Xã hội
Chăm sóc, điều dưỡng người có công - nhiệm vụ quan trọng trong chính sách ưu đãi người có công ở Hà Tĩnh
04:16 PM 06/06/2022
LĐXH - Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ. Hằng năm, được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Lao động – TBXH, Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều dưỡng, chăm sóc người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm, cùng góp phần chăm lo đời sống cho người có công, gia đình chính sách

Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh được thành lập tháng 9/1999. Hơn 20 năm qua, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng cho trên 40.000 lượt người có công với cách mạng của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bình quân hàng năm, trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 130 lượt đối tượng là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật cô đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.Trung tâm đã trở thành mái nhà chung ấm áp, chia sẻ và vun đắp tình yêu thương cho những cảnh đời khó khăn trong xã hội. Hiện Trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 100 đối tượng, trong đó: 1 Mẹ Việt Nam anh hùng, 12 thương binh, vợ, con liệt sĩ; 28 người khuyết tật nặng; 60 cụ người cao tuổi. Hầu hết thương, bệnh binh ở đây đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm trên 81% sức lao động, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vào sự chăm sóc giúp đỡ của các cán bộ y, bác sĩ. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng luôn được Trung tâm triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đáp ứng nhu cầu về đời sống, sinh hoạt của đối tượng; thường xuyên quan tâm đến chế độ, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng như ăn, ở, sinh hoạt, rèn luyện và phục hồi chức năng. Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điều kiện, cơ sở vật chất trung tâm đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Hàng ngày, theo lịch trực, đều có cán bộ, nhân viên trung tâm thăm khám người bệnh. Qua từng năm, tuổi tác của các thương, bệnh binh ở đây ngày càng cao, những bệnh nền về huyết áp, tim, gan, thận cũng tăng theo. Trong những đợt bệnh nặng phải lên tuyến trên điều trị, Trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh, người có công có sức khỏe tốt nhất.

Khoảnh khắc vui vẻ của các bác người có công trong các đợt điều dưỡng tập trung

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã dần được kiểm soát Trung tâm tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai kế hoạch đón điều dưỡng trong tình hình mới. Theo kế hoạch, năm nay, trung tâm sẽ đón 32 đoàn với 3.350 người có công đến điều dưỡng tập trung, mỗi đợt điều dưỡng tập trung trong 5 ngày. Đến thời điểm này, trung tâm đã điều dưỡng tập trung cho 3 đoàn với 278 người có công của huyện Lộc Hà, Thạch Hà và thị xã Hồng Lĩnh. Với khuôn viên xanh, sạch, đẹp cơ sở vật chất tương đối hiện đại, đầy đủ tiện nghi với gần 50 phòng có khả năng điều dưỡng quy mô hơn 120 người mỗi đợt. Trung tâm có các khu chức năng riêng như khu vật lý trị liệu, xông hơi, bể sục hiện đại, điện xung, khu vui chơi văn nghệ, thể thao... Ngoài những hoạt động thường xuyên trong mỗi đợt điều dưỡng như chăm sóc sức khỏe, phục vụ bữa ăn, việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, thể thao trở thành nét mới được các đoàn điều dưỡng đánh giá cao, như tổ chức các giải cờ tướng, bóng chuyền hơi, giao lưu văn nghệ... Trong đợt các bác còn được nghe nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế, thông tin về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về người có công; tư vấn chăm sóc sức khỏe. Họ thực sự có được những giây phút hạnh phúc ấm tình đồng đội. Đặc biệt trong đợt điều dưỡng này nhiều bác rất toại nguyện khi được Trung tâm tổ chức tham quan Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc.

Chiến tranh đã đi qua nhưng giá trị của những đóng góp và cống hiến mãi trường tồn với thời gian. Tri ân với quá khứ, có trách nhiệm với hiện tại cũng chính là đạo lý của dân tộc được cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh hướng tới. “Mỗi cán bộ, nhân viên trung tâm luôn chăm sóc người có công như chăm sóc ông bà, cha mẹ của mình, để mỗi đợt về điều dưỡng tại đây, người có công như được trở về chính ngôi nhà của mình, vơi bớt những nỗi đau thể xác, tinh thần phấn chấn hơn để vươn lên, sống vui, sống khỏe, trở thành điểm tựa tinh thần cho con, cháu và thế hệ trẻ hôm nay", ông Phạm Khánh Mười, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ./.

Trần Huyền