Xã hội
Chăm sóc người cao tuổi và những giải pháp phát triển CTXH ứng phó với già hóa dân số ở Việt Nam
10:38 AM 14/01/2019
Việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và hoàn thiện các chương trình cung ứng dịch vụ CTXH trong chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết nhằm đảm bảo an sinh và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.
Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm  khoảng 11,95%  dân số). Trong số đó, có khoảng  gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi); có 5.734.900 NCT là nữ (chiếm gần 50,7%); 7.293.600 NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64,4%). Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo khoảng 25% (năm 2016) và tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo đa chiều chiếm 23,2% (năm 2017).
Tuổi thọ trung bình của nước ta sẽ lên tới 78 tuổi  vào năm 2030
Tuổi thọ trung bình của nước ta đã tăng từ 68,6 tuổi (1999) lên tới 73,2 tuổi (2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số (tức là chuyển từ giai đoạn “đang già”sang “già”) – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí  đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.
Cũng theo Tổng cục Thống kê (2016), chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, tức là thời điểm mà Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Nếu năm 2009 có 7 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 NCT thì đến năm 2034 là 3 người và đến năm 2049 chỉ còn 2 người. Dự báo của Tổng cục Thống kê (2016) cũng cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) của Việt Nam sẽ vào khoảng 16,5% vào năm 2030 (tương đương với 16,98 triệu người) và 24,9% vào năm 2050 (tương đương với 26,79 triệu người).
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Trong đó, đã nhiều  văn bản chính sách quy định chi tiết và hướng dẫn trợ giúp NCT, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc văn hóa tinh thần, chúc thọ, mừng thọ, TGXH, phụng dưỡng NCT, phát huy vai trò NCT và quản lý hoạt động của các cơ sở chăm sóc NCT. Văn bản ban hành bảo đảm tính thống nhất và phù hợp theo quy định của Luật. Đồng thời cũng đã đáp ứng tiến độ, chất lượng, quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCT.
Tuy nhiên, cùng với quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của NCT ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống ASXH nói chung và hệ thống chăm sóc NCT nói riêng. Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2016 (Bộ Y tế và Nhóm đối tác y tế, 2018) cho thấy nhiều NCT sống cùng bệnh tật trong một thời gian lâu dài, dẫn đến tăng những khó khăn về chức năng thể chất, trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày (ADL) và trong các hoạt động hỗ trợ cuộc sống hằng ngày (IADL). Khoảng 54,6% người khuyết tật là người từ 60 tuổi trở lên và hơn hai phần ba NCT gặp ít nhất một khó khăn về vận động (phổ biến là ngồi hoặc ngồi xổm, bước lên hoặc xuống cầu thang, đứng dậy khi đang ngồi), và gần 38% NCT gặp ít nhất một khó khăn trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày, lên hơn 50% ở nhóm 80 tuổi trở lên. Thực tế này đòi hỏi cần có sự chăm sóc thường xuyên để duy trì các hoạt động hằng ngày cho NCT ở gia đình và cộng đồng. Dự báo cho thấy, số lượng và tỷ lệ NCT cần chăm sóc do bị ảnh hưởng bởi ít nhất một chức năng thể chất hoặc tinh thần sẽ tăng từ 2,5 triệu người vào năm 2019 lên tới hơn 10 triệu người vào năm 2049, trong đó tỷ lệ người ở độ tuổi cao (từ 80 trở lên) chiếm tỷ trọng trong số người cần chăm sóc càng lớn.   
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 2.239.994 NCT đang được hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; 1.617.367 NCT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 1,4 triệu NCT hưởng trợ cấp người có công; khoảng 10.000 NCT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hơn 1,1 triệu NCT được chúc thọ, mừng thọ; và 10.362.769 NCT có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 91,6% tổng số NCT).
Trong tương lai gần, nước ta sẽ có hàng triệu người cao tuổi cần đến sự hỗ trợ xã hội với các nhu cầu đa dạng
Đến nay mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập, gồm 32 cơ sở chăm sóc NCT, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 102 cơ sở tổng hợp, 31 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 40 trung tâm công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 42.000 đối tượng bảo trợ xã hội, cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cho hàng chục ngàn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, ngân sách nhà nước đều chi cho các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong tương lai gần, nước ta sẽ có hàng triệu người cao tuổi cần đến sự hỗ trợ xã hội với các nhu cầu đa dạng. Mục tiêu của chúng ta là ứng phó hiệu quả và bền bững với các vấn đề già hóa dân số của Việt Nam thông qua hoàn thiện cơ sở pháp luật để phát triển hệ thống chăm sóc xã hội toàn diện, phát huy vai trò của NCT, bảo đảm quyền của NCT, đặc biệt là NCT yếu thế theo quy định của pháp luật; đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của NCT Việt Nam, giảm áp lực chăm sóc NCT đối với cá nhân, gia đình. Theo đó các giải pháp trọng tâm cần thực hiện là: Cải tiến phương thức quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cụ thể: Hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi , Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi; Bên cạnh đó, thí điểm các mô hình chăm sóc người cao tuổi toàn diện tại một số tỉnh/thành phố, gồm: cơ sở trợ giúp xã hội công lập; cơ sở trợ giúp xã hội do tư nhân đầu tư; hợp tác công tư; cơ sở chăm sóc người khuyết tật, tâm thần; cơ sở do Bảo hiểm xã hội đầu tư. Các mô hình đều có điểm chung là hỗ trợ chăm sóc NCT tại gia đình và cộng đồng, phát huy vai trò của NCT; Tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT, trong đó: Đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người cao tuổi. Phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chăm sóc xã hội và công tác xã hội với người cao tuổi../.
Mỹ Hạnh