Lao động
Cần cân bằng gữa công việc và gia đình trong thời gian dịch bệnh Covid - 19
11:21 AM 24/09/2021
(LĐXH) – Ngày 23/9/2021, Adeco Việt Nam cho biết: Khảo sát mới nhất của Adecco Việt Nam mang đến cái nhìn cận cảnh về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của các bậc cha mẹ đang đi làm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cũng như cách nhìn nhận của họ về việc quay trở lại làm việc. Kết quả khảo sát được tư vấn bởi các chuyên gia trong ngành nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp.


Về cuộc khảo sát
Adecco Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn quốc vào tháng 8 năm 2021 về chủ đề “COVID-19: Cha mẹ đi làm nói gì?” với 390 người tham gia.
51% số người tham gia khảo sát là các ông bố đi làm và 38% là các bà mẹ đi làm. Hầu hết trong số họ đang giữ các vai trò Quản lý hoặc Trưởng bộ phận (41%), Nhân viên có kinh nghiệm hoặc Cấp cao (22%), và Lãnh đạo hoặc Giám sát (16%).
Kết quả khảo sát nhấn mạnh rằng các bậc cha mẹ đi làm đang kiệt sức để sắp xếp công việc và gia đình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, sự đồng cảm và hỗ trợ từ phía người sử dụng lao động là rất cần thiết để các phụ huynh đi làm tiếp tục gắn bó, làm việc hiệu quả và phát triển lâu dài.
Ông Chương Nguyễn, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Văn phòng TP.HCM, Adecco Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng chia sẻ: việc xây dựng một nơi làm việc tuyệt vời với các bậc phụ huynh bắt đầu ngay trong giai đoạn tuyển dụng. "Quy trình tuyển dụng không nên phân biệt tuổi tác hoặc tình trạng gia đình, nghĩa là các gạch đầu dòng như ‘ưu tiên độ tuổi 25-35 hoặc độc thân nên được loại bỏ. Điều này sẽ tạo ra một nơi làm việc đa dạng với cả nhân viên độc thân và đã kết hôn". Ông cũng đề xuất thêm các phương thức khác để củng cố một môi trường thân thiện với gia đình, “Ngoài một số lợi ích nhất định như chế độ làm việc linh hoạt vốn có thể áp dụng cho mọi nhân viên, người sử dụng lao động có thể xem xét thêm các phúc lợi đặc biệt hướng đến các cha mẹ đi làm như là trợ cấp chăm sóc trẻ em, quà tặng cho Ngày Thiếu nhi, hoặc chế độ nghỉ phép riêng cho cha mẹ. Đồng thời, bộ phận Nhân sự có thể đưa các chủ đề liên quan đến gia đình vào các sự kiện của công ty để thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của các bậc cha mẹ đi làm. Khi bước vào “bình thường mới”, doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện như ngày gia đình hoặc các đợt thăm văn phòng dành cho các bé”.
Các phát hiện chính
Cuộc khảo sát cũng cho thấy có 40% người tham gia nói rằng họ có “khối lượng công việc nhiều hơn trước”, 48% phải thay đổi thói quen làm việc hàng ngày và 41% cần làm việc ngoài giờ hành chính để hoàn thành trách nhiệm công việc và gia đình.
Ngoài ra, có hơn một phần tư số cha mẹ đi làm bị kiệt sức khi cố gắng cân bằng công việc và gia đình, phổ biến với các bà mẹ hơn so với các ông bố (tương ứng là 28% và 22%); Có tới 25% các ông bố đi làm bị cắt giảm lương, cao hơn nhiều so với 12% các bà mẹ đi làm. 29% các ông bố thậm chí còn xem xét lại mục tiêu nghề nghiệp của họ; Các bà mẹ đi làm căng thẳng hơn trong các vấn đề về sự an toàn và sức khỏe của gia đình, việc thiếu người chăm sóc con cái, và vấn đề mua sắm hàng hóa. Trong khi đó, các ông bố lo lắng hơn về tình trạng tài chính, sự đảm bảo và triển vọng công việc, cũng như mối quan hệ với bạn đời.
Các ông bố cảm thấy thoải mái hơn so với việc các bà mẹ khi thảo luận về những thách thức của các bậc cha mẹ đi làm tại nơi làm việc; Hiện nay bố mẹ đi làm dành trung bình 23.2 giờ mỗi tuần cho việc nhà và chăm con, tăng 6.3 giờ so với trước đây. Các bà mẹ đi làm dành thêm 7.3 giờ mỗi tuần cho những việc này, từ 19.5 giờ tăng lên 26.8 giờ mỗi tuần. Với các ông bố thì mức tăng là 5.3 giờ, từ 15.2 lên 20.5 giờ mỗi tuần.
