Lao động
Cao Bằng: Hơn 5,6 tỷ đồng giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
10:52 AM 26/10/2021
(LĐXH) – Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến lĩnh vực lao động, việc làm, tỉnh Cao Bằng đã khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Nghị quyết số 116/NQ-CP giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cao Bằng là tỉnh miền núi có dân số trên 533.000 người. Toàn tỉnh có 1.740 doanh nghiệp, hợp tác xã; lực lượng lao động của tỉnh từ 15 tuổi trở lên khoảng 349.000 người, trong đó: nam chiếm 50,62%, nữ chiếm 49,38%; khu vực thành thị chiếm 20,35%, nông thôn chiếm 79,65%. Số lao động có việc làm trong các nhóm ngành kinh tế trên 345.900 người, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 71,6%), công nghiệp và xây dựng (chiếm 3,6%), dịch vụ (chiếm 24,8%).
Đến tháng 10/2021, toàn tỉnh đã giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 883 doanh nghiệp với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng
Trước tác động của đại dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh có 125 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp (số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 56 doanh nghiệp, với 450 lao động; dừng do dịch là 01 doanh nghiệp). Số lao động bị giảm thời gian làm việc, nghỉ luân phiên do dịch là 850 lao động; việc làm không thường xuyên 1.200 lao động (do chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, thiếu nguyên liệu sản xuất, không có công trình xây dựng, các doanh nghiệp vận tải tạm dừng hoạt động...).
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, xã, thôn, bản, tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn tỉnh về các nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; triển khai thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của tỉnh Cao Bằng, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ hộ kinh doanh... Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng; nắm tình hình lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố; rà soát, tổng hợp danh sách công dân đang cư trú, làm việc, học tập tại các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về địa phương; kiểm tra công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…
Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tính đến ngày 25/10/2021, toàn tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 896 đơn vị, với 9.633 lao động, tổng số tiền gần 976  triệu đồng (giảm đến tháng 10/2021); Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 01 doanh nghiệp, với 12 lao động, số tiền 60.973.440 đồng. UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 85 người với số tiền gần 90 triệu đồng, trong đó có 06 trẻ em. Đã chi trả 48 người, với số tiền 46 triệu đồng; Ra Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí cho 156 người, với số tiền hơn 174 triệu đồng, trong đó có 13 trẻ em. Đã chi trả cho 106 người, với số tiền gần 118 triệu đồng; Phê duyệt hỗ trợ cho 19 hướng dẫn viên du lịch, với số tiền 70,5 triệu đồng; Ra Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 74 hộ kinh doanh, với số tiền 222 triệu đồng. Đã thực hiện chi trả cho 45 hộ kinh doanh, với số tiền 135 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: có 01 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho 15 người lao động. Hiện nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn đang hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất Ngân hàng Chính sách xã hội. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã giải ngân hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 499 lượt lao động, với số tiền gần 1,3 tỷ đồng của 07 doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó: Trả lương ngừng việc cho 291 lượt lao động, với số tiền 544 triệu đồng của 05 doanh nghiệp, hợp tác xã; Trả lương phục hồi sản xuất cho 208 lượt lao động, với số tiền 714 triệu đồng của 02 doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ do tỉnh Cao Bằng chưa có trường hợp F0 trong cộng đồng, không bị giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp, hợp tác xã không bị tạm dừng hoạt động theo Công điện của UBND tỉnh.
Tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã được chuyển kịp thời đến người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Toàn tỉnh giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Số đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.337 đơn vị. Số đơn vị được giảm mức đóng là 883 đơn vị (Số lao động được giảm mức đóng là 9.364 lao động với tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là 5.64 tỷ đồng); Tổng số lao động được hỗ trợ là 1.881 người với tổn số tiền hỗ trợ là trên 4,1 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ chú trọng tạo việc làm tại chỗ cho người lao động thông qua các chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp; chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...; Tiếp tục rà soát, nắm tình hình nhu cầu việc làm của người lao động tại địa phương, nhất là người lao động làm việc ngoài tỉnh trở về do dịch bệnh COVID-19; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; Thực hiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp; Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021…/.
Minh Hiền