Lao động
Cao su góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Tây Nguyên
07:09 PM 28/06/2022
(LĐXH) - Vào đầu Thập niên 80, cái đói, cái nghèo luôn theo đuổi bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên dải đất Tây Nguyên. Nhưng từ khi có chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cùng sự tham gia tích cực của các đơn vị làm kinh tế, đặc biệt những là Công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) triển khai trồng cây cao su, vùng đất này đã “thay da đổi thịt”, đời sống người dân từng bước được nâng cao hơn.



Công nhân nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cao su Ea H’Leo

Chăm lo tốt đời sống người lao động

Trung tuần tháng 6/2022, chúng tôi có chuyến thực địa viết bài về những hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác chăm lo đời sống người lao động (NLĐ), đặc biệt lao động là người DTTS làm việc tại các Cty cao su thuộc VRG trú đóng ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Điểm đến đầu tiên, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’Leo (Công ty Cao su Ea H’Leo), một trong những đơn vị tiên phong đưa cây cao su đến vùng đất Tây Nguyên, đúng vào dịp Công ty vừa triển khai mở miệng cạo mủ cao su vụ mới. Tại đây, không khí làm việc từ văn phòng Công ty đến các nông trường, tổ, đội đều nhộn nhịp, khẩn trương, đặc biệt ở những bộ phận làm việc trực tiếp tại vườn cây, hứa hẹn thêm một vụ mùa bội thu.

Ah Krưng HCúc (công nhân người dân tộc Ê Đê) phấn khởi, cho biết, cô mới được Công ty tuyển dụng vào làm việc chính thức hơn 2 tháng. “Nhà khó khăn, được người nhà đang làm công nhân ở Công ty giới thiệu, tôi xin vào làm. Làm công nhân được hưởng lương hàng tháng, có BHXH, BHYT; được ăn giữa ca, được trang bị quần áo, giày, găng tay để đi làm; tiền phụ cấp độc hại, bột ngọt, đường, sữa đủ thứ, vui lắm”:  Ah Krưng HCúc tâm sự.

Đón chúng tôi ngay vườn cây, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Ea H’Leo Lê Anh Tuấn, cho biết Công ty nằm trên địa bàn của 12 xã, thị trấn thuộc huyện EaH’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Trước kia, dân cư nơi đây thưa thớt, đa số là đồng bào DTTS, cuộc sống mang tính du canh du cư, rất khó khăn. Những ngày đầu xây dựng Công ty mới chỉ có 39 cán bộ, công nhân nòng cốt. Trải qua vô vàn khó khăn cơ sở hạ tầng thiếu thốn, an ninh - trật tự xã hội chưa ổn định, đến nay số cán bộ, công nhân lao động (CNLĐ) của Công ty đã hơn 1.390 người, trong đó gần 50% lao động là người DTTS.

Hiện Công ty có tổng giá trị tài sản là 757 tỷ đồng và đang quản lý 4.812,31 ha cao su. Sản lượng khai thác hàng năm từ 5.600 tấn – 6.800 tấn; năng suất vườn cây đạt 1,6 - 1,86 tấn/ha. Tính gộp 5 năm trở lại đây (2017-2021), sản lượng khai thác đạt 31.304 tấn; tổng doanh thu 1.217 tỷ đồng; tổng lợi nhuận 85,341 tỷ đồng; tiền lương bình quân NLĐ, 5 năm trở lại đây là 5,66 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, Công ty phấn đấu lương bình quân NLĐ đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân Công ty Chư Sê chăm sóc giống cây cao su

Tương tự Công ty Cao su Ea H’Leo, Công ty TNHH TTV Công ty Cao su Chư Sê (Công ty Cao su Chư Sê) hình thành thành trên cơ sở bộ khung từ Công ty Cao su Dầu Tiếng với 19 người ban đầu. “Bằng những kinh nghiệm kỹ thuật quý báu từ Công ty Mẹ, những cán bộ, công nhân kiên trì bám trụ, vượt lên muôn vàn khó khăn, thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai. Công ty đã lập nên những thành tích xuất sắc trong suốt chặng đường thành lập trưởng thành, đặc biệt đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2000”, ông Trần Ngọc Lộc, Phó Tổng Giám đốc Cty Cao su Chư Sê chia sẻ.