Khảo sát cũng phát hiện có khoảng 38% các bà mẹ đi làm nhận thấy sự san sẻ cân bằng trong việc nhà, trong khi 50% các ông bố có nhận định này. 39% các bà mẹ đi làm nói rằng họ chịu trách nhiệm chính về việc nhà, trong khi chỉ có 11% các ông bố có cùng suy nghĩ.
Khảo sát cũng chỉ hơn một phần ba số doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ dành cho bố mẹ đi làm. Bố trí làm việc linh hoạt là hình thức phổ biến nhất (54%). Một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp chia sẻ thông tin rõ ràng về kỳ vọng trong công việc (13%), cung cấp các chương trình sức khỏe tâm thần và sức khỏe chung (12%), và trao đổi/chia sẻ thường xuyên với các bậc cha mẹ (8%).
Bên cạnh đó, chế độ làm việc linh hoạt vẫn là điều được mong đợi nhất với gần 48% người tham gia khảo sát. Tiếp theo đó là trợ cấp chăm sóc trẻ em (35%), các chương trình sức khỏe tâm thần và sức khỏe chung (30%), thêm ngày nghỉ hưởng lương (26%), và thông tin minh bạch về kỳ vọng công việc (25%); 26% các bà mẹ và 23% các ông bố đi làm chia sẻ rằng việc quay lại văn phòng sẽ là một trải nghiệm "khá khó khăn" hoặc "rất khó khăn".
Cha mẹ đi làm gặp phải những nỗi lo nhất định khi trở lại làm việc. 56% coi nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 là mối quan tâm hàng đầu. 36% lo ngại về những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày và 27% sợ mất đi tính linh hoạt trong công việc. Một số vấn đề khác được nhắc đến là việc thay đổi thói quen sinh hoạt của con cái (27%), sắp xếp lại việc chăm sóc trẻ (24%) và nhớ con (20%); có 71% phụ huynh đi làm mong đợi mô hình làm việc kết hợp (vừa làm tại chỗ vừa làm từ xa) khi quay lại văn phòng.
Để giải thích điều này, bà Vân Hồ, Giám đốc Quốc gia, Sandoz Việt Nam, chỉ ra rằng văn hóa truyền thống là nguyên nhân chủ chốt. “Hầu hết mọi người vẫn coi việc chăm sóc con cái và nội trợ là nhiệm vụ của phụ nữ. Công việc vất vả này được coi là đương nhiên và được chấp nhận ở cả hai giới qua bao thế hệ. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc kiếm tiền giữa nam và nữ không còn quá khác biệt, cộng với quan niệm phụ nữ Việt Nam vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà càng khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn”.
Mặt khác, các ông bố đi làm cũng gặp phải các vấn đề riêng. Khảo sát cho thấy những ông bố trải qua nhiều biến động hơn trong công việc. Đáng chú ý, hơn 33% người tham gia cho biết họ cảm thấy mất kết nối với nhóm và công ty của mình. Các vị trí Quản lý điều hành (cấp cao) là đối tượng gặp phải điều này nhiều nhất so với các cấp bậc khác (41%).
Còn theo Ông Eric Asato, Tư vấn Hướng nghiệp/Quyền Giám đốc, bộ phận Tư vấn & Phát triển Nghề nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ với chúng tôi nhiều lời khuyên thực tế từ kinh nghiệm của bản thân để duy trì hiệu suất và tinh thần tích cực trong thời điểm hiện nay. Ông giới thiệu về Kỹ thuật Pomodoro, tức việc hoàn thành một nhiệm vụ duy nhất trong 25 phút sau đó dành 5 phút nghỉ ngơi. “Bạn có thể đạt được hiệu suất tốt khi tập trung 25 phút liên tục, dù cho đó là việc nhà hay việc ở công ty”, ông tiếp tục, “Tôi là một người yêu thích kỹ thuật Pomodoro, nhưng chỉ đến khi đại dịch xảy ra, tôi mới thực sự đánh giá cao hiệu quả của kỹ thuật này khi áp dụng vào việc nhà. 25 phút nghe nhạc giúp tôi vẫn có thể thư giãn khi làm việc nhà, điều mà trước đây tôi từng thấy không mấy thoải mái”.
Với tư cách là một người bố đi làm, ông khuyến khích những ông bố khác giúp đỡ bạn đời của họ giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái và việc nhà, “Khi các ông bố nghĩ về việc chăm sóc con cái và phụ việc nhà như là khoảng thời gian vui chơi cùng con hoặc tập thể dục, thì chúng ta có thể tận hưởng thời gian đó và cân bằng được trách nhiệm gia đình lẫn công việc”.
                                                                                                          Vương Linh