Xã hội
Chăm lo Trung thu cho trẻ em trong điều kiện ứng phó với đại dịch
11:21 AM 19/09/2021
(LĐXH) - Thường niên, ngay từ giữa tháng Bảy âm lịch không khí chờ đón Tết Trung thu đã sôi động khắp phố phường, mọi vùng miền. Trẻ con háo hức và trông chờ trông trăng, phá cỗ…

Trung thu năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương không tổ chức tập trung “Đêm hội Trăng Rằm” như hàng năm. Thay vào đó là các hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Thường niên, ngay từ giữa tháng Bảy âm lịch không khí chờ đón Tết Trung thu đã sôi động khắp phố phường, mọi vùng miền. Trẻ con háo hức và trông chờ trông trăng, phá cỗ… Năm nay, với bối cảnh đại dịch, chúng ta càng cần đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, Trung thu đang cận kề nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước - nơi đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, phố phường trở nên vắng vẻ khi toàn dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mọi người. Dù vậy, để tuổi thơ con trẻ luôn đầy ắp niềm vui của một mùa trung thu, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư và mỗi gia đình đều đang cố gắng chăm chút cho các hoạt động trung thu phù hợp với tình hình thực tế

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, các hoạt động tổ chức Tết Trung Thu năm nay bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, những chương trình thăm hỏi, tặng quà như bánh kẹo, đồ chơi… cho trẻ em tại các "vùng xanh," vùng an toàn không có dịch vẫn diễn ra để các em cảm nhận được không khí Tết Trung thu. Đoàn Thanh niên và các địa phương sẽ phối hợp xây dựng các sân chơi văn hóa, nghệ thuật dưới hình thức trực tuyến hoặc tặng quà động viên cho trẻ em tại khu cách ly, nơi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg... nếu điều kiện cho phép. Hạn chế tới mức tối đa hoạt động đông người, nhưng không vì thế mà không tổ chức Trung thu cho các em.

Ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, nhiều hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em tại các khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có cha, mẹ mất vì COVID -19 hay con em cán bộ y tế tuyến đầu, con thanh niên công nhân… đã được các đơn vị, tổ chức từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhằm mang tới cho các em những món quà ý nghĩa để đón Tết Trung Thu trong điều kiện đầy đủ nhất có thể.

Các tổ chức, đoàn thể đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương thăm và tặng quà Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Trong những ngày qua, Hội đồng đội Trung ương phối hợp với các đơn vị đã tổ chức Chương trình "Trung Thu cho em-Lồng đèn thắp sáng ước mơ", đã trao tặng hơn 1.000 suất quà (gồm bánh kẹo, sữa, lồng đèn) cho thiếu nhi là con thanh niên công nhân khu công nghiệp và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại một số địa phương để đem tới một mùa vui trọn vẹn cho các em.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động trao quà cho các em thiếu nhi không thể tổ chức tập trung. Bên cạnh những suất quà được trao trực tiếp, Hội đồng Đội Trung ương, Hội đồng Đội các tỉnh, thành sẽ ủy quyền cho Đoàn, Đội các cấp trao quà tới các em. Tất cả các hoạt động diễn ra đều hướng tới mong muốn  giúp các em thiếu nhi được vui trung thu, cố gắng khắc phục khó khăn do dịch bệnh vươn lên học tập tốt. Các hoạt động sẽ được triển khai tới ngày 21/9, với mục tiêu tặng quà cho khoảng 10.000 thiếu nhi tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Bên cạnh những hoạt động trao tặng quà, nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, đón Trung thu trực tuyến cũng được nhiều đơn vị tổ chức nhằm góp phần giải tỏa tâm lý, nâng cao đời sống tinh thần cho các em thiếu nhi và gia đình, giúp mọi người luôn vững tin vượt qua những khó khăn trong đại dịch.

Tặng quà cho trẻ em ở huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên)

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đặc biệt là trẻ em là con lực lượng tuyến đầu chống dịch, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh việc phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc chăm lo cho trẻ em, nhất là bảo đảm an toàn, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ trong bối cảnh giãn cách xã hội dài ngày.

Về tổ chức các hoạt động Tết Trung thu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu tổ chức phù hợp với tình hình địa phương, đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường nội dung, thời lượng, chương trình, sân chơi dành cho trẻ em trên các phương tiện thông tin, truyền thông và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào dịp Tết Trung thu.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu công tác tổ chức Trung thu phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, độc hại, đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em…

Đăng Doanh