Xe chúng tôi tiếp tục băng qua những con đường nhựa uốn quanh những cánh rừng cao su với tán lá xanh mướt, được tổ điểm thêm bởi những tia nắng vàng đầu mùa hạ, để tới thăm nhà máy chế biến mủ của Công ty Cao su Mang Yang. Nhà máy với chất lượng chế biến đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3769:2016, 100% sản phẩm do công ty chế biến đạt tiêu chuẩn VRG TCCS 112:2017/TĐCNCSVN. Riêng đối với mủ RSS công ty đang xây dựng lộ trình sản xuất một phần sản lượng theo TCCS 104:2017.

Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang cho biết, những ngày đầu mang cây cao su “cắm” vào đất của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai – Kon Tum (nay là huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai), nơi đây đường giao thông đi lại rất khó khăn, điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của CNLĐ và người dân còn thiếu thốn nhiều… Nay từ văn phòng Công ty tới các nông trường, xí nghiệp, nhà máy và các tổ đội sản xuất, giao thông liên thôn, liên xã đã có đường trải nhựa, bê tông cấp phối; điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Trong đó, có hàng chục km đường nông thôn mới được thảm nhựa và bê tông cấp phối do Công ty Cao su Mang Yang phối hợp với địa phương cùng làm.

Khi chúng tôi tới, Công ty Cao su Mang Yang đang lên kế hoạch triển khai trồng hàng cây thông hơn 300 cây trên tuyến đường từ thị trấn Đăk Đoa hướng theo đường về xã Nam Yang, mục đích bảo tồn giống cây quý và làm đẹp cảnh quan khu vực, phục vụ người dân trong vùng thăm quan, chụp ảnh.

Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang Trương Minh Tiến (ngoài cùng bên phải) kiểm tra chất mủ thành phẩm, được chế biết từ nhà máy của đơn vị này.

Mong được làm công nhân cao su

Tới Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (Công ty Cao su Kon Tum), đơn vị khi mới thành lập chỉ có 30 người, đến nay đơn vị này đang quản lý là 6.019 cán bộ, CNLĐ, trong đó, lao động người đồng bào DTTS chiếm 75%. Thu nhập bình quân của NLĐ năm 2021, đạt hơn 9,2 triệu đồng/người/tháng. VRG bắt đầu triển khai chương trình phát triển cao su ở Tây Nguyên từ đầu Thập niên 80. Phần lớn diện tích cao su của các công ty nằm ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Từ những vùng đất hoang sơ, đất trống đồi trọc, đến nay những nơi có cây cao su của các Công ty thuộc VRG đều đã hình thành các thôn, buôn, xã nông thôn mới, thị trấn, thị tứ dân cư đông đúc trù phú với đường xá, cầu cống, trường học, trạm y tế khang trang phục vụ công nhân và người dân địa phương.

Những công nhân Công ty Cao su Kon Tum vui mừng khi vụ mủ mới hứa hẹn bội thu

Đón chúng tôi tại văn phòng, ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Kon Tum, cho biết Công ty đang quản lý 9.623,04 ha, trong đó có 6.819 ha trong chu kỳ khai thác. Hiện Công ty đã đưa vào sử dụng hệ thống quy trình quản lý chất lượng ISO 9001:2015; năng suất đạt 1,83 tấn/ha; 10 năm liên tiếp đạt danh hiệu thành viên Câu lạc bộ 2 tấn/ha (danh hiệu danh giá được tôn vinh bậc nhất trong  ngành cao su Việt Nam. Sản lượng khai thác toàn Công ty trung bình đạt mốc 15.500 tấn/năm, dẫn đầu các Công ty thuộc Tập đoàn tại khu vực Tây Nguyên, và đứng trong tốp 5 công ty có sản lượng cao toàn ngành. Công ty vinh dự đạt giải Bạc chất lượng quốc gia; Cúp vàng Sản phẩm dịch vụ ưu tú Hội nhập WTO, Tốp 20 doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu sáng tạo, Doanh nghiệp tiêu biểu dẫn đầu ngành Cao su Việt Nam – ASEAN –EU 2021; Top 10 Doanh nghiệp tín nhiệm nhất Việt Nam,...

