức cảnh sát Ba Lan tên là Dawid Marciniak cho biết: “Hiện chúng tôi đang phải đi giám sát các khu vực nơi những người vô gia cư hay đến. Chúng tôi phải hỏi thăm và đưa các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nếu cần thiết. Chúng tôi cũng sẽ đưa những người vô gia cư đến các trung tâm tiếp nhận”.
Tại Italy, giá rét trong 3 ngày qua khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 người vô gia cư, hai người mang quốc tịch Ba Lan - nhà chức trách địa phương cho hay. Tuyết rơi dày ở miền trung Italy và khu vực phía đông nam buộc một số sân bay phải đóng cửa. Cả những vùng hiếm khi có tuyết như Napoli và ở nhiều vùng ở miền nam nay cũng ngập trong sắc trắng của băng tuyết.
Hãng tin ANSA đưa tin: một số trường học ở miền nam Italy được lệnh đóng cửa hôm 9-1 vì tuyết không có dấu hiệu ngừng rơi và khiến một số khu vực bị chôn vùi. “Thần băng giá” viếng thăm thủ đô Rome và để lại dấu tích là các đài phun nước ở quảng trường Thánh Peter đông cứng trong đêm.
Thủ đô Prague của Cộng hòa Séc cũng ghi nhận 3 trường hợp tử vong do thời tiết lạnh giá. Nhiệt độ tại thủ đô Moscow của Nga, không ít ngày nhiệt độ xuống -30 độ C và như vậy thấp hơn 12 độ so với thông thường. Trong ngày 7-1, khi người Nga tổ chức lễ mừng năm mới theo Chính thống giáo, nhiệt độ xuống tới -40 độ C.
Tại thành phố St. Petersburg, nhiệt độ chỉ nhỉnh hơn một chút, dừng ở mức -24 độ C. Cảnh sát đã phát hiện một người đàn ông chết vì thân nhiệt sụt giảm. Người dân tại một ngôi làng phía đông nam Bulgaria hôm 6-1 tìm thấy thi thể hai người nhập cư Iraq trong một khu rừng trên núi. Nguyên nhân cái chết cũng có thể là do lạnh.
Nhiệt độ giảm xuống -7 độ C tại thành phố lớn thứ 2 của Hy Lạp Thessaloniki và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sâu trong những ngày tới. Một số hòn đảo của Hy Lạp,vốn được biết đến với thời tiết ấm áp và ánh nắng mặt trời cũng bị bao phủ bởi tuyết trắng, như trên đảo Kreta, vốn là nơi nghỉ mát được ưa thích.
Nhiều thành phố đã quyết định mở cửa các phòng công cộng, các nhà ga tàu điện ngầm có hệ thống sưởi cho những người vô gia cư vào trú ngụ. Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình hình đang trở nên đáng báo động đối với những người di cư đang bị mắc kẹt trên các hòn đảo của Hy Lạp trong thời tiết hiện nay.
Người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Adrian Edwards cho biết: “Hiện chúng tôi rất lo ngại. Tình hình tại Samos, Chios và Lesvos là nghiêm trọng nhất. Tại Samos có khoảng 700 người, bao gồm cả trẻ em và những người dễ bị ảnh hưởng. Họ đang phải ở trong các trung tâm tị nạn không có lò sưởi”.
Tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyết rơi dày tới 65 cm làm giao thông thành phố bị tê liệt, khoảng 400 chuyến bay đã bị hủy trong ngày 6 và 7-1 ở sân bay Istanbul. Giao thông đường thủy bị phong tỏa ở eo biển Bosporus. Hãng tin Dogan cho biết, một trong những tuyến đường cao tốc chính của Istanbul còn bị biến thành một bãi đậu xe bất đắc dĩ sau khi nhiều tài xế quyết định bỏ xe lại hôm 6-1 và đi bộ về nhà thay vì “chiến đấu” với tuyết và những con đường trơn trượt.
Với thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt hơn tại châu Âu, các tổ chức cứu trợ kêu gọi các nước cần có biện pháp giúp đỡ người di cư, đặc biệt những người chưa được vào những trung tâm tị nạn chính thức. Những khối không khí lạnh từ cực Bắc, khu vực Bắc Âu, tràn xuống Trung Âu là nguyên nhân của đợt lạnh vừa qua, và dự kiến sẽ còn kéo dài trong những ngày tới. Giới chức các nước cảnh báo, số người thiệt mạng sẽ còn tăng cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này.
Theo An ninh thế giới