Dời Công ty Cao su Kon Tum, tới Nông trường Cao su Hà Tây (tại xã Hà Tây) thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (Công ty Cao su Chư Păh) khi công nhân đã nghỉ cạo để ăn bữa giữa ca. Hỏi thăm về đời sống, việc làm của công nhân ở đây, cô gái tên PLưn (dân tộc Ba Na), công nhân tổ 4, Nông trường Cao su Hà Tây cho biết, lương bình quân của cô năm 2021 được hơn 8 triệu đồng/tháng. “Nhà mình có 5 anh em thì 4 người đã vào làm công nhân cao su. Làm công nhân cho Công ty có cái để ăn, cái để dành mà”: PLưn nói. Góp thêm chuyện, công nhân tên Tam (dân tộc Ba Na - cùng tổ với PLưn) cho biết, anh vào làm công nhân Nông trường Cao su Hà Tây từ năm 2010. Nhờ có tiền lương và sự hỗ trợ của Công ty, nông trường mà xây được nhà mới, mua được thêm đất trồng 5 ha cao su tiểu điền. Ngoài ra, gia đình anh còn canh tác 10 ha khoai mì và 10 sào lúa, nhờ đó kinh tế đã hết khó khăn.

Công nhân Công ty Cao su Chư Păh khai thác mủ vụ mới

Ông Biên (Dân tộc Ba Na) - Chủ tịch UBND xã Hà Tây- huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai, người đồng hành cùng Công ty Cao su Chư Păh từ khi đơn vị này mới thành lập nói: “Nếu không có Công ty Cao su Chư Păh đứng chân trên địa bàn xã, địa phương chưa được phát triển như hôm nay. Nhưng bước đầu mới thành lập Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ khai hoang, vận động dân hiến đất trồng cao su đến tuyển dụng lao động vào làm việc. Vì người dân họ không biết lợi ích của cây cao su như thế nào, Chỉa lúa thì từ năm nay sang năm mới là cho ăn, còn cao su không biết khi nào cho thu hoạch. Khó lắm, nhưng với sự quyết tâm của chúng tôi và sự hỗ trợ nhiệt tình của các già làng, trưởng bản, đặc biệt công tác chăm lo vật chất, tinh thần tốt của Công ty cho NLĐ, thanh niên trong vùng thấy vậy, từ từ vào làm công nhân cao su. Đến nay, NLĐ ở Công ty Cao su Chư Păh có thu nhập cao nên thanh niên của xã, trong vùng ai cũng mong muốn được vào làm công nhân cao su”.

Cây cầu mới được Công ty Cao su Chư Păh đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho công nhân và người dân trong khu vực đi lại thuận tiện

Những tia nắng cuối ngày dần khuất sau những dãy núi, vạt đồi bạt ngàn cao su, cà phê. Xe chúng tôi lao nhanh trên cung đường được thảm nhựa uốn lượn quanh nhiều buôn, làng với những ngôi nhà tường mái ngói đỏ tươi nằm sen nhà rông truyền thống của đồng bào. Tạm biệt Tây Nguyên, chúng tôi sẽ mãi nhớ về vùng biên giới hoang vắng, khô cằn năm xưa, nay đã thay da đổi thịt không ngừng phát triển nhờ những khối óc, bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của bao thế hệ cán bộ, CNLĐ ngành cao su tạo dựng nên.

Đăng Hải